MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh khủng hoảng ở Ukraine

13-03-2014 - 18:55 PM | Tài chính quốc tế

Giờ đây, cũng chính phương Tây đang thử thách mối liên hệ giữa Nga và nước láng giềng Ukraine.

Sức hấp dẫn của phương Tây đã giúp tạo nên bước ngoặt trong lịch sử nước Nga kể từ khi Sa hoàng Peter đại đế thực hiện cải cách 300 năm về trước. Giờ đây, cũng chính phương Tây đang thử thách mối liên hệ giữa Nga và nước láng giềng Ukraine. 

Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych của Ukraine đã bị lật đổ sau sự vùng lên của các tỉnh ủng hộ châu Âu. Đáp lại, Nga giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea – nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen (căn cứ hải quân lớn nhất của Nga ở bên ngoài biên giới). Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. 

Bối cảnh

Sự việc bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, khi một nhóm người biểu tình cắm trại ở quảng trường trung tâm thủ đô Kiev để phản đối việc ông Yanukovych từ chối ký kế hiệp định thương mại tự do với EU. Căng thẳng lên đến cao trào khi đụng độ liên tiếp xảy ra trên đường phố trong tháng 2, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng. 

Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu vào cuộc và đi đến một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine do EU làm cơ quan hòa giải. Các chính trị gia cảnh báo khủng hoảng ở Ukraine có thể phát triển thành cuộc nội chiến đầu tiên ở châu Âu kể từ khi Nam Tư tan rã. Tuy nhiên, phe đối lập ở Ukraine đã không tuân thủ thỏa thuận mà họ ký kết hôm 21/2 và đã tiếm quyền.

Sau sự kiện ông Yanukovych bị lật đổ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng ông có nhiệm vụ bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine. Trong khi đó, chính quyền mới của Ukraine khẳng định Nga đã có hành động gây hấn khi đem quân đến Crimea. Tại Crimea, một chính quyền mới được bổ nhiệm đã kêu gọi bỏ phiếu gia nhập Nga vào ngày 16/3 tới. Trước căng thẳng ở Ukraine, Mỹ đã bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận lên Nga trong khi các nhà lãnh đạo thế giới hối thúc ông Putin rút lui. 

Thủ tướng mới của Ukraine nhận định nước này đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và kêu gọi cứu trợ từ IMF. Nước này phải tìm được nguồn vốn thay thế cho khoản cứu trợ 15 tỷ USD mà Nga đã hứa cho Ukraine nhưng đã rút lại vì căng thẳng. 

Mối quan hệ Nga – Ukraine

Mối liên hệ giữa Nga và Ukraine đã có từ thế kỷ thứ 9, khi đa phần Ukraina hiện nay là nơi sinh sống của người Rus'. Họ lập ra nước Rus Kiev và Kiev đã từng là thành phố quan trọng nhất của Nga. 
Ukraine vẫn luôn đấu tranh để tìm ra bản sắc dân tộc và cuối cùng trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn luôn phức tạp.

Ngoài những gì đã diễn ra trong lịch sử, Nga và Ukraine còn gắn kết với nhau bởi một thứ: năng lượng. Các đường ống dẫn khí của Ukraine giúp vận chuyển khí gas tự nhiên của Nga và các thị trường châu Âu, đồng thời Nga cung cấp tới một nửa nhu cầu gas của Ukraine.
Các đường ống dẫn khí ở Ukraine 

Ukraine cũng bị phân chia bởi lịch sử gắn liền với Xô Viết. Đất nước 45 triệu người chia thành những vùng nói tiếng Nga (ở phía Đông) và cộng đồng nói tiếng Ukraine (ở phía Tây, gần với biên giới Ba Lan, Slovakia và Hungary). 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Ukraine là sang thị trường EU trong khi 1/4 khác sang thị trường Nga. 

Tranh cãi

Những người biểu tình muốn Ukraine trở thành một quốc gia châu Âu cho rằng điều này sẽ giúp tăng cường dân chủ, củng cố thể chế và ngăn chặn nguy cơ quay về thời kỳ Liên Xô. Họ đã mất lòng tin vào Yanukovych, người nhìn nhận việc gia nhập Liên minh châu Âu sẽ khiến kinh tế Ukraine lao đao bởi nước này sẽ phải chịu cấm vận từ Nga và khiến những điểm yếu của nền kinh tế bộc lộ trong môi trường mới đầy cạnh tranh.

Giới phân tích đánh giá việc ông Yanukovych mất đi quyền lực là một đòn mạnh giáng vào Nga bởi ông Putin muốn Ukraine gia nhập hiệp ước thương mại với các nước thuộc Liên Xô cũ nhằm cạnh tranh với EU. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên