MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Italia và những hạn chế của chính phủ kỹ trị

27-06-2012 - 17:24 PM | Tài chính quốc tế

Với khủng hoảng kinh tế lại một lần nữa leo thang, các nhà lãnh đạo của Italia không thể tiếp tục gạt bỏ chính trị sang một bên được nữa.

Khi Mario Monti được bổ nhiệm (chứ không phải được bầu) vào vị trí Thủ tướng Italia hồi tháng 11 năm ngoái, hầu hết người dân Italia đều chào đón ông và cho rằng họ sẽ có được tương lai tươi sáng hơn so với thời kỳ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Trong khi nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ, một chính phủ kỹ trị với bước đột phá chính xác là những gì mà người dân mong muốn. 

Tuy nhiên, hiện nay, kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Monti chỉ còn ở mức hơn 30%, giảm mạnh so với mức hơn 70% khi ông mới lên nắm quyền. Vị Thủ tướng của Italia đã thất bại khi không thể tạo ra điều thần kỳ mà người dân mong đợi. Thay vào đó, ông chỉ đem đến cho Italia một liều thuốc giảm đau. Sự thực là chính trị là yếu tố quyết định trong khi các nhà kỹ trị lại không giỏi về chính trị.

Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Monti nhanh chóng bổ nhiệm một nhóm các chuyên gia chính sách vào bộ máy lãnh đạo đất nước và thông báo một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng như tăng thuế và cắt giảm lương hưu cùng với cải cách luật lao động. 

Các biện pháp này đã cải thiện được tình hình tài khóa của Italia. Theo ước tính của IMF, thặng dư ngân sách của năm 2013 (không tính đến các khoản trả nợ) sẽ vượt quá 4% GDP – đủ để ổn định lại gánh nặng nợ của chính phủ. 

Tuy nhiên, thật không may là ông Monti lại phải thừa hưởng gánh nặng nợ công quá lớn – lên tới 120% GDP. Gánh nặng này khiến những nỗ lực làm giảm thâm hụt vấp phải nhiều khó khăn. Với niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm, nếu lợi suất trái phiếu bị giữ ở mức khoảng 6% - tăng so với mức 4% của 2 năm trước, Italia sẽ rơi vào tình trạng phá sản.

Chỉ cần sự giúp đỡ nhỏ từ châu Âu cũng sẽ tạo nên sự khác biệt lớn cho Italia. Các ngân hàng Italia vẫn mạnh khỏe hơn các ngân hàng của Tây Ban Nha, do đó cuộc khủng hoảng ở nước này có thể nhanh chóng dịu đi nếu niềm tin vào khả năng trả nợ của Italia được phục hồi. 

Mặc dù vậy, sự ủng hộ của châu Âu sẽ không thể làm dịu đi những khó khăn về mặt chính trị mà ông Monti gặp phải. Thủ tướng Italia vẫn phải duy trì kỷ luật tài khóa, xóa bỏ các rào cản đối với doanh nghiệp và cải cách luật lao động để việc thuê mướn cũng như sa thải lao động được dễ dàng hơn. Giống như IMF đã nhấn mạnh trong một báo cáo về kinh tế Italia được công bố gần đây, môi trường kinh doanh ở Italia vẫn khá khó khăn và thị trường lao động chưa hoàn thiện. Theo ước tính của IMF, các cải cách xa hơn nữa có thể giúp GDP của Italia tăng thêm tới 6% trong trung hạn. 

Tuy nhiên, đây là những việc quá sức đối với một chính phủ kỹ trị. Trong một chế độ dân chủ, nỗ lực cải cách bền bỉ cả về thể chế và kinh tế phải được quyết định bởi cử tri. Các chính trị gia phải có được sự ủy nhiệm của dân chúng để biến những gì họ mong muốn thành hiện thực. 

Trong một hệ thống chính trị bị vỡ vụn như tình trạng hiện nay của Italia, sự lãnh đạo của các nhà kỹ trị có thể đáp ứng được nhu cầu nhất thời. Những điều mà ông Monti đã làm xứng đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, với khủng hoảng kinh tế lại một lần nữa leo thang, các nhà lãnh đạo của Italia không thể tiếp tục gạt bỏ chính trị sang một bên được nữa. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên