MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thịnh” trong thế “suy” của ngân hàng

20-12-2012 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Thay vì nhờ ngân hàng làm trung gian, nhiều tổ chức tài chính khác như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu đang tìm cách trực tiếp đứng ra cho vay

Kỳ trước: Tiền, không phải chỉ ngân hàng mới có!

Khoảng trống khó khỏa lấp

Một số tài sản như nợ cơ sở hạ tầng có thời gian đáo hạn dài hàng chục năm, tức cao hơn thời gian đầu tư của phần lớn các nhà đầu tư trái phiếu. Công ty tư vấn Oliver Wyman cho rằng các ngân hàng Châu Âu sẽ thanh lý 900 tỷ euro tài sản dài hạn như nợ cơ sở hạ tầng, bất động sản thương mại và tài trợ dự án. Lượng cho vay thực tế đã suy giảm (xem hình).

Trên lý thuyết, đây là cơ hội cho tín dụng phi ngân hàng. Ví dụ như tài sản dài hạn sẽ lý tưởng cho mục đích chi trả các nghĩa vụ nợ dài hạn của quỹ lương hưu và công ty bảo hiểm. Mark Hutshinson từ công ty quản lý quỹ M&G, vốn nhiều năm nay đã đầu tư trực tiếp vào các tài sản như nhà ở xã hội hay nợ của các công ty cỡ trung tại Anh, cho rằng thật “kỳ khôi” khi mọi người không tiếp bước M&G và đổ tiền vào các tài sản kém thanh khoản.

Nhưng tài chính phi ngân hàng có nhiều rào cản cả vì hoạt động, kỹ thuật và hành vi. Ban quản trị các quỹ lương hưu chi trả trợ cấp cố định (defined-benefit pension scheme) thường đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư, chứ không phải nợ chào bán riêng lẻ.

Cơ quan quản lý không hài lòng khi các quỹ lương hưu có khoản đóng góp cố định (defined-contribution pension scheme) nắm giữ tài sản dài hạn và kém thanh khoản như nợ cơ sở hạ tầng, vì chúng không đủ thanh khoản để định giá theo giá trị thị trường.

Bộ quy tắc về vốn của các công ty bảo hiểm Châu Âu (Solvency 2) đang được hiệu chỉnh với tốc độ rùa bò nên vẫn chưa biết các nhà bảo hiểm có tham gia thị trường này được hay không.

Hiện có các yếu tố khác cản trở sự phát triển của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Thứ nhất là cuộc khủng hoảng đồng euro: không phải ai cũng tin rằng đồng tiền chung sẽ tiếp tục tồn tại, nên mọi người đều lo lắng khi cho vay. Ngoài vấn đề định giá khoản nợ, với tình hình kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, nên bên cho vay rất lo ngại. Ông Tripp Smith từ GSO (bộ phận đầu tư tín dụng của BlackRock) nói cần 4 người trong 4 tháng mới cơ cấu được khoản vay 430 triệu USD của công ty xi măng Tây Ban Nha Cementos Portland, vì tài sản bảo đảm của nó nằm ở Mỹ.

Nhưng vấn đề lớn nhất là lịch sử thống trị của ngân hàng đồng nghĩa với việc chỉ một thiểu số các nhà đầu tư tổ chức tại Châu Âu có kỹ năng đầu tư vào các tài sản rủi ro cao và kém thanh khoản thế này.

Đầu năm nay Morgan Stanley cho biết các ngân hàng Châu Âu sẽ giảm tài trợ cho bất động sản thương mại từ 300 đến 600 tỷ euro trong vài năm tới, trong khi các nguồn bổ sung chỉ có 100-200 tỷ euro. Vì thế nguồn vốn mới sẽ yêu cầu lợi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng hiện nay; và với các công ty yếu thế, có lẽ các ngân hàng bủn xỉn vẫn là lựa chọn duy nhất.

Nhưng nếu ai làm việc nấy có khi lại ổn. Ngân hàng tìm kiếm khách hàng và bảo lãnh phát hành tín dụng, sau đó bán nợ cho nhà đầu tư muốn nắm giữ dài hạn.

Ngân hàng Pháp Société Générale và công ty bảo hiểm và quản lý quỹ AXA đang nhắm tới triển hai dịch vụ này với các công ty tầm trung tại Pháp. Số vốn các công ty này huy động không đủ cao để thị trường trái phiếu lợi suất cao phải chú tâm, nhưng lãi suất lại đủ hấp dẫn với nhà đầu tư. Vì thế SocGen sẽ tạo ra khoản nợ này, giữ một phần trên bảng cân đối kế toán, và bán phần còn lại cho AXA để phân bổ vào các quỹ của công ty này.

Ngân hàng giải phóng được bảng cân đối kế toán mà vẫn giữ chân được khách hàng. AXA với tay được vào các tài sản mà đáng lẽ họ không thể tiếp cận. Người đi vay huy động được vốn. Đẹp!

Đồng khí tương cầu

Những liên minh như thế đang hình thành trên nhiều lĩnh vự. Theo ông Kenneth Gray từ công ty luật Norton Rose, các quỹ lương hưu và công ty bảo hiểm đang họp nhau lại để đầu tư vào các quỹ do ngân hàng khởi tạo chuyên bỏ tiền vào nợ cơ cấu (structured debt), ví dụ như tài trợ mua máy bay hay dự án cơ sở hạ tầng. Phương pháp được đặt tên là “hợp vốn khởi tạo” (“syndicate to originate”).

Khi tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư tổ chức và ngân hàng sẽ thỏa thuận để ngân hàng tài trợ cho giai đoạn xây dựng đầy rủi ro của dự án, sau đó bán nợ cho các nhà đầu tư khác khi công trình đã có doanh thu.

Mô hình này có lợi cho ngân hàng tổng hợp. Ngân hàng thương mại thông thường không có bộ phận thị trường vốn. Còn ngân hàng đầu tư lại không có nguồn tiền gửi từ khách hàng nhỏ. Điểm yếu của hệ thống này là nó tương tự như những gì đã gây ra khủng hoảng: chứng khoán bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp được những ngân hàng ẩu tả bán cho các nhà đầu tư ngây thơ.

Yêu cầu ngân hàng chịu một phần rủi ro hoặc đồng ý chấp nhận số lỗ đầu tiên là giải pháp phổ biến cho vấn đề này. Nhà đầu tư sẽ hài lòng với chất lượng tài sản nếu chính ngân hàng phải chia phần rủi. Nhưng chừng ấy không làm tất cả yên tâm.

Vì thế các nhà đầu tư lớn nhất vẫn chỉ tin vào chính mình. Cùng với bộ phận cơ sở hạ tầng, BlackRock có thêm bộ phận thị trường vốn chuyên giúp tổ chức phát hành và ngân hàng biết họ muốn loại nợ nào và bao nhiêu. Công ty bảo hiểm Đức Alianz lập ra một bộ phận nợ cơ sở hạ tầng hồi tháng 7 và ngày càng tăng cương cho vay trực tiếp, bao gồm cả tín dụng doanh nghiệp.

Đón đọc kỳ tiếp theo: Trung gian tín dụng, không phải mỗi ngân hàng làm được!

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên