MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 1 ảm đạm trên TTCK Mỹ

31-01-2015 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu năm 2015 với diễn biến khiến người ta nhớ lại những gì đã diễn ra đầu năm 2014.

Nội dung nổi bật:

- Giống như năm 2014, chứng khoán Mỹ tuột khỏi mốc kỷ lục và giảm tổng cộng 3,1% trong tháng 1

- Nhà đầu tư lo lắng về kinh tế toàn cầu cũng như giá dầu, đồng thời lợi nhuận của doanh nghiệp giảm vì đồng USD quá mạnh

- Tài chính, năng lượng và công nghệ là các nhóm giảm mạnh nhất


Chỉ số S&P 500 đã kết thúc tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2014, rời khỏi mức cao kỷ lục với mối lo ngày càng tăng lên. Cách đây 1 năm, chỉ số S&P 500 lao dốc mạnh sau khi đà tăng 30% đẩy thị trường lên những đỉnh cao mới. Tháng 1 năm nay, S&P 500 cũng tuột khỏi mốc cao kỷ lục.

Theo số liệu của Bloomberg, S&P 500 giảm 3,1% trong tháng 1, đóng cửa phiên cuối tháng ở mức 1.994,99 điểm. Đà giảm đối lập với mức tăng 7,2% của chỉ số Stoxx Europe 600 trong bối cảnh chứng khoán châu Âu có khởi đầu năm mới thuận lợi nhất kể từ năm 1980 nhờ chương trình nới lỏng định lượng của ECB.

Những đợt biến động mạnh cũng quay trở lại với TTCK Mỹ với biên độ lớn gần gấp đôi so với năm 2014 do giá dầu sụt giảm 9,4% và đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.

Ngược lại, trái phiếu Mỹ có khởi đầu tốt nhất kể từ năm 1988.

Tổng cộng chứng khoán Mỹ mất hơn 700 tỷ USD giá trị vốn hóa trong tháng 1 với các cổ phiếu năng lượng tiếp tục bị bán tháo và nhóm tài chính giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2012. Nhóm công nghệ cũng giảm điểm mạnh.

Nhóm tài chính giảm 7%, đánh dấu tháng tệ nhất kể từ tháng 5/2012 vì 3 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đều ghi nhận doanh thu tệ nhất kể từ năm 2011. Mỗi cổ phiếu JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp. và Citigroup Inc. giảm ít nhất 13% vì mảng giao dịch tài sản mang lại thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa (FICC) kéo doanh thu đi xuống.

Nhóm năng lượng cũng có chuỗi giảm điểm theo tháng dài nhất kể từ năm 2009 sau khi mất 4,9% trong tháng 1. 34/43 cổ phiếu giảm điểm.

Giá dầu giảm tuần thứ 7 liên tiếp làm dấy lên lo ngại về những tác động của giá dầu tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, trong khi đồng USD mạnh nhất trong 1 thập kỷ khiến hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trở nên đắt đỏ ở nước ngoài. Các công ty từ Procter & Gamble Co. tới DuPont Co. và Pfizer Inc. đều cho biết đồng USD mạnh lên khiến lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng.

Kết quả khảo sát cho thấy CEO của các doanh nghiệp Mỹ đang có tâm trạng bi quan về lợi nhuận hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi khủng hoảng tài chính kết thúc.

Thị trường lo ngại rằng đà giảm tốc của các nền kinh tế trên toàn thế giới sẽ làm tổn hại đến kinh tế Mỹ, đồng thời giá dầu thô sụt giảm cùng với đồng USD mạnh lên đáng kể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Báo cáo được công bố hôm qua (30/1) cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn dự báo trong quý IV/2014. Điều này có nghĩa là cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều cần nhiều bằng chứng hơn để đi đến kết luận nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giữ vững đà tăng trưởng trước “những cơn gió ngược” trên toàn cầu như giá hàng hóa lao dốc và mối nguy giảm phát ở châu Âu.

Trên thế giới, chứng khoán toàn cầu có phiên tăng điểm mạnh nhất trong 2 tuần vào hôm 22/1, sau khi Chủ tịch NHTW châu Âu thông báo về gói nới lỏng định lượng. Trong tháng 1, một loạt các NHTW từ Canada tới Thụy Sĩ, Singapore và Nga đã gây sốc cho các nhà giao dịch ngoại hối với những thông báo gây ngạc nhiên về chính sách.

Dẫu vậy, đối với những nhà đầu tư hi vọng thị trường sẽ có diễn biến tương tự năm 2014, thị trường vẫn cho họ nhiều hi vọng. Sau khi giảm 3,6% trong tháng 1/2014, chỉ số S&P 500 ngay lập tức có 5 tháng tăng điểm liên tiếp. Thị trường đã khép lại năm 2014 với mức điểm cao kỷ lục.

Thanh Thanh

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên