MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới giàu hơn nhờ chứng khoán

25-09-2013 - 09:07 AM | Tài chính quốc tế

Đà tăng chủ yếu xuất phát từ TTCK, bất chấp những lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu như khủng hoảng ở Eurozone vẫn tiếp diễn, vách đá tài khóa ở Mỹ và nỗi lo kinh tế Trung Quốc suy giảm.

Các TTCK trên toàn thế giới đồng loạt tăng trưởng tốt trong năm 2012 đã giúp tổng tài sản tài chính của người dân tăng thêm hơn 8%. Đây là kết quả vừa được tập đoàn bảo hiểm Allianz công bố sau khi thực hiện khảo sát về tài sản cá nhân ở hơn 50 quốc gia.

Báo cáo Global Wealth Report của Allianz cho thấy năm ngoái, tổng số tài sản tài chính (bao gồm tiền gửi ngân hàng, các khoản đầu tư và lương hưu) của người dân trên toàn thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục 111.000 tỷ euro (tương đương 150.000 tỷ USD).

Như vậy, tổng tài sản tài chính đã tăng 8,1% so với năm 2011. Mức tăng này chủ yếu xuất phát từ đà tăng của TTCK, bất chấp những lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu như khủng hoảng ở Eurozone vẫn tiếp diễn, vách đá tài khóa ở Mỹ và nỗi lo kinh tế Trung Quốc suy giảm.

Trong năm 2012, chỉ số Dow Jones đã tăng tổng cộng 7,26%, chỉ số S&P 500 tăng 13,41% và chỉ số Nasdaq tăng 15,91%. Trong khi đó, chỉ số FTSEEurofirst 300 tăng 12%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đều tăng gần 23%. 

Allianz cũng nhận thấy tỷ trọng chứng khoán trong tổng tài sản tài chính đã tăng 10,4% - tăng mạnh nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008. 

“TTCK bùng nổ cho phép tài sản tài chính ở Bắc Mỹ, và thậm chí là cả Tây Âu vốn chìm trong khủng hoảng, tăng trưởng lần lượt 8,3% và 5,3% trong năm 2012”, báo cáo của Allianz cho hay.

Châu Á là nơi chứng kiến tài sản tài chính tăng trưởng mạnh nhất (gần 16%). Theo sau đó là châu Đại Dương (bao gồm Australia và những hòn đảo ở Trung và Nam Đại Tây Dương), châu Mỹ và Đông Âu. Tất cả đều có tốc độ tăng trưởng ở mức độ hai con số.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nợ (bao gồm các khoản thế chấp, khoản vay tiêu dùng và nợ sinh viên) đã dịu bớt trong năm 2012. Tổng nợ trên toàn thế giới tăng 2,9% so với một năm trước đó, lên 32.400 tỷ euro. Theo Allianz, khủng hoảng tài chính đã khiến nợ tăng chậm lại đáng kể so với tốc độ tăng trung bình trong dài hạn 5,5%. 

Các hộ gia đình trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và chứng kiến giá trị tài sản của họ sụt giảm mạnh do giá nhà giảm. Tuy nhiên, trong năm 2012, lần đầu tiên tài sản đã tăng trưởng trở lại mức trước khủng hoảng ở tất cả các châu lục. 

Thụy Sĩ vẫn là nước giàu có nhất theo bảng xếp hạng của Allianz, với tài sản tài chính bình quân đầu người đạt 191.320 USD. Mỹ đứng số 2 và Nhật Bản đứng số 3. 

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên