MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường lao động Trung Quốc sắp thay đổi căn bản?

04-07-2010 - 14:35 PM | Tài chính quốc tế

Lao động giá rẻ không vô tận như nhiều người nghĩ, sẽ tới lúc đến nông dân cũng thiếu. Nhưng chưa phải bây giờ.

Ngày 07/06, công nhân đình công tại một nhà máy cao su gần Thượng Hải đụng độ với cảnh sát Trung Quốc. “Không thể chịu nổi mùi cao su,” một công nhân nói với tờ South China Morning Post, “nhưng thậm chí chúng tôi còn chẳng có trợ cấp khói độc.”

Cùng ngày một nhà máy sản xuất bộ giảm thanh và ống xả của Honda cũng đình công, chưa đầy một tuần sau khi công ty này dàn xếp được một vụ tranh chấp trước đó bằng cách tăng 24% lương.

Ngày 06/06, sau một chuỗi các vụ tự tử gây chấn động dự luận, ông chủ nhà sản xuất đồ điện tử Foxconn nói rằng công nhân tại tổ hợp Thâm Quyến sẽ được nhận 2000 tệ/tháng kể từ tháng 10 nếu làm việc tốt, tăng gấp đôi so với mức lương trước đó.

Lao động Trung Quốc có tiếng là vừa nhiều vừa dễ bảo. Nhưng những sự kiện thế này đặt dấu chấm hỏi cho quan niệm ấy.

Tháng 3 này, Arthur Kroeber từ hãng tư vấn GaveKal Dragonomics tuyên bố rằng “thặng dư lao động” ở Trung Quốc “đã chấm dứt”. Ba năm trước, Cai Fang từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng đất nước 1,3 tỷ dân sẽ sớm thiếu lao động.

Cung lao động của Trung Quốc vẫn đang tăng lên. Theo dự báo của Cục điều tra dân số Mỹ, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ tăng từ gần 977 triệu người năm 2010 lên khoảng 993 triệu người vào năm 2015.

Nhưng số người từ 15 đến 24 tuổi gia nhập lực lượng lao động sẽ giảm gần 30% trong vòng 10 năm tới.

Những dự báo này trùng khớp với cuộc tổng điều tra dân số năm 2000 và điều tra dân số năm 2005 nhưng khác với tính toán của tờ The Economist số ngày 06/09/2008 rằng cung lao động xấp xỉ 20 tuổi sẽ không đạt đỉnh trước năm 2015.

Độ tuổi của lực lượng lao động Trung Quốc mới là vấn đề, vì người lao động có tuổi không sẵn sàng chuyển tới các nhà máy ở ven biển vốn phụ thuộc vào lao động di cư.

Ông Cai tính toán rằng 24% dân làng trong độ tuổi 16-30 di cư, so với chỉ 11% số người đã tứ tuần.

“Trong nhiều năm, doanh nghiệp nghĩ đơn giản rằng ở Trung Quốc không bao giờ thiếu những thanh niên có thể chấp nhận mức lương khiêm tốn mà lại thích đuổi lúc nào cũng được,” ông Kroeber viết.

Giả định ấy đã có từ lâu. Năm 1954, Huân tước Arthur Lewis, một nhà kinh tế phát triển, viết về những nông trang đông chật người tại Châu Á, họ thừa thãi tiểu thương và thợ thuyền, “những thanh niên lao đến hỏi bạn có cần giúp xách hộ túi không”.

Ông kết luận rằng “cung lao động là vô tận ở đại bộ phận Á Châu.” Những ốc đảo vốn trơ trọi giữa một biển cả lao động chỉ cần kiếm kế sinh nhai.

Chừng nào chuyện đó còn đúng, những “ốc đảo vốn” còn có thể mở rộng mà không cần tăng lương: họ chỉ cần đưa ra mức lương cao hơn một chút so với những gì người lao động có thể cóp nhặt được ở quê nhà.

Nhưng cuối cùng nền kinh tế cũng phải có “bước ngoặt”. “Ốc đảo vốn” thu hút nhiều lao động đến nỗi mà ngay cả nguồn cung nông dân, tiểu thương, thợ thuyền và cửu vạn cũng thiếu hụt. Đến lúc này, nền kinh tế không thể tăng trưởng nếu không tăng lương.

Ông Cai tin rằng Trung Quốc đã đạt tới “bước ngoặt Lewis” mà dấu hiệu của nó là lương tăng và công nhân mạnh mẽ hơn.

Như ông Cai và các đồng nghiệp của mình đã tiên tri từ năm ngoái, bước ngoặt này “làm mạnh thêm tiếng nói của người lao động trong các cuộc thương lượng giữa giới chủ và thợ thuyền vì họ đã có thể gây sức ép với giới chủ bằng cách bỏ việc.”

Tiền lương người lao động tại Honda và Foxconn được tăng cao một cách bất thường. Một số thành phố như Bắc Kinh đã thông báo tăng lương tối thiểu thêm 20%.

Nếu lương tiếp tục tăng với tộc độ này, nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trên thị trường lao động Trung Quốc.

Tuy vậy, một thay đổi bất ngờ như thế khó mà giải thích được chỉ bằng mình nhân khẩu học. Nguồn cung các thanh niên di cư có thể sẽ giảm nhưng vẫn cao hơn 5 hay 10 năm trước.

Đợt bùng nổ trẻ sơ sinh đó là kết quả của những nạn đói tại nông thôn ám ảnh Trung Quốc suốt những năm 1958-1961, làm giảm số cha mẹ tiềm năng của thế hệ sau này.


Chưa phải bước ngoặt?

Thực tế, có lý do để cho rằng đây chưa phải “bước ngoặt”. Việc tăng lương theo sau một thời kỳ lương giữ nguyên suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính. Số lương được tăng chủ yếu là để bù vào những gì đã mất năm ngoái.

Khoảng 40% lao động vẫn làm nghề nông với năng suất chỉ bằng 1/6 mức trung bình của nền kinh tế. Tỷ lệ này cũng đang giảm khá chậm: Richard Herd và các đồng sự tại OECD cho rằng sẽ phải mất một thập kỷ nữa để tỷ lệ này giảm xuống 25%.

Huân tước Arthur đưa ra vài lý do giải thích vì sao lương vẫn tăng ngay cả khi một quốc gia chưa đạt tới “bước ngoặt”.

Ví dụ như chính mức lương “đủ sống” có thể tăng. “Mức độ đủ sống chỉ là một khái niệm quy ước và quy ước lại có thể thay đổi,” Huân tước Arthur nói.

Người di cư không muốn rời quê vì các điều kiện ở vùng nội địa Trung Quốc đã được cải thiện. “ “Nhà” nay đã có nước máy, điện, đường cao tốc, thậm chí cả đường internet,” Ha Jiming từ ngân hàng đầu tư CICC nói.

Một khảo sát những người di cư hồi hương của chính phủ cho thấy 30% không chắc có dám đánh liều lần nữa hay không, hai năm trước, con số này chỉ là 24%.

Huân tước Arthur cũng chỉ ra rằng thường có khoảng cách giữa mức lương tại các “ốc đảo vốn” và mức thu nhập đủ sống ở quê nhà. “Ốc đảo vốn” không gặp “biển cả lao động” tại các bờ cát trắng mà là vách đá dựng đứng.

Để khuyến khích công nhân vượt qua vách đá ấy, doanh nghiệp phải trả thêm những khoản kiểu như trợ cấp khói độc. Lao động Trung Quốc đang già đi nên số tiền trả thêm này có thể tăng. Nhưng, một lần nữa, bản thân nó không phải là “bước ngoặt”.

Đương nhiên là thời khắc đó sẽ tới. Khi ấy lương sẽ tăng làm xói mòn thu nhập từ vốn. Nhưng Huân tước Arthur lập luận rằng người lao động không phải đối tượng duy nhất có thể di cư.

Giới chủ tư bản có thể đến bất cứ đâu dồi dào lao động. Đầu tiên, các nhà máy thâm dụng lao động sẽ chuyển sâu vào nội địa. Cuối cùng chúng rời Trung Quốc theo đúng cái cách mà chúng đã rời Nhật Bản và Đài Loan trước đây.

Rút cục thì đó cũng là lý do xưa kia Honda và Foxconn chọn mở nhà máy tại Trung Quốc.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên