MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức “tân đại Paris”

11-03-2013 - 09:24 AM | Tài chính quốc tế

Kế hoạch mở rộng Paris được xem quá tốn kém trong giai đoạn chính phủ các nước châu Âu, kể cả Chính phủ Pháp đang áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Sau nhiều tháng tranh cãi, cuối cùng, Chính phủ Pháp cũng đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng là mở rộng thủ đô Paris. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cho biết một hệ thống vận tải khổng lồ mới sẽ kết nối từ khu trung tâm tới các vùng ngoại ô. Đây là điểm mấu chốt cho một Paris mở rộng. 

Kế hoạch mở rộng Paris được xem quá tốn kém trong giai đoạn chính phủ các nước châu Âu, kể cả Chính phủ Pháp đang áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Thực ra, kế hoạch này đã được lập từ thời Tổng thống Nicolas Sarkozy vào năm 2007. Giờ đây, khi tiếp tục dự án này, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2030, chậm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng Pháp Ayrault thừa nhận rằng tổng kinh phí mở rộng Paris cũng không thể dừng ở mức 20,5 tỷ EUR như dự tính ban đầu mà còn phát sinh rất nhiều, nhưng ông tự tin cho biết sẽ tìm ra kinh phí. 

Theo báo cáo hồi tháng 12-2012 của Sở Giao thông Vận tải Paris, chỉ riêng với việc mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông vận tải đã tốn 29,9 tỷ EUR. Bảo vệ cho dự án này, Thủ tướng Pháp cho biết, Paris mở rộng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp và cả gián tiếp cho nước Pháp. Ông Ayrault cho biết sẽ giảm chi phí đầu tư giao thông xuống 3 tỷ EUR khi giảm quy mô các con tàu và đường ray. Ngoài ra, sẽ tăng thuế đánh vào văn phòng và cửa hiệu ở Paris. 

Mỗi tổng thống Pháp khi rời khỏi chức vụ đều muốn để lại dấu ấn gì đó với Paris. Nếu như các ông Georges Pompidou, François Mitterrand hay Jacques Chirac tập trung vào việc nâng cấp các bảo tàng thì ông Sarkozy “mơ” về một “Đại Paris” với bước chuyển đổi ngoạn mục ở vùng ngoại ô với các chuyến tàu nhiều tỷ euro sang trọng không người lái. 

Thực ra, ý tưởng mở rộng Paris đã có từ thời Napoleon III những năm 1850. Nhưng không may, kiến trúc sư chính vào thời đó, ông Baron Haussmann, đã vỡ mộng bởi cuộc đấu đá chính trị. Ông đã phải chấm dứt tham vọng của hoàng đế đưa Paris mở rộng về phía Đông và phía Tây.

Trở lại với dự án thời Sarkozy, ngay từ năm 2007, Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp được giao nhiệm vụ tổ chức tiến trình tham khảo, theo đó mời các kiến trúc sư quốc tế và nhà hoạch định đô thị tham gia góp ý vào dự án. Hiện tại, Thủ tướng Pháp Ayrault đã đặt tên mới cho dự án là “Tân đại Paris” gồm 208km đường “siêu metro” mới và 72 trạm mới, nối vùng ngoại ô với các sân bay cùng với đó nâng cấp các hệ thống metro sẵn có. 

Những người ủng hộ dự án “Tân đại Paris” cho rằng đây là cơ hội tốt để thu hút đầu tư, nâng cấp hình ảnh kinh đô ánh sáng hiện đại hơn, xứng tầm hơn với một kinh đô lâu đời ở trung tâm châu Âu. Những ý kiến trái chiều cho rằng ngay cả việc quản lý Paris hiện hữu vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là lĩnh vực nhà ở và quản lý đô thị. Vì vậy, khi Paris lớn hơn nữa, người ta sẽ quản lý nó như thế nào? Thêm nữa, với dự án này, Chính phủ Pháp có thể sẽ tăng thuế, mà việc này sẽ là một thách thức với người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 

Theo Phương Trâm
SGGP

huongnt

Trở lên trên