MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiêu tan hy vọng về khả năng kinh tế Mỹ hồi phục hình chữ V

09-09-2010 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Mọi yếu tố thuận lợi trong nửa đầu năm 2010 sẽ trở thành bất lợi trong nửa sau. Gói kích thích hàng trăm tỷ USD mà Tổng thống Obama đề xuất cũng sẽ chẳng tạo ra điểm khác biệt nào.

Hồi 2 của kịch bản “Một năm với hai nửa”, chủ đề của công ty nghiên cứu và phân tích tài chính Roubini Global Economics từ cuối năm 2009 đã bắt đầu. Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2/2010 chỉ đạt 1,6%, thấp hơn nhiều so với con số 2,4% công bố lần đầu và tăng trưởng 3,7% của quý 1/2010.

Như vậy, tăng trưởng kinh tế quý 1/2010 thấp hơn nhiều so với cả dự báo của bất kỳ chuyên gia nào bi quan nhất. Hơn thế nữa, phần lớn tăng trưởng đến từ sự điều chỉnh hàng tồn kho ngắn hạn, doanh số bán hàng chỉ tăng 1,1% và 1% trong quý 1 và quý 2/2010.

Tất cả yếu tố thuận lợi trong nửa đầu năm 2010 sẽ trở thành bất lợi trong nửa sau. Khi chính quyền các bang tiếp tục thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng tích cực từ gói kích cầu giảm bớt, gói kích thích tài khóa sẽ trở thành gánh nặng trong năm 2011 cũng như khi chương trình giảm thuế thời kỳ 2001 và 2003 kết thúc.

Ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế sôi động trong năm 2009 kết thúc, chương trình tổng điều tra dân số dần chấm dứt, hoạt động tuyển dụng chững lại, chương trình tín dụng thuế, tín dụng tiêu dùng, hỗ trợ tiền mặt cho thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cuối cùng đã chấm dứt sau khi cướp đi nhu cầu từ tương lai.

Hàng loạt số liệu được công bố gần đây khiến người ta không khỏi lo lắng, nhiều chuyên gia điều chỉnh giảm dự báo. Tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp 70% vào kinh tế Mỹ, khởi đầu quý đầy khó khăn.

Doanh số bán lẻ tháng 7 giảm tháng thứ 3 trong 4 tháng. Trong tuần kết thúc ngày 21/08/2010, doanh số bán hàng theo khảo sát của ICSC Goldman Sachs có tuần đi xuống thứ 4. Khi hoạt động khôi phục lại hàng tồn kho chấm dứt, triển vọng đầu tư u ám.

Chi tiêu của doanh nghiệp, yếu tố duy nhất tăng mạnh trong quý 1/2010 hiện nay cũng đang tăng yếu hơn. Chỉ số về số lượng hàng bán ra và số lượng đơn đặt hàng mới của tháng 7 đi xuống. Trong khi đó dù tăng trưởng dương trong quý 2/2010, đầu tư vào bất động sản không phải diện nhà ở vẫn sẽ ở mức thấp trong suốt nửa sau năm 2010 bởi xét đến tỷ lệ trống tại bất động sản thương mại quá cao.

Đúng như tính toán, lĩnh vực nhà đất đã suy thoái lần 2: so với tháng 6/2010, số lượng nhà đơn lẻ được xây mới giảm 4,2% trong tháng 7/2010 và ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp; doanh số bán nhà mới cũng như đang sử dụng rơi xuống mức thấp kỷ lục. Nhìn chung những yếu tố tạo nên cầu mạnh, ngoại trừ xuất khẩu ròng, vốn đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế quý 2/2010 sẽ còn tiếp tục đi xuống trong quý 3/2010.

Sự thật rằng ngay từ ban đầu sự phục hồi đã không phải quá mạnh dù nó có thể ngăn kinh tế rơi vào cái mà người ta gọi là suy thoái lần 2. Khả năng suy thoái lần 2 theo tính toán hiện đã lên tới 40%. Tăng trưởng kinh tế yếu và những vấn đề trên thị trường lao động cho thấy chênh lệch sản lượng của Mỹ ngày một lớn hơn, tỷ lệ người dân có việc làm giảm.

Đà phục hồi của kinh tế yếu; xu thế biến động của lạm phát và kỳ vọng lạm phát khiến người ta lo ngại kinh tế sẽ không chỉ đi xuống một cách đáng ngạc nhiên mà cuối cùng có thể chững hẳn lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 1% (mức độ dự báo cho nửa sau năm 2010) là tốc độ quá tệ bởi mức tăng trưởng tiềm năng phải gần 3%.

Khi tăng trưởng chững lại, người ta nói nhiều hơn đến khả năng suy thoái kinh tế lần 2. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, thâm hụt ngân sách tăng mạnh, giá nhà giảm, các ngân hàng thiệt hại nhiều hơn và các biện pháp bảo hộ được đẩy cao.

Thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh mạnh. Tác động qua lại giữa nền kinh tế thực và hệ thống tài chính có thể đẩy kinh tế vào suy thoái lần 2. Tăng trưởng của kinh tế hiện đã dần đến mức chững lại, giá tài sản điều chỉnh đi xuống, giá trị tài sản giảm, chi phí vốn cao hơn, niềm tin doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư không còn được như trước.

Xét đến những hạn chế về chính trị và chính sách tài khóa, sự ngại ngần trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng, chúng ta nghi ngờ về khả năng chính sách có thể ngăn được suy thoái. Vấn đề đương đầu với nước Mỹ hiện nay chính là việc điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán, quá trình sẽ diễn ra trong nhiều năm. Nước Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ nhiều năm tăng trưởng dưới mức tiềm năng.

Tác giả bài viết là ông Nouriel Roubini, chủ tịch kiêm người đồng sáng lập ra công ty nghiên cứu và phân tích tài chính Roubini Global Economics. Ông Christian Menegatti hiện giữ chức vụ trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu còn chuyên gia Prajakta Bhide chuyên nghiên cứu về Mỹ và kinh tế vĩ mô toàn thế giới.

Ngọc Diệp
Theo Forbes


ngocdiep

Trở lên trên