MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời phục hưng của Ba Lan

10-08-2014 - 23:09 PM | Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên trong 500 năm, Ba Lan đang hùng mạnh. Thời kỳ này có thể kéo dài mãi mãi?

Ba Lan  hiện đang ở trong giai đoạn thịnh vượng nhất kể từ thời vua Jagiellonian - khi Ba Lan là một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và mạnh nhất Châu Âu. Tuy nhiên, song song với đó vẫn là những thử thách như bẫy thu nhập trung bình, tỷ lệ sinh thấp …. Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc chùm bài viết về đất nước Ba Lan, về chính sách đối ngoại, các ngành và thành tựu nổi bật của nền kinh tế, phân hóa xã hội, vai trò mới của Ba Lan ở châu Âu…Series là kết quả lược dịch báo cáo đặc biệt của The Economist về Ba Lan.

“Tôi tự hào về đất nước tôi”, cựu Tổng thống Aleksander Kwasniewski Ba Lan (1995 đến 2005) đã nói. Ba Lan đang hân hoan kỷ niệm một loạt các sự kiện trọng đại: 10 năm gia nhập Liên minh châu Âu (EU), 15 năm gia nhập NATO và 25 năm khối Đông Âu tan rã. Kể từ triều đại Jagiellon với thời kỳ hoàng kim trong suốt thế kỷ 16 – khi lãnh thổ Ba Lan trải dài từ Baltic tới gần Biển Đen, chưa bao giờ Ba Lan thịnh vượng, yên bình, đoàn kết và có tầm ảnh hưởng lớn như ngày nay. 

Khi “Bức màn sắt” (biên giới vật lý lẫn tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Thế chiến II vào năm 1945 đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh) sụp đổ vào năm 1989, Ba Lan đã đứng bên bờ phá sản với ngành nông nghiệp quá lớn nhưng không hiệu quả, đường sá xuống cấp và nền kinh tế trì trệ. Tại thời điểm đó, các quốc gia được đặt nhiều hi vọng nhất là Czechoslovakia (Tiệp Khắc) và Hungary. Chẳng ai hi vọng vào Ba Lan.


Tuy nhiên, chính những cú sốc trong thời kỳ đầu những năm 1990 đã đặt Ba Lan lại đúng quỹ đạo. Các cuộc cải cách hướng đến nền kinh tế thị trường được thực hiện bao gồm xóa bỏ kiểm soát giá, hạn chế tăng lương, giảm trợ cấp cho hàng hóa dịch vụ và cân đối ngân sách.

Cải cách mang lại nhiều nỗi đau, nhưng sau khi suy thoái nghiêm trọng trong 2 năm 1990 và 1991, Ba Lan bắt đầu tăng trưởng trở lại và tăng trưởng không ngừng nghỉ từ đó đến nay. Việc gia nhập EU năm 2004 là một lực đẩy cho nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng trung bình 4%/năm. GDP bình quân đầu người hiện ở mức tương đương 67% mức trung bình của EU (năm 1989 là 33%) và nền kinh tế đã có quy mô gấp 3 của Ukraine. Hoạt động thương mại chuyển hướng từ các nước láng giềng Đông Âu sang EU. Cơ sở hạ tầng được hiện đại hóa và các doanh nghiệp nhà nước cũng được cải tổ.

Ba Lan là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu tránh được suy thoái trong suốt khủng hoảng tài chính, phần lớn nhờ vào may mắn và sự kết hợp giữa nhiều yếu tố: chính sách tiền tệ và tài khóa khôn khéo, tỷ giá hối đoái linh hoạt, chưa mở rộng quá nhiều với thương mại quốc tế và tỷ lệ nợ của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp ở mức thấp. Năm ngoái, GDP của Ba Lan là 516 tỷ USD, cao hơn khoảng 20% so với khi khủng hoảng bắt đầu xảy ra. Bộ Tài chính nước này dự đoán tăng trưởng năm 2014 ở mức 3%. 

Nền kinh tế vận hành trơn tru giúp tiếng nói của Ba Lan ở EU có trọng lượng hơn cả về kinh tế và chính trị. Giờ đây Ba Lan được xếp vào nhóm các thành viên lớn hơn của EU, cùng với Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha (mặc dù GDP bình quân đầu người năm ngoái chưa bằng một nửa của Tây Ban Nha). Mối quan hệ Đức – Ba Lan được coi là quan hệ song phương quan trọng thứ hai ở EU, chỉ đứng sau trục Pháp – Đức.
Lãnh thổ Ba Lan qua các thời kỳ

Kể từ khi khủng hoảng Ukraine bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách ở cả EU và Mỹ đều hết sức chú ý tới Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Ngoại trưởng Radek Sikorski. Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic là phần cực Đông của cả EU và NATO. Bất chấp mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Ukraine trong quá khứ kể từ khi Liên Xô tan rã, Ba Lan là nước ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng về một Ukraine tự do hơn, độc lập hơn và mạnh mẽ hơn.  

Tuy nhiên, Ba Lan còn có nhiều việc phải làm trong tương lai. Quá trình chuyển đổi của nền kinh tế vẫn chưa hoàn thành với nhiều cải cách cần thiết trong các lĩnh vực điển hình như nông nghiệp. Khoảng cách giữa các vùng giàu có ở phía Tây và vùng nghèo hơn ở phía Đông vẫn còn lớn. Gia nhập Eurozone hay không cũng là một lựa chọn khó khăn. 2/3 người dân Ba Lan phản đối điều này, và bỏ đồng nội tệ zloty để dùng euro đòi hỏi sự thay đổi về thể chế khó có thể đạt được ở thời điểm hiện tại.

Janusz Jankowiak, chuyên gia kinh tế trưởng tại Polish Business Roundtable (một nhóm vận động hành lang ủng hộ doanh nghiệp), khá lạc quan về triển vọng của Ba Lan trong thập kỷ này nhưng lại hoài nghi về dài hạn. Ba Lan đã được hưởng lợi từ dòng vốn 139 tỷ USD từ Brussels và sẽ nhận được thêm 106 tỷ euro từ nay đến năm 2020. Rủi ro ở đây là chính phủ sẽ chi phần lớn vào cơ sở hạ tầng với những kết quả có thể nhìn thấy ngay và phớt lờ những nỗ lực dài hơi hơn nhằm giúp nền kinh tế tăng sức cạnh tranh như đầu tư vào dạy nghề hay giáo dục cấp cao. 


Rất nhiều người Ba Lan nhận thức được rằng các quốc gia EU khác đã bở lỡ cơ hội sử dụng quỹ của EU để thực hiện cải cách. “Bồ Đào Nha có đường cao tốc tốt nhưng họ không có những công ty cạnh tranh tốt”, Jankowiak nói. Giờ đây chìa khóa thành công của Ba Lan là lao động giá rẻ, hấp dẫn các công ty Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ dần biến mất.

Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Ba Lan là phải tránh được bẫy thu nhập trung bình. Người Ba Lan không tiết kiệm và đầu tư đủ để nền kinh tế có thể nhảy vọt từ gia công cho Tây Âu sang nền kinh tế có những công ty hùng mạnh dẫn đầu toàn cầu. Từ năm 2004 đến 2011, tỷ lệ tiết kiệm trung bình chỉ là 17% GDP và tỷ lệ đầu tư là 21% GDP, đều thấp hơn mức trung bình của EU. Chi tiêu cho công tác nghiên cứu chỉ bằng 0,85% GDP. 

Daniel Boniecki, người làm việc tai văn phòng Warsaw của McKinsey, đưa ra 3 thay đổi chính mà Ba Lan cần làm: giảm khoảng cách về sản lượng với Tây Âu, đầu tư vào những ngành công nghiệp mũi nhọn và trở nên toàn cầu hóa hơn. 

Sản lượng của các doanh nghiệp Ba Lan hiện chỉ bằng 60% so với các công ty thuộc nhóm EU15 (các thành viên gia nhập trước khi EU mở rộng sang phía Đông). Các công ty Ba Lan làm tốt khâu cải tiến sản phẩm trước khi tung ra thị trường, nhưng chủ yếu bằng cách sử dụng công nghệ của nước ngoài và các công ty nước ngoài mới được hưởng lợi từ điều này. Phần lớn các doanh nghiệp Ba Lan thiếu quy mô và có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa hay khu vực. Chỉ có duy nhất một công ty ở Ba Lan thực sự có tầm cỡ toàn cầu là KGHM, một trong những công ty khai thác đồng và bạc lớn nhất thế giới, trực thuộc chính phủ Ba Lan. 

Dân số là một vấn đề đau đầu khác. Ba Lan là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất ở EU và vẫn là một nước có nhiều người di cư. Nếu tình hình ở Ukraine xấu đi, Ba Lan sẽ tiếp nhận làn sóng người tị nạn với số lượng lớn, nhưng điều này không giải quyết được vấn đề. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp thiết nhất đối với Ba Lan hiện nay lại là cắt giảm khu vực công. Kể từ năm 1989, số viên chức đã tăng gấp ba, lên khoảng 460.000 người. Các công ty tư nhân thành công vẫn bị níu giữ bởi một khu vực công quá quan liêu. Đó cũng là một lý do lý giải tại sao một vài người xuất sắc nhất vẫn tiếp tục di cư. 

Tuy nhiên, chí ít thì họ vẫn có thể ngẩng cao đầu khi bước đi. Giờ đây, tiếng nói của Ba Lan ở nước ngoài một lần nữa lại có nhiều ý nghĩa.

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên