MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới chờ đợi Tổng thống 44 của nước Mỹ

20-01-2009 - 16:58 PM | Tài chính quốc tế

Vài giờ nữa, nước Mỹ chính thức có Tổng thống da màu đầu tiên. Ông "thừa hưởng" một cuộc khủng hoảng kinh tế, hai cuộc chiến tranh và mang theo kỳ vọng chưa từng có của thế giới.

Từ những người đầu tư chứng khoán, người lính hay người dân bình thường đều sẽ chăm chú theo dõi tivi để xem Lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Mỹ Obama và chờ đón bình minh mới của nước Mỹ.

 

Lần đầu tiên nước Mỹ có một Tổng thống gốc Phi. Trước mắt vị Tổng thống mới là rất nhiều thách thức.

 

Bao năm nay ở Mỹ, người ta thường nói với nhau rằng: đứa trẻ nào cũng có thể trở thành Tổng thống.

 

Vậy mà suốt 220 năm nay, thực tế không diễn ra đúng như vậy, 42 Tổng thống của nước Mỹ là người da trắng.

 

Tiền lệ suốt 220 năm đã chấm dứt bằng một người đàn ông da màu với người bố gốc Phi, người hay nói đến mình như một người đàn ông gầy gò đến từ Nam Chicago với một cái tên rất ngộ nghĩnh.

 
Khu vực phía Tây đồi Capitol là nơi diễn ra lễ Nhậm chức của Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ
 

Ông Barack Hussein Obama, 47 tuổi, sẽ đặt tay lên cuốn kinh được Abraham Lincoln sử dụng trong lễ nhậm chức hồi năm 1861. Obama sẽ là Tổng thống đắc cử đầu tiên sử dụng cuốn kinh của Lincoln.

 

Ông sẽ thừa hưởng một cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất trong 70 năm, hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan và gánh nặng là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Ông Obama đã tuyên bố ông sẽ mạnh tay tiến hành nhiều biện pháp.

 

Ông Valerie Jarrett, chuyên gia tư vấn cao cấp trong Nhà Trắng cho ông Obama, nhận xét về vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ:”Ông ấy không bao giờ để nỗi sợ thất bại cản bước các quyết định của mình.”

 

Cựu ngoại trưởng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, bà Madeleine Albright nhận xét:”Tôi chưa bao giờ thấy khi nào thế giới lại quan tâm đến bầu cử Mỹ như hiện nay.”

 

Khảo sát của BBC tại 17 nước trên thế giới cho thấy 2/3 số người tin rằng việc ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Mỹ và các nước trên thế giới.
 

Thế giới kỳ vọng rất nhiều vào vị Tổng thống thứ 44 này, họ kỳ vọng ông sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, từ thay đổi khí hậu cho đến hoà bình Trung Đông. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cảnh báo nhiều mong đợi của thế giới là không thực tế.

 

Đại diện chính phủ Tây Ban Nha thể hiện sự lạc quan đối với chính sách của ông Obama, tuy nhiên phía Nga lại không mấy hào hứng với những niềm hi vọng của thế giới.

 

Tại Indonexia, nước tập trung nhiều người Đạo Hồi nhất trên thế giới, nơi ông Obama đã từng sống 4 năm thời niên thiếu, Jakarta Post nhận xét ông Obama sẽ được coi như một người anh em của thế giới đạo Hồi, tuy nhiên ông không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.

 

Những điểm chính trong lễ tuyên thệ

 

Trước đây ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thường được tổ chức vào ngày 4/3. Nguyên nhân của sự chênh lệch thời gian nhiều như vậy là do cần phải có nhiều thời gian để chuẩn bị cho lễ nhậm chức và hơn nữa là để cho tân Tổng thống có thời gian đi tham quan thành phố. Kể từ năm 1937, lễ nhậm chức của tân Tổng thống được chuyển xuống ngày 20/1.

 

Dù thời gian, cách thức của lễ nhậm chức có sự thay đổi nhưng một trong yếu tố của buổi lễ vẫn không bao giờ thay đổi đó là nói lời tuyên thệ nhậm chức. Những lời tuyên thệ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ được quy định cụ thể trong Hiến pháp Mỹ.

 

Để nhận trách nhiệm của mình, tân Tổng thống Mỹ phải tuyên thệ: “Tôi xin thề thực hiện trung thực nhiệm vụ Tổng thống Mỹ và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ, che chở và bảo vệ Hiến pháp của nước Mỹ”.

 

Phần lớn các Tổng thống Mỹ đặt tay lên một quyển Kinh thánh để tuyên thệ. Tuy nhiên đây là việc làm không bắt buộc. Truyền thống này bắt đầu từ thời Tổng thống George Washington sau khi có nhiều ý kiến cho rằng tuyên thệ nhậm chức mà không có Kinh thánh là thiếu hợp pháp.

 

Washington cũng là một trong những Tổng thống đầu tiên của Mỹ hôn Kinh thánh và nói thêm từ “Xin Chúa hãy giúp con” khi kết thúc lời tuyên thệ.

 
An ninh thắt chặt trước thềm Lễ Nhậm chức của Tổng thống
 

Những hoạt động chào mừng kỷ lục

 

Diễu hành cũng là một phần chương trình không thể thiếu trong lễ nhậm chức truyền thống của các Tổng thống Mỹ. Sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lần thứ 2, Tổng thống Jefferson đã cưỡi ngựa đi từ điện Capitol về dinh Tổng thống.

 

Sau sự kiện này, các lễ diễu hành càng về sau được tổ chức quy mô hơn, ngoại trừ trường hợp của Tổng thống Andrew Jackson năm 1829 từ chối tổ chức lễ diễu hành do đang để tang vợ.

 

Lễ diễu hành của Tổng thống D Eisenhower năm 1953 được coi là lễ diễu hành dài và quy mô nhất trong lịch sử các lễ nhậm chức Tổng thống của Mỹ. Tham dự đoàn diễu hành có 73 đoàn diễu hành, 59 chiến thuyền cùng các đoàn ngựa, voi…Buổi diễu hành kéo dài tới 4 tiếng rưỡi.

 

Tham dự diễu hành mừng lễ nhậm chức của Tổng thống Bush năm nay có 11.000 người tham gia, phần lớn là các binh sĩ đã từng phục vụ quân đội ở Irắc và Afghanistan. Buổi diễu hành dự kiến kéo dài 2 tiếng và Tổng thống Bush sẽ đi trên chiếc xe DTS limousine đời mới nhất của hãng Cadillac.

 

Lịch trình lễ Nhậm chức của Tổng thống Obama

 

Obama tham gia buổi cầu nguyện sáng, truyền thống có từ thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1933.

 

Obama và Tổng thống George W. Bush gặp nhau tại Nhà Trắng trước khi cùng nhau tiến về phía Đồi Capitol (tòa nhà quốc hội Mỹ) để tham dự lễ nhậm chức.

 

10h sáng: Các buổi lễ được cử hành ở mặt phía tây của Capitol. Các sự kiện gồm có tuyển chọn nhạc của US Marine Band, đồng ca thiếu nhi…

 

11h30: Chương trình chính thức bắt đầu. Mục sư Rick Warren đọc lời cầu chúc. Nhà thơ, nhà viết kịch Elizabeth Alexander đọc một bài thơ viết cho sự kiện. Đức cha Joseph Lowery đọc kinh tạ ơn.

 

Phó tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức

 

Đúng giữa trưa (khoảng sau 12 giờ đêm ngày 20/1/2008 giờ Việt Nam ) ông Obama tuyên thệ nhậm chức. Ông sẽ dùng cuốn Kinh nhậm chức của Tổng thống Abraham Lincoln trong suốt buổi lễ nhậm chức trên bậc tam cấp của Tòa nhà quốc hội. Sau đó, ông sẽ có bài phát biểu nhậm chức.

 

Obama đưa Tổng thống mãn nhiệm George W. Bush tới buổi lễ tiễn ông Bush.

 

Obama, Biden và gia đình tham dự bữa tiệc trưa tại Statuary Hall trong Tòa nhà quốc hội cùng với khoảng 200 quan khách. Thực đơn được lấy cảm hứng từ những món ăn ưa thích của Tổng thống Abraham Lincoln.

 

2h30 chiều: Lễ diễu hành nhậm chức lần thứ 56 bắt đầu trên Đại lộ Pennsylvania, từ Tòa nhà quốc hội tới Nhà trắng, với sự góp mặt của nhiều nhóm từ khắp nơi trên nước Mỹ.

 

Ngọc Diệp
Theo USEmbassy,BBC, AP,AFP, Dantri

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên