MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore

26-03-2015 - 14:51 PM | Tài chính quốc tế

Từ lớp tùy tướng của những năm 1959-1965 (hai lần ông Lý Quang Diệu đứng ra lãnh đạo Singapore) đến nội các sắp sửa thay thế lớp lãnh đạo hiện tại, tính ra là bốn thế hệ.

Chắc chắn ông Lý đã có thể thanh thản ra đi trong tin tưởng rằng lớp trẻ kế thừa sẽ xứng tầm.

Trong những tâm sự “giối già” với nhóm nhà báo tờ The Straits Times năm 2009, in lại thành quyển Hard truths to keep Singapore going (Những sự thật nghiệt ngã giữ Singapore tiến bước) xuất bản năm 2011, ông Lý đặt bài toán nhân lực của đất nước như sau:

“Chúng ta có dân số chỉ hơn 3 triệu người. Mỗi năm chúng ta có chừng 100 người có chất lượng, có tiềm năng lãnh đạo. Từ số đó, cuối cùng sẽ chỉ còn hai, ba chục người.

Chúng ta lùng sục mọi ngành nghề, song chính trị mà muốn nói đến thành công thì phải nhập cuộc từ tuổi 30, chậm lắm là đầu tuổi 40, khi vẫn chưa chết gí trong những lối mòn của mình hoặc khi chưa đồng cảm với dân chúng...” (tr.109).

Từ tính phổ thông toàn cầu

Bài toán nhân lực đó rất nan giải, theo ông Lý:

“Chúng ta thật sự thiếu người đến nỗi vào năm 2001, chúng ta đã lấy vào chính phủ ba ông  bác sĩ đầu ngành: Ng Eng Hen, Vivian Balakrishman và Balaji Sadasivan. Ông Balaji là một nhà phẫu thuật thần kinh hàng đầu, song ông ấy đã không thành công như là một lãnh đạo chính trị”.

Người mà ông Lý “chê” từng là quốc vụ khanh Bộ Y tế và môi trường, qua đời năm 2010 vì ung thư. Còn ông Ng Eng Hen, một chuyên gia phẫu thuật ung thư hàng đầu, thì lại thành công.

Đầu tiên ở ghế bộ trưởng nhân lực, sau đó là bộ trưởng quốc phòng. Và ông Lý khen ông này: ở Hội nghị an ninh Munich, người ta đã nghe ông ấy nói và nhìn nhận rằng ông này quả là “thạo việc”.

Ở những đất nước mà chính quyền rặt dân sự như Singapore hay Mỹ hoặc Pháp, chuyện một bác sĩ này, một nhà quản trị kia giữ chức bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng giáo dục... là chuyện hết sức bình thường, không hề bị xem là “trái tay”.

Thậm chí cả phụ nữ chưa một ngày cầm súng như bà Michèle Alliot - Marie từng là bộ trưởng quốc phòng Pháp và thành công trong chương trình chuyên nghiệp hóa quân đội Pháp.

Có thể thấy cách dùng người ở Singapore hoàn toàn giống như ở các nước Âu - Mỹ, không nhất thiết phải là bác sĩ mới là bộ trưởng y tế, tướng lĩnh mới giữ bộ trưởng quốc phòng, mà là những cái đầu quản trị.

Đến sự khác biệt

Vậy đó có phải là một chính phủ gồm toàn những học giả, bằng cấp đầy mình? Không, ông Lý phủ định:

“Cho rằng chính phủ này dựa trên bằng cấp là một sai lầm chết người. Tất nhiên chúng tôi quan tâm đến những người ưu tú...

Hệ số IQ (thông minh) cao, đúng rồi, song mới chỉ là một mảng thôi. Hệ số cảm xúc (EQ), tính lãnh đạo, sức chịu đựng, tính quyết chí, tài nguyên tri thức dồi dào. Cả một lô chỉ số khác nữa có thể qua đó họ tự thể hiện” (tr.129).

Ông thẳng thắn đếm trên đầu ngón tay mình:

“Nếu xem danh sách các tổng giám đốc, giám đốc điều hành, giám đốc tài chính... có tiếng tăm của Singapore, sẽ đếm được khoảng 3.000 người” (tr.125).

So với Trung Quốc, Singapore chỉ bằng một móng tay, như ông Lý cảnh cáo: “Ở Trung Quốc, khi họ muốn đưa một người lên chức bộ trưởng ngoại giao, họ có đến bốn ứng viên, thảy đều ngang tài. Nhưng đó là đất nước của 1,3 tỉ dân. Những kẻ bị loại khỏi Đại học Bắc Kinh vẫn có thể xếp hạng đầu trong các đại học của chúng ta” (tr.113).

Vậy Singapore có gì? Ông Lý chỉ ra sự khác biệt cốt lõi:

“Hệ thống của người Trung Quốc chọn lọc và dựa trên thành tích còn hơn chúng ta. Nhưng họ lại không phải tranh cử như chúng ta. Còn chúng ta cần những người có thể tranh cử sống mái và thắng cử.

Các bạn có thể hội đủ mọi tính chất để lãnh đạo, nhưng nếu các bạn không biết chiến đấu trong một cuộc tranh cử và chiến thắng, sâu sát với cử tri của mình, và lại thắng cử nữa, thì các bạn chẳng đáng giá là bao.

Thành ra, các bạn phải nhập cuộc từ rất sớm để học cách gần gũi dân chúng. Hệ thống của chúng ta là ném họ sâu xuống đáy hồ. Nếu họ không làm ra trò thì vớt họ ra khỏi hồ và vứt đi”.

Cái khác biệt là ở chỗ tại Singapore chuyện thuyết phục được dân hay không được đo bằng EQ, bằng thực tế và nhất là không “đóng kịch”, không nặn cho bằng được một lãnh đạo tương lai. Tuyển người vào bộ máy từ những công việc thật sự, từ sự gần gũi cử tri, từ những khả năng và thành tích thật.

Theo Danh Đức

PV

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên