MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất bại lớn của toàn cầu hóa

18-08-2011 - 13:23 PM | Tài chính quốc tế

Toàn cầu hóa cho đến nay chủ yếu khiến túi người giàu thêm phình to và cướp đi việc làm của người nghèo.

Đằng sau sự sụp đổ của niềm tin thị trường ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và kinh tế Mỹ chính là sự thất bại của chiến lược và lãnh đạo.

Không nên đổ lỗi cho các cơ quan xếp hạng tín dụng: chính phủ các nước tại châu Âu và Mỹ đã không thể đương đầu với thực tế của thị trường vốn toàn cầu và sự cạnh tranh từ phía châu Á và vì thế họ phải chịu phần trách nhiệm lớn.

Đối với các cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà hoạch định chính sách sẽ giải quyết mọi chuyện thành công khi họ đưa ra chính sách táo bạo và đúng hướng cũng như được xây dựng trên cơ sở giá trị xã hội. Sự hợp tác lãnh đạo xuyên châu lục đã thất bại. Chính phủ Mỹ và châu Âu chưa bao giờ hiểu được đúng vấn đề cốt lõi, cụ thể cả hai khu vực này chịu tác động rất nhiều từ toàn cầu hóa.

Việc làm cho nhóm lao động có kỹ năng thấp trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư vào các ngành, cho đến nay đã mất khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Việc làm cho người lao động tại Mỹ và châu Âu thập niên 2000 có được chủ yếu do bong bóng bất động sản bùng nổ khi lãi suất ở mức thấp và hoạt động điều tiết quá lỏng lẻo. Bong bóng bất động sản vỡ, số người mất việc tăng cao chóng mặt.

Con đường phục hồi kinh tế có bằng phẳng hay không phụ thuộc không chỉ vào việc liệu bong bóng bất động sản mới có hình thành mà còn chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch.

Thay vào đó, chính phủ Mỹ và nhiều nước châu Âu cứ loanh quanh giữa các gói kích cầu dành cho người tiêu dùng và chính sách thắt chặt chi tiêu mà chẳng có định hướng rõ ràng nào cho hoạt động đầu tư.

Chính sách kinh tế vĩ mô đã không thể tạo ra việc làm mà còn chưa phù hợp với các giá trị xã hội. Nói một cách rõ ràng hơn: chính sách xã hội tốt không có nghĩa duy trì thâm hụt ngân sách ở mức cao. Nợ công tại châu Âu và Mỹ hiện đã quá cao. Chính sách xã hội tốt đồng nghĩa với sự cân bằng giữa việc giảm dịch vụ xã hội và tăng thuế đối với người giàu.

Cho đến nay, toàn cầu hóa đã tác động không chỉ đến nhữn người lao động thiếu kỹ năng mà còn mang đến cơ hội kiếm tiền cho người giàu. Người giàu có thể đầu tư vào lĩnh vực mới sinh lời cao tại nhóm nước mới nổi.

Trong khi đó, giống như trong tuần này tỷ phú Warren Buffett đã khẳng định, người giàu có thể thuyết phục chính phủ nước họ giảm thuế lợi nhuận nhân danh cạnh tranh thuế toàn cầu.

Các thiên đường thuế đã phát triển nở rộ trên khắp thế giới ngay cả khi các chính trị gia liên tục phàn nàn về nó. Cuối cùng, người nghèo chịu cú sốc đúp, thứ nhất là các yếu tố trên toàn cầu và thứ hai, khả năng găm tiền ở môi trường thuế thấp của người giàu.

Chính sách tài khóa hiện tại trong các nền kinh tế liên Đại Tây Dương cần phải được tính toán dựa trên 3 thực tế.

Thứ nhất, nó phải mở rộng đầu tư vào nguồn vốn nhân lực và hạ tầng.

Thứ hai, cần phải giảm chi tiêu thừa thải, ví dụ chi phí cho các đợt tham chiến tại Iraq, Afghanistan và Yemen.

Thứ ba, cần phải đặt mục tiêu cân bằng ngân sách trong trung hạn, trong đó bao gồm tăng thuế với người có thu nhập cao và lợi nhuận doanh nghiệp hiện đang bị giấu tại các thiên đường thuế.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ không làm tăng thâm hụt ngân sách nếu dự án đó được tự thu chi riêng. Ngay cả nếu tiền xây dự án đó đến từ tiền vay, dự án cũng sẽ không mang lại các khoản nợ chồng chất nếu nó có nguồn thu trong tương lai.

Hiện nay, việc tính toán ngân sách tại Mỹ không phân biệt rõ ràng giữa dự án nào tự có nguồn tài chính, ví như cầu sẽ có doanh thu từ phí trong tương lai và dự án xây bằng nguồn thu chung.

Giới chính trị gia châu Âu thời gian qua thất bại trong việc công bố chính sách minh bạch. Tại châu Âu, phản ứng chính sách của châu Âu không quan trọng bằng quyết định chính sách của nhóm nước mạnh, thỏa thuận mới nhất giữa Pháp và Đức cho thấy điều đó.

Đã nhiều tháng, số phận của châu Âu đã bị định đoạt bởi các cuộc bầu cử tại Đức và đảng phái tại Phần Lan. Các nhà hoạch định chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu chia rẽ về quan điểm đến nỗi họ đã lờ đi chức năng cơ bản của mình là bình ổn thị trường. Đồng euro chẳng thể nào tiếp tục tồn tại nếu các tổ chức dành cho châu Âu vẫn tiếp tục hoạt động yếu kém, chậm chạp và chia rẽ như vậy.

Nước Mỹ cũng không khá hơn. Quyền lực của Tổng thống Obama ngày một giảm, ông thường phải chờ xem những người quyền lực Quốc hội Mỹ phản ứng ra sao. Tầm ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng không hề nhỏ. Nói chung, nước Mỹ không thể giàu có hơn nếu các chính trị gia vẫn phải đi xin tiền để tranh cử.

Khủng hoảng trên thị trường tài chính gần đây và việc kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi chậm chạp phản ánh một số sai lầm nghiêm trọng. Chẳng hề có một chiến lược tăng trưởng nào, chỉ toàn chính trị gia hy vọng người tiêu dùng sẽ đi mua căn nhà họ không cần và cũng chẳng có tiền mà mua.

Đáng buồn, tình hình hiện nay của kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục cướp đi việc làm của nhiều người và làm cạn kiệt dòng vốn cho đến khi có những nhà lãnh đạo mới mạnh dạn và biết hợp tác với nhau.

Tác giả bài viết là giám đốc viện Earth Institute tại đại học Columbia University – Mỹ.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên