MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một Lehman nữa?

18-09-2013 - 13:09 PM | Tài chính quốc tế

Năm năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tồn tại hai câu hỏi lớn: Tài chính toàn cầu có an toàn hơn, và liệu còn bao nhiêu cuộc khủng hoảng như thế đang chờ đợi?

Sau khủng hoảng, Chính phủ Mỹ đã có những quy chế tài chính mới cải thiện rõ rệt hai dấu hiệu đầu tiên. Tài chính Mỹ đã an toàn hơn rất nhiều, các ngân hàng lớn của nước này đã tăng thêm vốn và dẹp bớt nợ xấu nhiều hơn bất cứ định chế nào. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn khoảng 13% so với mức trước khủng hoảng vọt lên tới 60%. Giá bất động sản tại Mỹ cũng được điều chỉnh và hộ gia đình cắt giảm bớt các khoản nợ. Nợ chính phủ có tăng, nhưng con số đó cũng phản ánh việc người dân tích cực cắt bớt các khoản nợ của mình.

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, thâm hụt ngân sách được cải thiện. Bong bóng tài chính trong nền kinh tế, tồn tại trong thị trường trái phiếu hay các khoản nợ như học phí đại học của sinh viên vẫn có, nhưng không thể trở thành các nguồn đầu tư nguy hiểm đến khủng hoảng như trước.

Với Anh hay Nhật, mức độ thay đổi ít hơn. Thuyết Abenomics đã cho thấy tác dụng tích cực lên nền kinh tế Nhật, nhưng nợ công vẫn ở mức xấp xỉ 250% GDP. Tại Anh, việc cắt giảm ngân sách kết hợp với đầu tư tư nhân yếu đi làm suy yếu phục hồi kinh tế. Nước Anh khó có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, nhưng rõ ràng tăng trưởng dựa quá nhiều vào đầu tư, cả khối công và tư sẽ khó có sự an toàn tuyệt đối.

Trong khối các nền kinh tế mới nổi, có trường hợp nào đã cho thấy nguy cơ? Với Trung Quốc, nước đã từng được coi là trường hợp "Lehman tương lai", tăng trưởng tín dụng có thời điểm bùng nổ ở mức 200%. Hệ thống tài chính của Trung Quốc được coi là có kết nối quốc tế yếu. 

Tại Mỹ hồi năm 2008, rất khó để xác định quy mô chính xác của nền tín dụng cũng như tỷ lệ nợ xấu quá cao, còn với Trung Quốc, người ta nhắc nhiều đến yếu tố thứ ba trong sự cố Lehman, đó là chính phủ có can thiệp không nếu mầm mống sụp đổ xảy ra. Trung Quốc có hệ thống tiết kiệm lớn, hệ thống ngân hàng nắm giữ một lượng tiền gửi từ dân rất lớn, chính phủ hoàn toàn có khả năng bảo lãnh các khoản vay nếu xảy ra vấn đề. Dựa trên các yếu tố này mà đánh giá, thì khả năng xảy ra khủng hoảng ở đây là không cao.

Từ Brazil đến Thái Lan, một số nền kinh tế mới nổi cũng cho thấy một số mầm mống nguy cơ. Các nền kinh tế này khác biệt so với Trung Quốc ở chỗ, Trung Quốc khá biệt lập so với mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu. Với Ấn Độ, việc khan ngoại tệ đang đẩy nước này đến chỗ khó khăn và làm đồng rupee suy yếu, thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể và gây khó khăn khi nhà nước muốn cứu trợ nền tài chính. 

Hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, chính sự năng động quá nóng của nền kinh tế gây ra khủng hoảng. Nhưng hiện tại, các nước đã có sự đề phòng cẩn thận hơn. Tỷ giá hối đoái được điều tiết bởi thị trường, nợ tính bằng nội tệ và dự trữ dày hơn nhiều.

Nếu đâu đó trên thế giới, một nền kinh tế tài chính sụp đổ có khả năng kéo theo kinh tế toàn cầu thì đó chính là khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mặc dù không còn nhiều dấu hiệu như trường hợp của Lehman, khu vực này vẫn rất đáng quan ngại. Nợ nần tại khu vực này không hề giảm mà chỉ tăng: tỷ lệ vốn trên nợ tại các ngân hàng châu Âu thấp hơn các ngân hàng Mỹ đáng kể. Kinh tế trì trệ càng làm quá trình phục hồi tài chính khó khăn hơn và giảm nợ xấu trở nên nhọc nhằn hơn. 

Chính sách thắt lưng buộc bụng cho thấy nhiều bất cập và khu vực vẫn còn chịu một số bất ổn chính trị đáng kể, khi mà tỉ lệ thất nghiệp ở đây đang cao ở mức báo động. Trong khi các nhà lãnh đạo còn chưa tìm ra cũng như thống nhất một phương pháp cải tổ, như một liên minh ngân hàng phù hợp chẳng hạn, thì Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn đang phải gồng lên để giải quyết các khó khăn của khu vực đồng euro.

Có thể không có thảm họa Lehman trong tương lai gần, nhưng các cuộc khủng hoảng ở quy mô nhỏ hơn không ngừng đe dọa kinh tế châu Âu. Dù đã 5 năm từ sự cố Lehman, đường đến hai chữ an toàn hãy còn xa xôi với nền tài chính toàn cầu. 

Theo Phạm Tâm

huongnt

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên