MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời kỳ của hàng “made in Japan” đang trở lại?

01-10-2015 - 13:45 PM | Tài chính quốc tế

Khi hàng Nhật được thực sự sản xuất tại Nhật, khách du lịch sẽ còn đổ xô đến Nhật hơn nữa, bởi suốt nhiều thập kỷ qua, uy tín của hàng “made in Japan” không hề suy giảm

Thập niên 1980, khi biết thông tin các doanh nghiệp Mỹ đang chuyển sản xuất sang các nước châu Á, chủ tịch hãng Sony, ông Akio Morita, phàn nàn với ban lãnh đạo của hãng rằng: “Tại sao người Mỹ lại làm như vậy nhỉ? Họ đang tự làm mất vị thế cường quốc công nghiệp của mình.

13 năm sau, khi đồng yên đã tăng giá lên mức quá cao khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày một kém đi, lợi nhuận vì thế suy giảm mạnh, ông Morita đã phải thay đổi ý kiến. Ông tuyên bố: “Sản xuất Nhật đang đối diện với thách thức lớn chưa từng có. Nếu không hành động nhanh chóng, ngành sản xuất sẽ đi xuống thảm hại.”

Ông Michiyuki Uenohar, tư vấn cao cấp của tập đoàn điện tử NEC, khẳng định: “Không thể cưỡng lại xu thế được nữa, chúng ta đang tiếp bước các doanh nghiệp Mỹ.” Bên kia bờ đại dương, IBM đã chuyển 46% sản xuất hoạt động ra nước ngoài. Con số này với Sony cùng thời điểm là 35%, Toyota là 20%, còn Hitachi chỉ là 8%.

Năm 1993 đánh dấu năm đầu tiên trong lịch sử mà số lượng tivi Nhật nhập khẩu nhiều hơn số lượng xuất khẩu. Đó cũng là năm đầu tiên tỷ giá đồng yên leo đến mức 100 yên/1USD và tăng giá đến 15% chỉ trong 8 tháng đầu năm. Canon là một trong những doanh nghiệp đi đầu về việc chuyển sản xuất ra nước ngoài với tỷ lệ sản xuất ngoài nước Nhật (bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia) lên đến 70%.

Thực ra không phải đến thập niên 1990 doanh nghiệp Nhật mới bắt đầu chuyển sản xuất ra nước ngoài. Quá trình dịch chuyển sản xuất đã đến từ thập niên 1980 với ngành sản xuất chất hóa học và dệt may. Thế nhưng với sự tự hào của một đất nước công nghiệp, người Nhật khó chấp nhận việc cả ngành sản xuất điện tử và ô tô vốn là niềm tự hào sức mạnh Nhật của họ cũng bị chuyển ra nước ngoài.

Ở thời điểm đó, hàng hóa sản xuất tại Nhật bởi người Nhật được trả lương bằng đồng yên cao mất dần sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy dù muốn hay không, cũng chính từ năm 1993 mà hoạt động chuyển sản xuất ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật tăng tốc rất mạnh.

Trên thực tế, doanh nghiệp Nhật được nhiều hơn mất khi chuyển sản xuất ra nước ngoài. Từ đầu thập niên 1980, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy người Nhật chê các công việc tay chân vất vả, độc hại, tỷ lệ sinh cũng thấp nên lực lượng suy giảm dần, mức lương vì vậy cao hơn. Chuyển sang nước khác, chi phí sản xuất tiết kiệm, sản phẩm được đưa đến gần thị trường tiêu thụ nên cũng tiết kiệm nhiều chi phí vận tải.

Ngoài ra, không giống các công ty Mỹ đi thuê lại doanh nghiệp khác sản xuất sản phẩm cho họ và người Mỹ chủ yếu chỉ đóng vai trò tiếp thị, quảng bá sản phẩm, người Nhật xây nhà máy bên ngoài nước Nhật hoàn toàn với công nghệ Nhật, người Nhật quản lý và làm chủ tất cả các khâu công nghệ.

Hàng Nhật sẽ lại “made in Japan”

Sau nhiều thập kỷ theo đuổi các hoạt động sản xuất ở nước ngoài, từ đầu năm 2015 đến nay, doanh nghiệp Nhật đang rục rịch chuyển sản xuất về Nhật. Lý do chủ yếu là bởi đồng yên yếu.

Tuy nhiên sản xuất tại Nhật lần này sẽ có điểm khác biệt rất lớn so với thời gian trước: hoạt động sản xuất rất nhiều mặt hàng, từ xe máy Honda, lò vi sóng Panasonic cho đến máy ảnh Canon, sẽ được thực hiện bằng robot. Thay cho việc nhập khẩu từ các nhà máy ở nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu của người Nhật, giờ đây người Nhật sẽ lại được dùng sản phẩm sản xuất tại chính quê hương mình.

Ví dụ như Canon, hãng đang lên kế hoạch tự động hòa hoàn toàn dây chuyển sản xuất trước năm 2018, tỷ lệ sản xuất nội địa sẽ đạt 60% từ mức 43% của năm 2014. Ngoài ra, hãng cùng đang có kế hoạch đầu tư 110 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Oita.

Việc lắp thêm robot trong dây chuyền sản xuất sẽ giúp Canon giảm chi phí sản xuất, ngoài ra cũng giải quyết phần nào bài toán thiếu nhân lực ở Nhật. Panasonic cũng không nằm ngoài xu thế trên, hãng đang chuyển bớt sản xuất về Nhật để phục vụ cho thị trường trong nước.

Quá trình dịch chuyển sản xuất về Nhật diễn ra 3 năm sau khi đồng yên bắt đầu suy yếu do chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe. Thời gian qua, lợi nhuận của nhiều công ty Nhật đã liên tiếp lập kỷ lục cũng bởi yếu tố hỗ trợ này.

Khảo sát mới nhất của Ngân hàng Phát triển Nhật cho thấy các tập đoàn lớn của Nhật đã lên kế hoạch tăng đầu tư nội địa thêm 13,9% trong năm tài khóa năm 2015. Trong khi đó mức tăng tưởng đầu tư ra nước ngoài chỉ đạt 5,8%.

Việc doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến ngành du lịch Nhật, bởi uy tín của những mặt hàng “made in Japan” luôn khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Để đón đầu xu thế, hãng Casio đã mở rộng quy mô sản xuất đồng hồ xa xỉ tại nhà máy thuộc tỉnh Yamagata thêm 60%.

Tuy nhiên không phải tập đoàn lớn nào của Nhật cũng muốn chuyển sản xuất về Nhật bởi những trải nghiệm cay đắng khi xu thế tỷ giá của đồng yên đảo chiều cách đây gần 1 thập kỷ.

Từ năm 2000 cho đến năm 2005, nhiều tập đoàn lớn của Nhật như Sharp hay Panasonic đã xây dựng nhiều nhà máy đắt tiền tại Nhật và cuối cùng gánh nợ chồng chất vì khó bán hàng khi đồng yên tăng giá quá cao trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009.

Theo Ngọc Thúy

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên