MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch đầy biến động

03-11-2009 - 06:29 AM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư lạc quan với lợi nhuận của Ford và thông tin về ngành sản xuất, chi tiêu xây dựng.

Tăng vọt, sụt giảm và phục hồi, phiên giao dịch đầu tháng 11 của chứng khoán Mỹ đã được đẩy lên đỉnh điểm.

Hôm thứ Hai, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành sản xuất trong tháng 10/2009 đã tăng lên 55,7 điểm - cao hơn so với mức dự báo 53 điểm của giới phân tích, từ mức 52,6 điểm trong tháng 9. Như vậy, sau ba tháng giảm điểm liên tiếp trước đó, chỉ số ISM ngành sản xuất đã tăng điểm trở lại.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng trong tháng 9/2009 đã tăng 0,8% lên 940,3 tỷ USD, sau khi giảm 0,1% trong tháng 8/2009. Trong đó, hoạt động xây dựng công trình công cộng của liên bang tăng 1,3% lên 326,4 tỷ USD.

Cũng trong ngày 2/11, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ cho biết, chỉ số đánh giá doanh số nhà chờ bán đã tăng 6,1% lên 110,1 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 12/2006. Đây là tháng tăng điểm thứ 8 liên tiếp của chỉ số này và cũng là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 2001.

Thông tin lạc quan trong lĩnh vực sản xuất và trên thị trường bất động sản đã tác động tích cực giúp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi trở lại, sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước.

Diễn biến thất thường

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng điểm nhẹ khi thị trường mở cửa ngày giao dịch. Tuy nhiên, sau khi thị trường đón tin chỉ số ISM ngành sản xuất tăng vượt dự báo thì đà tăng của các chỉ số đã khiến thị trường bất ngờ.

Từ 9h47 đến 10h06 (giờ địa phương), thị trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ, trong đó, Dow Jones đã tăng hơn 130 điểm, tương đương 1,4% và S&P 500 tăng trên 14 điểm, tương ứng 1,48%. Khối lượng giao dịch đã tăng mạnh theo diễn biến tăng của hai chỉ số.

Tuy nhiên, vào lúc 12 giờ trưa, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán cổ phiếu khối tài chính, kéo theo các ngành khác giảm điểm, qua đó đẩy cả ba chỉ số giảm xuống dưới ngưỡng giá trị phiên liền trước, thậm chí Dow Jones còn giảm xuống 9.687 điểm - giảm hơn 170 điểm so với đỉnh được thiết lập trong ngày.

Nguyên nhân khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán cổ phiếu khối ngân hàng là do bản báo cáo của Cục Dự trữ liêng bang Mỹ đánh giá mức độ thua lỗ từ lĩnh vực cho vay bất động sản thương mại là khá lớn.

Đến 14h20, thị trường bắt đầu hồi phục trở lại khi nhà đầu tư lại gom mạnh những cổ phiếu ngành họ vừa bán ra, qua đó giúp thị trường tăng điểm, dù biên độ tăng không thể bằng phiên buổi sáng.

Có thể thấy, trong nhiều phiên giao dịch gần đây, Phố Wall bắt đầu chứng kiến sự dịch chuyển bất thường của các chỉ số, độ nhạy với thông tin trở nên đỉnh điểm và vì thế tính ổn định của thị trường đã không còn được duy trì.

Tâm lý nhà đầu tư không thực sự ổn định khiến các chỉ số có thể vừa tăng mạnh phiên trước đã giảm mạnh phiên sau, thậm chí như trong phiên đầu tháng 11, khoảng cách giữa đỉnh và đáy của ngày giao dịch cách nhau quá xa so với thường ngày.

Lực đẩy khá mạnh từ khối tài chính, nguyên vật liệu cơ bản và công nghiệp - vốn bị bán mạnh trước đó, đã giúp thị trường lên điểm. Trong đó, cổ phiếu American Express tăng 2,38%, cổ phiếu JPMorgan lên 1,94%, cổ phiếu Bank of America nhích 0,34%...

Cổ phiếu của Ford tăng 8,29% lên 7,58 USD/cổ phiếu sau khi hãng thông báo đạt 997 triệu USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 29 cent/cổ phiếu trong quý 3/2009, từ mức lỗ 161 triệu USD (7 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của Ford giảm 800 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 30,9 tỷ USD.

Trong khi đó, cổ phiếu CIT Group giảm 65,28% xuống 0,25 USD/cổ phiếu sau khi tập đoàn cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 2/11 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 2/11: chỉ số Dow Jones tăng 76,71 điểm, tương đương 0,79%, chốt ở mức 9.789,44.

Chỉ số Nasdaq lên 4,09 điểm, tương đương 0,2%, chốt ở mức 2.049,2.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 6,69 điểm, tương ứng 0,65%, đóng cửa ở mức 1.042,88.


Theo VnEconomy

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên