MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức khổng lồ của thủ tướng Nhật kế tiếp

26-08-2011 - 17:16 PM | Tài chính quốc tế

Ai trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật cũng phải đối mặt với một loạt thách thức to lớn trên mọi mặt trận.

Nhà lãnh đạo đó sẽ phải giải quyết các vấn đề từ nợ công và đồng yên tăng giá, khủng hoảng hạt nhân và tái thiết khu vực đông bắc sau động đất sóng thần đến việc giành được sự ủng hộ của phe đối lập trong một quốc hội chia rẽ, chưa kể phải điều hành một đảng cầm quyền khó bảo.

Sau khi Naoto Kan từ chức, vào ngày 29/8, Đảng Dân chủ cầm quyền sẽ phải chọn một lãnh đạo mới, người sẽ trở thành thủ tướng thứ 6 của Nhật chỉ trong vòng 5 năm.

Dưới dây là những vấn đề về chính sách mà vị thủ tướng tiếp theo của Nhật phải giải quyết:

Kinh tế

Nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kể từ sau trận động đất 9 độ Richter và trận sóng thần hủy diệt hôm 11/3, sự kiện tàn phá các khu vực bờ biển phía đông bắc và khiến 20.000 chết hoặc mất tích. Thảm họa kép này kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ chưa từng có kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986.

Theo dự đoán của các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế khối tư nhân, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ trở lại mức tăng trưởng nhẹ trong mùa thu này, khi các công ty khôi phục các chuỗi cung cấp và các nhà sản xuất hoạt động trở lại ở mức trước khi xảy ra động đất.

Nhưng nhu cầu giảm bớt trên toàn thế giới cộng với đồng yên tăng giá đang đe dọa đến sự hồi phục của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này, trong khi một sự trì hoãn chi tiêu tái thiết càng khiến cho tình hình thêm u ám.

Tokyo dự định chi 13 nghìn tỷ Yên (170 tỷ USD) để tái thiết các khu vực bị thiên tai, ngoài 6 nghìn tỷ Yên đã chi riêng cho các biện pháp cứu trợ ngay lập tức trong hai ngân sách bổ sung cho năm tài khóa kéo dài tới tháng 3 năm tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ngân sách bổ sung thứ 3 có được thực thi để khởi động kế hoạch tái thiết chính thức hay không, vì những bế tắc chính trị đã khiến nỗ lực tái thiết bị chậm trễ.

Đồng yên tăng giá

Nhật Bản đang nỗ lực hạn chế thiệt hại đối với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này từ sự tăng giá của đồng nội tệ, vốn đã đạt mức cao kỷ lục 75,94 Yên/USD vào ngày 19/8, hai tuần sau khi Tokyo can thiệp để ngăn chặn sự leo thang tới gần mức cao kỷ lục 76,25 Yên/USD hồi tháng 3.

Trong bối cảnh kinh tế Nhật chứng kiến sự hồi phục khi châu Âu và Mỹ đối diện với sự giảm tốc, Tokyo đang có một thời điểm khó khăn trong việc thuyết phục các đối tác G7 về sự cần thiết phải can thiệp sau hành động chung hiếm hoi hồi tháng 3.

Để giúp giảm nhẹ thiệt hại do đồng yên tăng giá, chính phủ Nhật sẵn sàng can thiệp một lần nữa trong khi tìm kiếm các biện pháp thông qua ngân sách bổ sung thứ 3 và trông mong sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhật với một chính sách tiền tệ thật dễ dãi để cực đại hóa những tác động của sự can thiệp.

Hôm 24/8, Tokyo đã đưa ra mức tín dụng 100 tỷ USD để giúp thúc đẩy đầu tư Nhật ở nước ngoài và nâng cao giám sát các địa vị tiền tệ trong các thể chế tài chính lớn, nhưng giới phân tích hồ nghi liệu những bước đi này sẽ hiệu quả trong việc ngăn đồng yên tăng giá.

Nợ công

Các nhà đầu tư sẽ quan sát xem liệu Thủ tướng tiếp theo của Nhật có trung thành với kỷ luật tài chính vào một thời điểm mà một cuộc khủng hoảng nợ ở phương Tây đang gióng lên hồi chuông báo động về một nước Nhật ngập trong nợ nần, với nợ công đã gấp 2 lần quy mô của nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD.

Hôm 24/8, hãng đánh giá tín dụng Moody's Investors Service đã hạ bậc tín nhiệm nợ chính phủ của Nhật Bản xuống Aa3, quy kết một sự tích lũy nợ kể từ cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009 và một tập thể lãnh đạo xoay vòng đã cản trở các chiến lược kinh tế hiệu quả.

Để giúp sắp xếp các khoản tài chính công nát vụn và cấp tiền cho các chi phí an sinh xã hội ngày càng phình to (tăng thêm hơn 1 nghìn tỷ Yên mỗi năm), chính phủ Nhật đã cam kết tăng gấp đôi mức thuế tiêu thụ 5% vào giữa thập niên này.

Nhưng ý định đó còn lâu mới đủ để Tokyo thực hiện được mục tiêu cân bằng ngân sách. Các nhà lập pháp lo ngại rằng việc tăng thuế sẽ làm mếch lòng các cử tri, khiến cho sự cải cách tài chính trở nên khó thực hiện.

Khủng hoảng hạt nhân

Thảm họa tự nhiên hồi tháng 3 đã dẫn tới tình trạng tan chảy và rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do Tập đoàn Điện lực Tokyo điều hành, làm giảm lòng tin của dân chúng vào điện hạt nhân.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân này đã phủ bóng lên triển vọng khởi động lại các lò phản ứng vốn được đóng cửa để bảo trì, có nghĩa là rất có thể toàn bộ 54 lò phản ứng của Nhật có thể bị đóng cửa vào tháng 5/2012, dấy lên nguy cơ thiếu điện kéo dài vốn có thể gây hại thêm nữa cho hoạt động kinh tế.

Thủ tướng vừa từ chức Naoto Kan từng cam kết sẽ dần dần đưa nước Nhật thoát khỏi sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, đảo ngược lập trường trước đó của Tokyo là phải tăng cường năng lực hạt nhân để đáp ứng một nửa nhu cầu về năng lượng của Nhật Bản vào năm 2030.

Nhưng ông Kan đã không giải thích rõ ràng cách thức ông nghĩ Nhật Bản có thể tăng năng lực từ các nguồn năng lượng khác để thay thế điện hạt nhân.

Quốc hội chia rẽ

Sự ra đi của ông Kan có thể dọn đường cho ban lãnh đạo cải thiện các quan hệ với phe đối lập, phe kiểm soát Thượng viện và có thể chặn đứng các dự luật.

Một vài ứng viên, trong đó có cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara và Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, đã kêu gọi một liên minh giữa đảng cầm quyền và các phe đối lập để phá vỡ thế bế tắc về chính sách.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền tỏ ra thận trọng, và đến giờ, cả phe đối lập chính, Đảng Dân chủ Tự do, và cựu đối tác liên minh New Komeito đều tỏ ra thờ ơ trước ý kiến này.

Quan hệ ngoại giao

Các quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với Mỹ, đồng minh lớn nhất của nước này, rơi vào căng thẳng sau khi Đảng Dân chủ lên nắm quyền năm 2009 và tìm cách thực hiện một cam kết tranh cử: dời một căn cứ quân sự Mỹ khỏi đảo Okinawa ở miền nam.

Năm ngoái, Nhật đã đồng ý với Washington sẽ tuân thủ một thỏa thuận năm 2006 là chuyển căn cứ Futenma tới một nơi thưa dân hơn ở Okinawa. Tuy nhiên, Tokyo vẫn chưa giành được sự ủng hộ cho kế hoạch này từ dân chúng địa phương.

Nhật Bản đã chứng kiến các mối quan hệ với Bắc Kinh xấu đi trong năm ngoái, sau khi một tranh chấp lãnh thổ nổ ra trên các đảo nhỏ ở vùng biển phía đông Trung Quốc, và sự tăng cường quân sự của Trung Quốc đã gây khó chịu cho Nhật và các nước láng giềng châu Á khác.

Tuy nhiên, Nhật Bản muốn duy trì quan hệ vững chắc với Trung Quốc do các quan hệ kinh tế song phương đang lớn mạnh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2009 và đã vượt qua Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet/Reuters

kyanh

Trở lên trên