MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền bẩn chảy vào ngân hàng như thế nào?

09-03-2015 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Mỗi năm, khoảng 2.000 tỷ USD “tiền bẩn” từ các tổ chức tội phạm, cướp biển và thậm chí là các nhóm khủng bố được tuồn vào các định chế tài chính trên toàn thế giới. Các nhà quản lý có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?

Nội dung nổi bật:

- Hệ thống tài chính thế giới không chỉ được kết nối các nước với nhau mà còn có sợi dây liên hệ mật thiết với tội phạm.

- Ma túy chiếm khoảng 400 tỷ USD, và tổng lượng tiền bẩn từ tất cả các hoạt động tội phạm lên đến 2.100 tỷ USD.

- Để phòng chống tiền bẩn, cách hữu hiệu nhất là loại bỏ việc tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm phát triển. Bởi vậy, chính phủ phải cung cấp cho các nhà quản lý những công cụ cần thiết và lập ra lộ trình chính sách.


Trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính 2008, phố Wall nói riêng và toàn bộ ngành ngân hàng thế giới nói chung trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Hành động quá liều lĩnh, bóp méo tỷ giá và giúp các khách hàng trốn thuế là những “tội lỗi tày đình” của giới ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, luật lệ đã thay đổi đến đâu để giảm bớt những thói hư tật xấu của các ngân hàng? Chuyên gia phòng chống tội phạm tài chính Stephen Platt cho rằng các vụ scandal cứ nổ ra và các định chế tài chính vẫn cứ tiếp tục phạm tội.

Platt là giáo sư giảng dạy tại ĐH Georgetown. Ông cũng làm việc cho World Bank và tham gia đào tạo các nhân viên của Bộ Tư pháp Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cùng nhiều tổ chức hành pháp khác. Trong 20 năm qua, Platt đã đọc hàng nghìn tài liệu về rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu ma túy, khủng bố và cướp biển để nghiên cứu dòng tiền bất hợp pháp chảy qua các định chế tài chính như thế nào. Mới đây ông vừa xuất bản cuốn sách “Criminal Capital” giải thích rằng hệ thống tài chính thế giới không chỉ được kết nối các nước với nhau mà còn có sợi dây liên hệ mật thiết với tội phạm.

Phóng viên của tờ báo The Altantic đã có cuộc chuyện trò với Platt về tội phạm trong hệ thống tài chính.

Bourree Lam: Trước tiên, ông có thể nói gì về cuốn sách mới xuất bản?

Stephen Platt: Tôi làm việc trong một công ty chuyên thực hiện các cuộc điều tra pháp lý nhằm vào các dịch vụ tài chính, vì thế có cơ hội tiếp cận sâu với ngành tài chính trên khắp thế giới. Mỗi lần đọc một bài báo viết về hành vi sai trái của ngành tài chính, tôi lại có thêm động lực để viết cuốn sách này vì các nhà báo mô tả chúng là những hành vi đơn nhất trong khi tôi biết rằng tất cả đều có liên quan đến nhau. Mục đích của cuốn sách này là khẳng định tạo điều kiện cho tội phạm chỉ là dấu hiệu tồi tệ nhất của những “thói hư tật xấu” ảnh hưởng đến ngành tài chính. Để tìm được cách thức ngăn chặn khủng hoảng 2008 lặp lại, chúng ta phải hiểu điều này. Cũng giống như bạn đi tới bác sĩ và nói “Tôi ốm”. Bác sĩ chỉ có thể kê đơn đúng nếu hiểu được những dấu hiệu tồi tệ nhất của căn bệnh.

Lam: Ông ước tính hiện nay có bao nhiêu tiền bẩn chảy vào hệ thống ngân hàng?

Platt: Ma túy chiếm khoảng 400 tỷ USD, và tổng lượng tiền bẩn từ tất cả các hoạt động tội phạm lên đến 2.100 tỷ USD.

Lam: 2.100 tỷ USD là một con số khổng lồ, khiến người ta có cảm giác tội phạm khó có thể dịch chuyển một lượng tiền lớn như vậy, nhưng đây cũng không phải là chuyện bất khả thi.

Platt: Cuốn sách của tôi không tập trung vào rửa tiền mà tập trung nhiều hơn vào mô tả cách mà ngành tài chính tạo điều kiện để tội phạm phạm tội. Ngành tài chính cần phải thức tỉnh bởi 20 năm qua, công cuộc chống rửa tiền tập trung vào vế trước thay vì vế sau.

Lam: Sự kiện danh sách các khách hàng trốn thuế của HSBC bị lộ cho thấy các ngân hàng sẵn sàng giúp khách che giấu danh tính và trốn thuế. Ông nghĩ gì về vụ việc này?

Platt: Danh sách của HSBC bị rò rỉ thực chất là một câu chuyện cũ kỹ. Những ai theo dõi ngành ngân hàng lâu năm sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi vụ việc này thu hút được nhiều sự chú ý đến vậy. Đã 8 năm trôi qua và tôi cho rằng cả ngân hàng cũng như phía Thụy Sĩ đã thỏa thuận với nhau để thay đổi thời gian can thiệp. Có một câu hỏi quan trọng hơn bản danh sách vừa bị lộ: Tại sao sự việc lại xảy ra ở Thụy Sĩ? Câu trả lời khá đơn giản: bởi vì luật pháp của đất nước này có những kẽ hở mà hầu hết các định chế tài chính trên thế giới đều tận dụng.

Nhìn chung, ngành này chưa có một nỗi sợ đủ lớn để ngăn chặn người ta làm điều không đúng với pháp luật vì lợi ích mà họ thu được quá lớn.

Lam: Vậy theo ông chúng ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?

Platt: Đây là một chuỗi các vòng tròn đồng tâm. Nhân viên ngân hàng đóng vai trò trung tâm và chúng ta cần tác động đến hành vi của anh ấy (hay cô ấy). Tiếp theo là lãnh đạo cấp cao hơn, sau đó là hội đồng quản trị, tiếp theo là cán bộ quản lý, chính phủ và các đảng phải chính trị, sau nữa là xã hội. Mỗi vòng tròn lớn hơn đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến vòng tròn bên trong.

Bởi vậy, chính phủ phải cung cấp cho các nhà quản lý những công cụ cần thiết và lập ra lộ trình chính sách. Cái khó nằm ở chỗ các ngân hàng có những ảnh hưởng nhất định đến các vòng tròn bên ngoài, đặc biệt là các đảng phái chính trị và ngân hàng là nguồn cung cấp vốn cho các dự án phát triển. Không chính phủ nào muốn gây tổn hại cho nền kinh tế bằng cách xua đuổi dòng vốn.

Các chính phủ cần thay đổi chính sách và đảm bảo rằng ít nhất là “cây gậy” cũng to bằng “củ cà rốt”.

Thu Hương

Thu Hương

The Atlantic

Trở lên trên