MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổ chức khủng bố 2 tỉ USD

23-06-2014 - 07:57 AM | Tài chính quốc tế

Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông rất giỏi trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cho cuộc chiến của mình

Iraq đang trong tình thế khó khăn lâu dài. Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL hoặc ISIS) đã nhanh chóng chiếm giữ những vùng lãnh thổ rộng lớn tại miền Bắc và miền Tây khiến lực lượng an ninh Iraq và cả các giới chức phương Tây kinh ngạc.

ISIL hiện kiểm soát một vùng đất rộng khoảng 90.650 km2, bằng diện tích bang Maine - Mỹ và có quyền cai trị thực tế trên 6 triệu người. Vào thời điểm này, hơn lúc nào hết, ISIL được dư luận đánh giá là tổ chức khủng bố “giàu nhất thế giới”.

Giàu hơn nhiều quốc gia

Thoạt đầu, ISIL dựa vào khoản tài trợ từ những cá nhân giàu có ở các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, đặc biệt là Kuwait và Ả Rập Saudi - vốn ủng hộ cuộc chiến đấu của tổ chức này chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Người ta cho rằng ISIL đã kiếm được số tiền đáng kể từ các giếng dầu nằm dưới sự kiểm soát của họ ở miền Đông Syria, đồng thời bán lại một số nguồn cung cấp cho chính phủ Syria. Ngoài ra, ISIL được cho là đã thu được món tiền khổng lồ từ việc bán những cổ vật cướp đoạt ở các địa điểm lịch sử.

Giáo sư người Anh Peter Neumann tin rằng trước lúc chiếm TP Mosul ngày 10-6 vừa qua, ISIL có số tiền mặt và tài sản trị giá khoảng 900 triệu USD nhưng sau khi tổ chức này làm chủ thành phố lớn thứ hai ở Iraq, con số đó đã tăng lên khoảng 2 tỉ USD. Con số gây choáng này dựa theo thông tin tình báo chọn lọc được phát hiện từ tài liệu chứa trong các USB trên người một tay giao liên của ISIL đã bị tiêu diệt.

Tổng số tài sản nêu trên bao gồm giá trị các trang thiết bị quân sự ISIL thu giữ được cũng như số tiền mặt khoảng 425 triệu USD mà tổ chức này vơ vét từ các chi nhánh ngân hàng đóng tại Mosul và cả nhiều thỏi vàng.

Nếu như ISIL duy trì được quyền kiểm soát các giếng dầu ở miền Bắc Iraq, tiềm lực tài chính của tổ chức Hồi giáo cực đoan này sẽ còn tăng thêm nữa. Số tài sản tùy ý sử dụng vừa nêu thậm chí còn làm cho ISIL trở nên giàu có hơn nhiều quốc gia nhỏ bé, như Nauru, Tonga hay Quần đảo Marshall.

“Đối với tổ chức này, đây là vận may lớn” - ông Rick Brennan, một sĩ quan quân đội về hưu và là nhà khoa học chính trị cao cấp tại RAND Corporation, tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận, nhận xét.

Ông Brennan nhấn mạnh rằng với số tiền “chiến lợi phẩm” đó, ISIL có thể làm được rất nhiều việc: mua vũ khí, đạn dược, trả lương và tăng lương cho các chiến binh. Nó còn có thể giúp ISIL tự chuyển từ một tổ chức nổi dậy thành một đoàn quân chưa từng thấy.

Trong khi đó, nhà phân tích Brown Moses nhận định với tài sản khổng lồ mà chẳng tổ chức nổi dậy nào khác dám mơ tưởng đến, ISIL sẽ tiến hành được cả một cuộc thánh chiến. Chẳng hạn, chỉ với 425 triệu USD, ISIL có thể trả lương cho 60.000 chiến binh (khoảng 600 USD/người/tháng) trong vòng 1 năm.

Tinh vi, nhạy bén

Có tin đồn rằng ISIL trả lương cho các chiến binh hậu hĩnh, trợ cấp cho gia đình các tay súng đã bỏ mạng (hành động khác thường đối với một tổ chức cực đoan), thưởng nhiều hơn và thường xuyên hơn so với quân đội Iraq, Syria. Đó là thông tin từ GS Austin Long - Khoa Đối ngoại Trường ĐH Columbia, một cố vấn cho quân đội Mỹ ở Iraq.

“Mỗi cuộc chiến tranh đều cần có tài chính. ISIL rất giỏi trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cho cuộc chiến của họ. Họ là những doanh nhân lão luyện. Họ kiếm được nhiều tiền từ việc chiếm giữ các xí nghiệp hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Họ áp dụng những phương cách rất tinh vi để thu thuế từ các xí nghiệp này, lại còn đánh cắp xe hơi và đem bán ở khu tự trị của người Kurd với giá cao” - GS Austin Long cho biết.

Các lực lượng ISIL đã chiếm hữu một số đường ống dẫn dầu và cơ sở xuất khẩu dầu mỏ ở Iraq cũng như Syria. Buôn lậu dầu mỏ là một nguồn lợi tức của tổ chức này. Tuy nhiên, ISIL vẫn không được xem là có khả năng tấn công hoặc chiếm giữ giếng dầu lớn của Iraq vốn được chính phủ nước này bảo vệ ở miền Nam và người Kurd bảo vệ ở miền Bắc.

Theo website Mashable, trong 2 năm nay, ISIL đã trở nên tinh vi hơn nhiều, đồng thời cho công bố những bản báo cáo hằng năm theo phong cách doanh nghiệp. Trong đó, ISIL khoe khoang về những chiến tích nhằm thu hút các nhà tài trợ và cho thấy sự nhạy bén kỳ lạ đối với việc tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội. Trong bản báo cáo năm 2013, ISIL khoe đã thực hiện 9.540 cuộc hành quân, gồm 4.465 vụ đánh bom bên đường, hơn 600 vụ đánh bom xe, 1.083 vụ ám sát và giải thoát hàng trăm tù nhân...

Những con số nêu trên đáng nghi ngờ vì mang sắc thái quảng cáo nhằm thu hút các chiến binh mới và nhà tài trợ nhưng chúng khiến người ta có thể hình dung về các hoạt động của ISIL. Theo website Market Place, tất cả hoạt động quân sự đó đang gây ra những biến động trên các thị trường tài chính khắp thế giới cũng như đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Một tác động về tài chính khác nữa từ bước tiến như vũ bão của ISIL, đó là tổ chức này trở nên giàu có hơn nhiều.

Tài sản vượt xa Taliban, Hezbollah

Tất cả tổ chức cực đoan trên thế giới đều có kinh phí hoạt động nhưng chẳng tổ chức nào có được tài sản khổng lồ như “gã tỉ phú” ISIL.

Theo báo The New York Times, Taliban có ngân sách hoạt động hằng năm dao động trong khoảng 70-400 triệu USD. Tổ chức Hezbollah ở Lebanon hoạt động với khoảng 200-500 triệu USD. Phiến quân FARC ở Colombia hoạt động với nguồn tài chính hằng năm khoảng 80-350 triệu USD. 

Trong khi đó, Al-Shabab ở Somalia chi khoảng 70-100 triệu USD. Còn Al-Qaeda, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, tổ chức khủng bố khét tiếng này từng hoạt động với ngân sách 30 triệu USD vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công ngày 11-9-2001.

Theo Ngô Sinh

huongnt

Người Lao Động

Trở lên trên