MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới nếu: Nhà giàu bị Thomas Piketty "cắt cổ"

11-08-2015 - 23:45 PM | Tài chính quốc tế

Thomas Piketty vẫn luôn ưa thích áp dụng mức thuế đắt "cắt cổ" đánh vào người giàu. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là những ảnh hưởng mà nó mang đến có thể sẽ rất nhỏ bé.

THE WORLD IF (tạm dịch: Thế giới nếu…) là chùm bài viết của tạp chí The Economist về những kịch bản có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ… sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Các giả định được đưa ra dựa trên chính những diễn biến của thế giới ở thời điểm hiện tại.

Bài viết dưới đây nói về những tác động kinh tế nếu giới nhà giàu phải chịu mức thuế cao chót vót.


Trong một bài phát biểu năm 2013, Tổng thống Barack Obama gọi chênh lệch giàu nghèo là “thử thách lớn nhất của thời đại”. Một vài tháng sau, cuốn sách viết về chủ đề này của Thomas Piketty – nhà kinh tế học đến từ ĐH Kinh tế Paris – bất ngờ “cháy hàng” trên các kệ sách. Cuốn sách dẫn dắt người đọc đi xuyên qua nhiều thế kỷ với rất nhiều số liệu, cùng với một học thuyết về chênh lệch giàu nghèo. Cuối cùng, ông đưa ra một khuyến nghị về chính sách: để ngăn chặn tình trạng của cải tập trung quá nhiều ở một chỗ, Chính phủ các nước phải hợp tác với nhau để đánh thuế tối đa trên tài sản của giới nhà giàu trên toàn thế giới.

Chủ nghĩa quân bình vẫn là chủ đề phổ biến trong các chiến dịch tranh cử, nhưng từ trước tới nay ý tưởng về thuế nhà giàu luôn thất bại ngay từ ban đầu. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu trong những hoàn cảnh đúng đắn, “thuế Piketty” có thể trỗi dậy từ thế giới đầy rẫy các chính sách dân chủ hỗn loạn hay không?

Hiện nay đã xuất hiện hai điều kiện quan trọng để có thể đưa ra câu trả lời “có”. Thứ nhất, chênh lệch giàu nghèo trong nội bộ các nước đang tăng lên nhanh chóng, giống như khi chính sách thuế tân tiến được áp dụng rộng rãi vào đầu thế kỷ 20. Trên khắp thế giới, những người giàu nhất đang “ngấu nghiến” phần thu nhập lớn hơn so với nhiều thập kỷ trước. Sau khủng hoảng, tài sản cũng đang dần hồi phục. Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ trọng tài sản nắm giữ bởi nhóm 0,1% các hộ gia đình giàu nhất ở Mỹ đã tăng vọt từ mức 7% trong năm 1979 lên 22% trong năm 2012.

Thứ hai, các Chính phủ có quá nhiều nợ phải trả. Mức thuế suất đã tăng mạnh khi các nước cố gắng tìm nguồn tài trợ cho Chiến tranh thế giới thứ hai, và sau đó giảm dần trong những thập kỷ thời hậu chiến. Những năm gần đây, vì khủng hoảng tài chính, vay mượn của các Chính phủ lại “phình to”. Trung bình tại nền kinh tế phát triển, tỷ lệ nợ/GDP hiện cao hơn 50% so với trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Khi có áp lực tăng thuế, nhóm nhà giàu sẽ bị tăng thuế đầu tiên.

Nhưng mức thuế suất sẽ được tăng lên bao nhiêu nữa? Mặc dù Piketty cho rằng thuế đánh vào thu nhập của giới nhà giàu nên ở mức 75% hoặc hơn, ông đề nghị một mức thuế khá khiêm tốn. Trong cuốn sách của mình, ông kiến nghị rằng có thể những người có tài sản dưới 1 triệu euro (tương đương 1,1 triệu USD) sẽ không bị tăng thuế, trong khi mức thuế 1% sẽ áp dụng cho những người có tài sản từ 1 đến 5 triệu euro, và mức 2% dành cho những người có hơn 5 triệu euro. Một số dự đoán rằng loại thuế này có thể là một phần của thỏa thuận nhằm đơn giản hóa luật thuế của Mỹ và giảm mức thuế thu nhập.

Trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal năm 2012, chuyên gia kinh tế đã qua đời Ronald McKinnon lập luận rằng những người Mỹ bảo thủ nên ủng hộ thuế đánh vào tài sản và đổi lại sẽ được giảm các loại thuế khác. Ông thừa nhận rằng thuế thu nhập cá nhân sẽ khuyến khích người lao động tăng năng suất (dù chỉ chút ít), nhưng điều này chỉ xảy ra khi đảng Dân chủ đưa ra một chính sách thuế thật sự cấp tiến.

Đi theo nước Mỹ

Giả sử Quốc hội Mỹ được kiểm soát bởi các chính trị gia đảng Cộng hòa có thái độ thân thiện với doanh nghiệp và mong muốn một hệ thống thuế hợp lý hơn cũng như cắt giảm lãi suất. Và, Nhà Trắng thuộc về một đảng Dân chủ cởi mở trước vấn đề cải cách thuế nhưng sẵn sàng phủ quyết bất cứ dự luật nào không có yếu tố cấp tiến. Sau nhiều tranh cãi, Quốc hội Mỹ có thể đi đến thông qua thuế đánh vào tài sản.

Tuy nhiên, đây không phải là một “món hời” lớn. Các số liệu về tài sản cá nhân bị che giấu kỹ hơn so với số liệu thống kê về thu nhập. Theo Piketty, đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao các Chính phủ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng loại thuế này.

Dẫu vậy, các con số từ Mỹ cho thấy khoảng 6 đến 7 triệu hộ gia đình (tương đương 5%) có tài sản ròng hơn 1 triệu euro, và khoảng một nửa có tài sản ròng từ 2 triệu euro trở lên. Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, “thuế Piketty” chỉ giúp Chính phủ liên bang có thêm vài trăm tỷ USD mỗi năm, ít hơn so với lượng thuế thu nhập doanh nghiệp mà họ nhận được. Con số có thể giảm xuống nếu các hộ gia đình phản ứng lại bằng cách phân bổ lại tài sản, chuyển các tài sản dễ dàng tính toán giá trị (như chứng khoán) sang những thứ bí ẩn hơn (như các món đồ cổ hiếm) hoặc tìm ra cách tăng nợ, từ đó giảm số tài sản bị đánh thuế.

Tuy nhiên, “thuế Piketty” sẽ giúp Chính phủ Mỹ có thêm quyền lực. Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) sẽ yêu cầu Chính phủ các nước cung cấp số liệu tốt hơn về số tài sản mà người Mỹ đang cất giấu ở nước ngoài, và có thể đe dọa buộc tội các ngân hàng chống đối. Khi tin tức về nơi cất giấu và số tiền được cất giấu lớn đến đâu được thu thập từ khắp nơi trên thế giới, Chính phủ các nước sẽ muốn áp dụng loại thuế này nhiều hơn.

Về lý thuyết, thuế đánh vào tài sản có tác động tiêu cực tới tăng trưởng vì không khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, kinh nghiệm triển khai loại thuế này ở châu Âu cho thấy tác động lên tăng trưởng và hoạt động kinh doanh là khá nhỏ bé. Asa Hansson, chuyên gia đến từ ĐH Lund (Thụy Điển) tính toán rằng thuế tăng 1 điểm phần trăm sẽ khiến tăng trưởng giảm 0,02 – 0,04 điểm phần trăm. Nếu thuế Piketty là một phần của thỏa thuận mà đổi lại thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân giảm xuống, cả tăng trưởng và tài sản sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Piketty đã khẳng định để giảm chênh lệch giàu nghèo, thuế tài sản phải đi kèm với tăng thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp chứ không phải giảm. Bởi vậy, để đạt hiệu quả tối đa, phải có một điều kiện thứ ba: một thay đổi lớn về quyền lực chính trị. Những chính sách thuế được áp dụng đầu thế kỷ 20 có gốc rễ từ những thay đổi sâu sắc trong bức tranh chính trị. Đó là việc trao quyền bầu cử cho tầng lớp vô sản và liên bang Mỹ bùng nổ để phản ứng với chiến tranh và suy thoái kinh tế. Bên cạnh thuế còn có cải cách sâu rộng về quyền của người lao động. Đồng thời, đầu tư công và quốc hữu hóa biến tài sản tư nhân thành tài sản công cộng.

Một cách mỉa mai, lời kêu gọi của Piketty dường như không có nhiều ý nghĩa. Thuế tài sản ra đời mà không có những thay đổi lớn về chính trị sẽ không thể tạo ra tăng trưởng kinh tế hay gia tăng gánh nặng thuế lên giới nhà giàu.

Thu Hương

The Economist

Trở lên trên