MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tài chính thế giới dường như “nghiện” các gói kích cầu

15-08-2011 - 08:24 AM | Tài chính quốc tế

Cứ mỗi lần Fed tung ra một chính sách kích thích, thị trường tài chính mới phục hồi.

Người nghiện bao giờ cũng đòi thêm thuốc. Sau khi TTCK giảm điểm sâu suốt 2 tuần qua, nhà đầu tư đã hy vọng Fed sẽ công bố gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), chương trình tạo tiền để nâng giá tài sản. Gói QE 2 công bố vào tháng 8/2010 đã giúp TTCK tăng điểm mạnh vào cuối năm 2010.

Thay cho ma túy thông thường, nhà đầu tư nhận được thuốc giảm đau dưới hình thức cam kết giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục thêm 2 năm nữa. Dù phố Wall tăng điểm mạnh vào cuối phiên hôm đó (chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 430 điểm tương đương khoảng 4%), tuyên bố của Fed chỉ giúp mang lại khoảng thời gian tăng điểm ngắn hạn. Đến ngày 10/08/2011, giá cổ phiếu trên thị trường lại sụt giảm.

Ngày 08/08/2011, ECB tuyên bố mua trái phiếu chính phủ Italy và Tây Ban Nha, thị trường phản ứng rõ ràng hơn. Dù quy mô của chương trình mua trái phiếu không được công bố rõ ràng nhưng hiệu ứng của nó rất lớn. Trong 2 ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha thời hạn 10 năm giảm xuống mức 5% từ mức hơn 6% trước đó.

Ít nhất, hành động của các Ngân hàng Trung ương cũng tạo ra ảnh hưởng tích cực, dù chỉ trong ngắn hạn. Giới chính trị gia, trong khi đó, khiến nhà đầu tư hoài nghi nhiều về khả năng giải quyết khủng hoảng của các nhà hoạch định chính sách. Lãnh đạo châu Âu đã chuyển từ quan điểm ban đầu: phủ nhận tình trạng tồi tệ của các vấn đề khủng hoảng nợ trong khu vực thông qua toàn giải pháp mang tính tạm thời.

Lãnh đạo kinh tế Mỹ, trong khi đó, cợt nhả với khả năng nước Mỹ vỡ nợ trước khi thống nhất về một thỏa thuận nợ chẳng có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như cải thiện được tình hình tài chính của chính phủ Mỹ trong dài hạn.

Tồi tệ hơn, cách tiếp cận chính sách của họ gây ra khá nhiều rắc rối. Ông Ian Harnett thuộc công ty tư vấn Absolute Strategy Research, nhận xét: “Cuối cùng, quyết được đưa ra không phải dựa trên việc xem xét yếu tố căn bản.”

Niềm tin toàn cầu lập tức đi xuống. Theo khảo sát về chỉ số niềm tin của The Economist/FT, nhà điều hành doanh nghiệp trên khắp thế giới lo lắng nhiều nhất về rủi ro chính trị. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 cho đến tháng 7/2011, tỷ lệ doanh nhân cho rằng tình hình trên toàn cầu sẽ cải thiện trong 6 tháng tới giảm từ mức 38,3% xuống 23,2%, tỷ lệ người cho rằng mọi chuyện sẽ xấu đi tăng từ 19% lên 33,7%.

Hơn thế nữa, cam kết giữ lãi suất cơ bản của Fed chỉ có thể coi như dấu hiệu cho sự lo lắng về “sức khỏe” của kinh tế toàn cầu, chứ không phải dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. Đến thời điểm đạt mức đỉnh cao của năm vào ngày 29/04/2011, chỉ số S&P 500 đã tăng gấp đôi so với mức thấp vào tháng 3/2009.

Người ta có thể dự đoán rõ ràng về khả năng thị trường sẽ giảm điểm, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu chính phủ (bên ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu) không ngừng giảm trong những tháng gần đây, điều này không khỏi khiến người ta lo lắng về triển vọng kinh tế.

Có thể nhìn vào giá vàng để thấy rõ tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư. Thời gian gần đây, giá vàng và đồng franc liên tiếp lập đỉnh cao mới. Đồng franc lên mức cao kỷ lục so với đồng USD vào ngày 09/08/2011 bất chấp nỗ lực làm yếu đồng franc của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ.

Ngược lại, từ ngày 26/04/2011, giá một số loại hàng hóa khác đã giảm khoảng 12%. Có thể coi đó như yếu tố thuận lợi cho nền kinh tế các nước phát triển, bởi giá hàng hóa cao thường được coi như một thứ thuế đánh vào người tiêu dùng.

Từ đầu năm 2011 đến nay, cổ phiếu ngân hàng thường tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng chung của thị trường. Chỉ riêng trong ngày 08/08/2011, cổ phiếu ngân hàng Citigroup và Bank of America hạ lần lượt 16% và 20%. Phiên ngày 10/08/2011, cổ phiếu ngân hàng Bank of America hạ sâu hơn và từ đầu năm 2011 đến nay đã giảm tới 49% bởi lo lắng ngân hàng này cần thêm vốn.

Trong khi đó, các quỹ tiền tệ Mỹ không còn hào hứng mua nợ ngân hàng châu Âu. Ngày 10/08/2011, cổ phiếu ngân hàng Pháp Société Générale hạ 15%, cổ phiếu ngân hàng Ý Intesa Sanpaolo hạ 14% và chi phí bảo hiểm ngăn khả năng vỡ nợ của các ngân hàng châu Âu tăng nhanh chóng.

Ngoài ra phải kể đến chênh lệch giữa chi phí lãi vay của ngân hàng châu Âu và chính phủ châu lục này, dù không tương đương với những gì đã diễn ra trong năm 2008 khi ngân hàng hoàn toàn không thể tiếp cận với thị trường vốn.

Khi Fed cam kết giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục trong thời gian dài, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức thấp trong lịch sử. Chính phủ Mỹ có quyền vay tiền trong 5 năm mà chỉ phải trả 0,9% lãi suất. Điều này không khỏi khiến người ta nhớ đến Nhật, lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp kỷ lục trong suốt thập kỷ bất chấp việc kinh tế nước này tăng trưởng kém.

Nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng chững lại, Fed sẽ có thể phải đưa ra lựa chọn cuối cùng, đó chính là QE3. Thế nhưng với những gì đã diễn ra sau QE2, tác động của QE3 nếu có cũng chỉ mang tính tạm thời. Ông Stephen King, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc ngân hàng HSBC, chỉ ra: “QE đã giúp giá cổ phiếu tăng với kỳ vọng vào khả năng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, cuối cùng điều đó đã không xảy ra.” Cuối cùng, thị trường cũng sẽ phải bỏ thói quen này.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên