MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền giả, hàng nhái hoành hành ở EU

29-07-2015 - 09:14 AM | Tài chính quốc tế

Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), số lượng tiền giấy euro giả bị "xử lý" từ đầu năm 2015 đến nay đã tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của ECB cho hay trong sáu tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng về quản lý tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU), nhất là Đức và Pháp, đã tịch thu và tiêu hủy gần 500.000 tờ euro giả, so với hơn 330.000 tờ của cùng kỳ năm 2014. Những năm gần đây, số lượng tiền giấy euro bị làm giả liên tục tăng và lên tới 838.000 tờ trong năm 2014, so với 670.000 tờ năm 2013 và 531.000 tờ năm 2012.

ECB cho biết hai loại giấy bạc có mệnh giá 20 euro và 50 euro bị làm giả nhiều nhất, lần lượt chiếm khoảng 55% và 31%, tiếp sau là tờ 100 euro, chiếm chừng 8,5% tổng số tiền giấy bị làm giả. Phần lớn số lượng giấy bạc euro giả bị phát hiện tại các nước sử dụng đồng euro, nhất là tại các quốc gia thành viên EU, chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 1,6%) và ngoài khối EU (0,5%).

Tuy nhiên, ECB cho rằng số lượng tiền giả chiếm tỷ lệ rất thấp so với số tiền euro đang được lưu hành tại các thị trường châu Âu, hiện lên tới hơn 17 tỷ euro trong nửa đầu năm 2015. Nhằm ngăn chặn hiện tượng làm giả đồng euro, ECB đã quyết định phát hành tờ 20 euro mới vào cuối năm nay, với nhiều biện pháp chống làm giả như mực in mới với những "hoa văn chìm" phức tạp.

Trong một thông tin khác, hàng giả và hàng nhái chiếm đến gần 10% các sản phẩm may mặc, giầy dép và đồ phụ kiện được bày bán tại các quốc gia EU, khiến ngành thời trang tại châu Âu thiệt hại hơn 26 tỷ euro/năm.

Theo kết quả nghiên cứu của Văn phòng quản lý-hài hòa thị trường nội địa thuộc EU, trong bối cảnh nhiều nhà thời trang cao cấp đặt trụ sở khắp châu Âu, hàng giả và hàng nhái là rủi ro lớn đối với ngành công nghiệp sáng tạo, gây thiệt hại trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế EU.

Cụ thể, các ngành sản xuất hàng may mặc, giày dép và phụ kiện bị thiệt hại khoảng 26,3 tỷ euro mỗi năm vì hàng giả, chiếm 9,7% doanh số bán những mặt hàng này. Trong lúc tình trạng kinh doanh, tiêu thụ hàng “fake” cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực liên quan khác và nguồn thu ngân sách quốc gia, với thiệt hại về kinh tế ước tính 43,3 tỷ euro mỗi năm.

Nếu xét đến những ảnh hưởng liên quan đến thị trường lao động, nạn hàng giả hàng nhái khiến các quốc gia EU mất khoảng 363.000 đến 520.000 việc làm. Trong đó Italy, “thánh địa” của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci và Valentino, là một trong những quốc gia EU chịu ảnh hưởng của vấn nạn hàng giả lớn nhất châu lục, với thiệt hại khoảng 4,5 tỷ euro/năm.

Theo ML

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên