MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu lên cao kỷ lục

07-01-2012 - 09:50 AM | Tài chính quốc tế

Người ta thêm lo lắng về khả năng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã bước vào suy thoái và sẽ vẫn ở trong tình trạng này cho đến giữa năm 2012.

Số lượng người thất nghiệp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu lên mức cao kỷ lục tính từ khi đồng euro được tạo ra vào năm 1999. Lo lắng về khả năng kinh tế châu Âu suy thoái đang tăng lên.

Theo Eurostat, cơ quan thống kê châu Âu, số lượng người thất nghiệp trong khu vực đồng tiền chung tăng 0,3% trong tháng 11/2011 và lên mức cao kỷ lục 16,37 triệu.

Chỉ số niềm tin, chỉ số đo độ tự tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, hạ 0,9%; doanh số bán lẻ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hạ 0,8% trong tháng 11/2011.

Ông Martin van Vliet, chuyên gia kinh tế thuộc ING, nhận xét: “Khủng hoảng nợ châu Âu leo thang, nỗi sợ về khả năng kinh tế suy thoái cũng như các biện pháp thắt chặt ngân sách rõ ràng ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng trong thời gian qua.”

Số liệu kinh tế mới nhất khiến người ta thêm lo lắng về khả năng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã bước vào suy thoái và sẽ vẫn ở trong tình trạng này cho đến giữa năm 2012. ING dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng âm 1,8% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2011 và tiếp tục tăng trưởng âm 1,7% trong 3 tháng đầu năm 2012.

Tăng trưởng kinh tế của nhóm các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng rất khác nhau. Dù tỷ lệ thất nghiệp tại Đức và Áo tháng 11/2011 hạ xuống 5,5% và 4%; tỷ lệ thất nghiệp cùng tháng tăng lên mức 22,9% tại Tây Ban Nha và duy trì ở mức 18,8% tại Hy Lạp.

Các biện pháp thắt chặt ngân sách tại Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha đang gây ra tác động xấu với nhóm nền kinh tế khác thuộc châu Âu có nền kinh tế ổn định hơn. Doanh số bán lẻ tại Đức và Phần Lan hạ 0,9%. Tại Anh, nước nằm ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu, doanh số bán lẻ cũng hạ 0,4%.

Niềm tin kinh tế tại cả 27 nước thuộc Liên minh châu Âu hạ sâu hơn so với 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung, rủi ro suy thoái kinh tế như vậy đang lan rộng.

Minh Ngọc

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên