MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo đuổi tăng trưởng GDP là vô ích?

25-07-2014 - 09:48 AM | Tài chính quốc tế

Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế học Robert Skidelsky đã đưa ra một nghiên cứu sâu hơn về tăng trưởng và đưa ra kết luận rằng theo đuổi sự tăng trưởng GDP là một việc hết sức vô ích.

Chúng tôi xin lược dịch bài viết của tác giả David Pilling đăng tải trên tờ Financial Times bàn luận về sự ra đời cũng như những đặc điểm, hạn chế của chỉ số GDP. Bài viết được chia thành 3 phần.

Một số người cho rằng nên thay GDP bằng chỉ số hạnh phúc  – chỉ số đo lường sự phát triển của con người trong một môi trường toàn diện. Theo đó Bhutan xếp số 1 thế giới. Tuy nhiên, chỉ số này nhận được khá nhiều nghi vấn. 

Một giải pháp khác là chỉ số phát triển con người - đo lường tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục cũng như chất lượng cuộc sống. Theo đó, Buhtan lại đứng hạng 140 thế giới, cao hơn hai bậc so với Cộng hoa Congo (Nauy đứng hạng nhất và Nigeria đứng hạng chót 187). 

Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế học Robert Skidelsky đã đưa ra một nghiên cứu sâu hơn về tăng trưởng và đưa ra kết luận rằng theo đuổi sự tăng trưởng GDP là một việc hết sức vô ích. Với sự giúp đỡ của con trai là nhà tâm lý học Edward Skidelsky, ông đã xuất bản cuốn sách: “How Much is Enough? Money and the Good Life “ (tạm dịch: Bao nhiêu là đủ? Tiền bạc cho một cuộc sống tốt?). Câu hỏi được đưa ra dựa trên thực tế phổ biến: con người trong xã hội hiện đại luôn theo đuổi các giá trị vật chất, nhưng liệu nó có đem lại cho họ hạnh phúc thật sự?

Hai cha con nhà Skidelsky chấp nhận rằng các nước nghèo cần cải thiện tốc độ phát triển để theo kịp với mức sống ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, họ cũng tự hỏi tại sao xã hội giàu có cũng bị ám ảnh về tốc độ phát triển. Luận điểm đầu tiên đến từ một bài viết từ năm 1930 của John Maynard Keynes. Ông đưa ra giả thuyết khi tiêu dùng đạt một mức nhất định, động lực làm việc sẽ giảm xuống. (Một nhược điểm khác của GDP là nó không thể hiện số giờ làm việc cần thiết). Trong thời kỳ phát triển, Keynes cho rằng con người sẽ từ bỏ cơ hội để tiêu dùng nhiều hơn, đánh đổi để thỏa mãn các nhu cầu giải trí. Ông giả định rằng đến lúc đó con người phải làm việc chưa đến 15 giờ 1 tuần.

Vài tháng trước, tác giả bài viết này có buổi nói chuyện với Skidelsky (cha) ở Hong Kong. Tôi hỏi ông rằng lý thuyết của Keynes đã sai ở đâu. Chúng tôi ngồi trò chuyện ở sảnh một khách sạn 5 sao. Trong cuộc nói chuyện, nhiều máy bay trực thăng cất cánh tới Macau, mang theo những con bạc đến vùng đất hứa nơi họ có thể thỏa mãn giấc mơ kiếm tiền. Tại sao con người lại có lòng tham vô đáy như vậy? Một trong những lý do là nhu cầu chỉ mang tính chất tương đối – ông nói. Nếu tất cả mọi người đều giàu có, chúng ta sẽ thi nhau bay tới những bãi biển Caribbean, cố gắng hưởng thụ với những người cùng tầng lớp, được phục vụ Martinis và canapés đến tận bàn.

Một lý do khác là sự bất bình đẳng. Một phần năm dân số Anh sống dưới mức nghèo, ông chia sẻ. Thay vì phân phối sự giàu có một các công bằng, thực tế lại đi theo hướng ngược lại. Điều này khiến chúng ta rơi vào tình cảnh luẩn quẩn không bao giờ kết thúc. “Chúng ta cần phát triển, tiếp tục phát triển mà không có mục đích cụ thể,” ông nói. 

Cuốn sách của Skidelsky bị chỉ trích là ngộ nhận về điều gì là tốt nhất cho con người, và đâu là giới hạn họ nên có. Coyle hoàn toàn phản đối công trình nghiên cứu này. Bà cho rằng khái niệm về cuộc sống tốt đẹp mà hai cha con nhà Skidelsky đưa ra đến từ một tầng lớp đặc biệt của xã hội Anh. Vấn đề là các tác giả này không tính đến việc nhu cầu thay đổi, và họ cũng không chú ý quá nhiều đến cải tiến công nghệ trong khi yếu tố này đóng vai trò then chốt. 

Nằm ở trung tâm của cuộc tranh luận về GDP là người ta lo ngại xã hội hiện đại bằng cách nào đó đang bị "tấn công" bởi một chỉ số đơn nhất. Không ai có thể tưởng tượng rằng chỉ một con số trừu tượng có thể trở thành một mục tiêu xứng đáng với ý nghĩa của nó. GDP đã trở thành biểu tượng đầy quyền lực cho những gì chúng ta cần đạt được. Rất ít nhà kinh tế học nhận ra những hạn chế của nó. Đa số luôn cố tìm cách để tối đa hóa con số này bằng mọi giá.

Coyle cho rằng thế giới nên tìm ra những phương pháp khác nhau để phản ánh tình hình kinh tế. Bà ủng hộ quan điểm được gọi là “phương pháp bảng biểu”. Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn (The Better Life Index) được đưa ra bởi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho phép người sử dụng so sánh hiệu suất vận hành của các nước dựa trên 11 tiêu chí từ mức thu nhập, nhà ở, sự cân bằng giữa làm việc và giải trí… Bằng cách sử dụng những tiêu chó phản ánh rõ nhất những điều cơ bản trong cuộc sống, chúng ta có thể đánh giá độ hiệu quả của một nền kinh tế. Nếu xét về tiêu chí việc làm, Thụy Sĩ và Nauy là nơi có điều kiện lý tưởng nhất. Mặt khác, nếu bạn muốn so sánh về mức thu nhập và chất lượng giáo dục, Mỹ là nơi tốt nhất. 

Về mặt lý thuyết, phương pháp này cho phép mọi người quyết định điều gì là quan trọng nhất và khuyến khích các nhà chính trị đưa ra những giải pháp thích hợp để thỏa mãn những nhu cầu này. Trong thực tế, sự kết hợp của nhiều tiêu chí được qui định theo các góc độ và trường hợp khác nhau khiến vấn đề trở nên rắc rối và mang tính chủ quan hơn. GDP có thể trở nên lỗi thời và gây ra nhầm lẫn. Nó không thể tiếp tục biểu hiện sự đánh đổi giữa hiện tại và tương lai, giữa làm việc và giải trí, giữa sự phát triển “tốt” và “xấu”.  Tuy nhiên, ưu điểm của nó vẫn thể hiện ở dạng một con số hơn giản và mang ý nghĩa cô đọng. Trong thời điểm hiện tại, đây vẫn là một giải pháp được ưu chuộng.

Thảo Phương

huongnt

FT

Trở lên trên