MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thụy Sỹ "chấn động" sau vụ việc UBS

09-03-2009 - 06:57 AM | Tài chính quốc tế

Uy tín của ngành ngân hàng Thụy Sỹ hẳn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng sau vụ bê bối trốn thuế tại ngân hàng UBS. Ngành này đóng góp đến 12,5% tổng GDP Thụy Sỹ.

Chưa đầy 1 tuần sau khi chính thức bổ nhiệm giám đốc điều hành mới, ngân hàng UBS thay chủ tịch.

Đây là một phần trong nỗ lực của ngân hàng này nhằm thay đổi bộ máy lãnh đạo với mục tiêu khôi phục niềm tin của thị trường sau vụ bê bối thuế và chịu phạt 780 triệu USD. Vụ việc bê bối trốn thuế liên quan đến 47 nghìn tài khoản bí mật của người Mỹ gây tổn hại không chỉ đến UBS mà là toàn ngành ngân hàng Thụy Sỹ.

UBS tìm đến một người đã làm việc lâu năm trong ngành tài chính nước này, đó là cựu bộ trưởng tài chính, ông Kaspar Villiger để đảm nhiệm vị trí chủ tịch. Ngoài ra UBS chọn ông Oswald Grübel- người đã từng làm việc lâu năm và đảm nhận chức vụ cao tại Credit Suisse vào chức vụ giám đốc điều hành mới thay cho ông Marcel Rohner với 20 tháng tại vị.

Ông Villiger và ông Grübel đều là hai nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng Mỹ. UBS hi vọng họ sẽ có thể mang lại sự ổn định vốn có của ngành ngân hàng và chấm dứt khoảng thời gian 2 năm UBS vướng hết bê bối này đến bê bối khác.

Ông Krurer nhận chức chủ tịch ngân hàng UBS mới tháng 4/2008 tuy nhiên ông đã phải giải quyết vụ bê bối thuế và khoản đầu tư vào thị trường dưới chuẩn.

Đối với một đất nước có tổng dân số 7,6 triệu người, những vấn đề tại UBS là mối rủi ro lớn đối với cỗ máy làm giàu đã đưa Thụy Sỹ thành một trong những nước giàu nhất thế giới.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính đóng góp tới 12,5% vào tổng GDP nước này. Mức này cao hơn khá nhiều so với mức trung bình tại các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Tỷ lệ này tại Mỹ là 8,5%.

Ông Charles Wyplosz, giám đốc trung tâm tiền tệ và ngân hàng tại Geneva, nhận xét:” Vấn đề này hết sức đáng lo ngại bởi ngành ngân hàng đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng của Thụy Sỹ. Nếu ngành ngân hàng suy giảm, mức sống của người dân tất yếu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.”

Đất nước Thụy Sỹ nhỏ bé sẽ chịu nhiều tác động trong thời kỳ ngành ngân hàng thế giới đang đi theo xu hướng quốc hữu hóa. Chính phủ Anh và Mỹ đã dành hàng trăm tỷ USD để vực dậy các ngân hàng, tuy nhiên khả năng của Thụy Sỹ không được đến như vậy. Với tổng giá trị bảng cân đối kế toán lên tới 2 nghìn tỷ USD tương đương 4 lần GDP Thụy Sỹ, quy mô của UBS quả không hề nhỏ.

Tổng tài sản của các ngân hàng Thụy Sỹ bằng 6,8 lần tổng GDP nước này trong khi tổng tài sản của các ngân hàng thương mại tại Mỹ chỉ chiếm 70% GDP.

Việc ngân hàng UBS buộc phải nộp phạt 780 triệu USD và giao nộp tên của 300 khách hàng cho chính phủ Mỹ đã khiến nhiều người lo ngại về sự bí mật của ngân hàng Thụy Sỹ - bao lâu nay thế giới vẫn luôn đặt kỳ vọng vào điều đó.

UBS đã nộp tên 300 khách hàng tuy nhiên Cơ quan thuế vụ Mỹ muốn có tên của tất cả 47 nghìn tài khoản bí mật của người Mỹ tại ngân hàng này.

Tại Zurich, khi các chính trị gia đang bàn luận về việc ngân hàng UBS chịu thiệt thòi ra sao thì giám đốc điều hành ngân hàng này đang lo lắng về một khả năng lớn hơn: khách hàng đang rút tiền khỏi UBS.

Năm 2008, khách hàng rút ra khoảng 105 tỷ USD tương đương 8% tổng số tiền thuộc hệ thống quản lý tài sản của UBS trên toàn cầu.

Nguồn tiền bị rút ra đó kết hợp với việc giá trị những khoản đầu tư như trái phiếu và cổ phiếu thiệt hại mạnh khiến tổng tài sản trong bộ phận quản lý tài sản tư nhân của ngân hàng UBS rơi từ mức gần 2.000 tỷ USD cuối năm 2007 xuống dưới mức 1.400 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2008.

Giám đốc điều hành của ngân hàng UBS giải thích cho hiện tượng trên:”Lý do chính là uy tín của chúng tôi bị ảnh hưởng. Khách hàng phần nào mất lòng tin đối với chúng tôi và vì thế họ rút tiền ra. Không thể nào khôi phục lòng tin của khách hàng trong chỉ một sớm một chiều. Từ kinh nghiệm của tôi, sẽ mất khoảng 12 tháng để làm được việc này.”

Nhận xét về vụ việc bê bối liên quan đến một số tài khoản trốn thuế gần đây, ông nhận xét:”Chúng tôi sẽ không bao giờ lặp lại những sai lầm trên trong tương lai.”

Từ năm 2004 đến năm 2007, kinh tế Thụy Sỹ tăng trưởng 3%/năm tuy nhiên trong quý cuối cùng của năm 2008, kinh tế nước này suy giảm 0,6%. Số liệu này có vẻ không mấy ấn tượng nếu so với mức suy giảm 6,2% của kinh tế Mỹ trong thời gian quý 4/2008 nhưng đó là điềm báo tiêu cực về khả năng suy giảm sâu hơn của kinh tế nước này trong năm 2009. Người Thụy Sỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi bao lâu nay, việc mất ổn định là khả năng rất xa xôi đối với họ.

Các chuyên gia dự đoán, xét về dài hạn, Thụy Sẽ sẽ vẫn duy trì được vị thế của mình trong vai trò là trung tâm thịnh vượng của thế giới bất chấp áp lực từ chính phủ nhiều nước và từ sự cạnh tranh ngày một mạnh lên.

Những vụ việc như vụ UBS là một cú sốc lớn đánh vào uy tín của ngành ngân hàng, tuy nhiên uy tín đó hoàn toàn có thể được khôi phục lại.

Ngọc Diệp

Theo IHT



ngocdiep

Trở lên trên