MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra ngân hàng Châu Âu: Vô số khiếm khuyết

31-07-2011 - 10:11 AM | Tài chính quốc tế

Đợt thanh tra đã bưng bít mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ công

Tưởng tượng có một bệnh nhân tay đặt ở vị trí tim, miệng kêu đau ngực dữ dội. Một bác sỹ tới nơi, khám bệnh kỹ càng rồi tuyên bố: “ông này khỏe” (tất nhiên là trừ trường hợp tim đã ngừng đập hẳn).

Đó chính là hình ảnh chính xác cho đợt thanh tra ngân hàng mới đây ở Châu Âu: trừ việc có một cuộc khủng hoảng nợ công, thì phần lớn các tổ chức tín dụng đều ổn.

Đợt thanh tra do Cơ quan ngân hàng Châu Âu (European Banking Authority, EBA) tiến hành này cho thấy 8/90 ngân hàng bị thanh tra có tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 xuống dưới 5% trong kịch bản “căng thẳng”. 5 ngân hàng của Tây Ban Nha, 2 của Hy Lạp và 1 của Áo. 16 ngân hàng khác có tỷ lệ an toàn vốn trong ngưỡng 5-6%, tức là rất sát mức sàn.

Dù một số người cho rằng đợt thanh tra này chỉ tốn thời gian, nhưng không phải như vậy. Tất cả các ngân hàng bị thanh tra phải công khai rất nhiều thông tin về danh mục nợ công mình nắm giữ. Nhờ thế mà các nhà phân tích sẽ biết được ngân hàng nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc khủng hoảng hiện nay tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone).

Đợt thanh tra có lẽ cũng đã khiến một số ngân hàng tăng vốn từ trước: từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, các tổ chức tín dụng tại Châu Âu đã huy động được thêm 50 tỷ euro vốn.

8 ngân hàng không vượt qua được đợt thanh tra của EBA và những ngân hàng suýt xoát mức “trượt” sẽ phải chịu sức ép tăng vốn từ thị trường. Đặc biệt, nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đã trở nên rõ ràng hơn: 5/8 ngân hàng “trượt” là của Tây Ban Nha, và nếu không có đợt tăng vốn trong 4 tháng đầu năm nay, 9/20 ngân hàng đáng lẽ đã “trượt” cũng là của nước này.

Đầy rẫy khiếm khuyết

Tuy vậy, đợt thanh tra này có những khiếm khuyết nghiêm trọng ở ít nhất ba mặt sau đây.

Mặt rõ ràng nhất là đợt thanh tra đã bưng bít mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ công. EBA giả định rằng sẽ không có một vụ vỡ nợ nào của các nước eurozone.

Chỉ các chứng khoán nợ nhà nước ghi trên danh mục giao dịch (trading book) mới phải trích lập dự phòng. Trong khi đó phần lớn ngân hàng lại ghi trái phiếu chính phủ vào danh mục đầu tư (banking book), nhờ thế mà vẫn được ghi nhận giá trị gốc.

Dù sao thì khoản phải trích lập cũng quá ít: ví dụ như đợt thanh tra này chỉ giả sử giá trị trái phiếu chính phủ Hy Lạp giảm có 25% trong khi theo giá thị trường thì phải tới 50%. EBA đã yêu cầu các ngân hàng phải dự phòng cho số trái phiếu trên danh mục đầu tư, nhưng có lẽ cơ quan này vẫn chưa biết “thị uy” thế nào: trong tổng số 377 tỷ euro mà cả 90 ngân hàng phải dự phòng, chỉ có 11 tỷ là có liên quan tới trái phiếu chính phủ.

Thứ hai, trong tuần qua, diễn biến khủng hoảng đã thay đổi chóng mặt, nay cả Italy và Tây Ban Nha đều đã trong tầm ngắm.

Nhờ đợt thanh tra này mà thị trường biết hệ thống ngân hàng dễ tổn thương đến đâu trước đợt công phá trực tiếp của khủng hoảng nợ công. Nhưng như chính EBA thừa nhận, nó không chỉ ra được tác động gián tiếp tới niềm tin của giới đầu tư và tính thanh khoản trên thị trường vốn. Và cả hai tác động trực tiếp và gián tiếp này của khủng hoảng nợ công đều sẽ mạnh lên khi các nền kinh tế lớn vào trong tầm ngắm.

Đợt thanh tra này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách biết nên “gia cố” hệ thống ngân hàng như thế nào trong trường hợp một nước nhỏ như Hy Lạp vỡ nợ. Nhưng nó lại có rất ít tác dụng nếu nước vỡ nợ là Italy hay Tây Ban Nha vì hiệu ứng dây chuyền sẽ lớn hơn và khó dự đoán hơn rất nhiều.

Khiếm khuyết cuối cùng là “thanh tra rồi thì sao?”. Các ngân hàng Châu Âu cần tăng vốn để hấp thu được tác động từ một đợt tái cơ cấu nợ của Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ireland.

Nhưng từ cả năm nay chuyện này ai cũng rõ, tuy vậy họ vẫn chưa buồn làm. Từ cuối năm 2009 tới cuối quý I năm nay, các ngân hàng Mỹ đã tăng tỷ lệ vốn cấp 1 thêm 4% (xem đồ thị). Chẳng có hệ thống ngân hàng nào ở Châu Âu làm được chỉ gần như vậy, và con số vốn tuyệt đối của họ vẫn thấp hơn nhiều.

Đợt thanh tra này có thể là chất xúc tác cho một làn sóng huy động vốn nhưng có những tín hiệu rõ ràng cho thấy EBA sẽ phải đối mặt với sự chống đối dữ dội từ các cơ quan điều tiết cấp quốc gia (nhiều cơ quan trong số đó vẫn tranh cãi về định nghĩa thế nào là “vốn chất lượng cao”).

Tuần này, ngân hàng Đức Helaba đã từ chối để EBA công bố toàn bộ dữ liệu về mình sau khi EBA không công nhận một số khoản mục của họ là “vốn”. Chắc chắn phải có cơ quan giám sát ngân hàng Đức Bafin đứng đằng sau, Helaba mới dám làm vậy.

EBA muốn các ngân hàng không vượt qua được đợt thanh tra này phải trình kế hoạch bù đắp số vốn còn thiếu trong vòng 3 tháng, nhưng cơ quan giám sát ngân hàng Tây Ban Nha thì không. NHTW Tây Ban Nha đã ra thông cáo báo chí rằng “không ngân hàng Tây Ban Nha nào sẽ bị yêu cầu tăng vốn” vì đợt thanh tra kể trên.

Đợt thanh tra này của Cơ quan ngân hàng Châu Âu (EBA) rõ ràng tốt hơn đợt thanh tra hồi năm 2010. Nhưng “phiên bản 2011” vẫn chưa thích đáng: nó quá “nhẹ tay” nên chưa trấn an được thị trường và quá thiếu tính pháp lý để buộc ngân hàng phải huy động số vốn cần thiết.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên