MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái đắng của NHTW Nhật Bản

15-05-2013 - 08:45 AM | Tài chính quốc tế

Chính sách nới lỏng tiền tệ của NHTW Nhật Bản đã đem lại những tác dụng ngoài ý muốn. So với ngày 4/4, lợi suất trái phiếu đã tăng gần gấp đôi. Đây là mức đáng báo động.

Ngoài đồng yên lao dốc và thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục, các đợt nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ đang được Nhật Bản thực hiện còn có một tác dụng phụ vốn không được các nhà hoạch định chính sách mong đợi: họ đã tạo ra thị trường trái phiếu chính phủ biến động mạnh nhất thế giới.

Phiên hôm qua (14/5), lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm do chính phủ Nhật Bản phát hành (JGB) đã chạm mốc 0,825% - cao nhất kể từ tháng 1. 

Trên thực tế, lợi suất của JGB đã tăng thêm 26 điểm cơ bản kể từ thứ 5 tuần trước (9/5) – khi đồng yên vượt qua mốc 100 yên/USD và thôi thúc nhà đầu tư từ bỏ trái phiếu để đổ tiền vào cổ phiếu. Đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế tích cực hơn cũng là nguyên nhân dẫn đến làn sóng bán tháo JGB. 

Kể từ khi NHTW Nhật Bản (BoJ) công bố chương trình nới lỏng tiền tệ chưa từng có để đạt được mục tiêu lạm phát 2% hồi tháng 4, thị trường trái phiếu Nhật Bản đã được đánh dấu bằng một đặc điểm mới: biến động rất mạnh. 

Nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá liệu đợt nới lỏng tiền tệ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường trái phiếu. Theo Andre de Silva – chuyên gia đến từ HSBC, so với ngày 4/4, lợi suất đã tăng gần gấp đôi. Đây là mức đáng báo động. 

Diễn biến của JGB cũng đã thu hút được sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu. Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Akira Amari đã khẳng định chính phủ và BoJ sẽ cố gắng giảm độ biến động của thị trường trái phiếu. 

Đối với chính phủ, mối lo ngại ở đây là lợi suất trái phiếu tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến phần lãi phải trả cho các khoản nợ. Theo ước tính, nợ của Nhật Bản hiện đang ở mức 245% GDP – cao nhất trên thế giới. 

“Các NHTW không thích biến động và muốn mọi người hiểu rằng họ đang để tâm đến thị trường”, Tim Condon – trưởng bộ phận nghiên cứu tại ING Financial Markets, nhận định. Thị trường trái phiếu sẽ không sụp đổ nhưng chắc chắn lợi suất sẽ tăng lên. 

Trong khi đó, Condon cũng cho rằng lợi suất trái phiếu tăng lên cũng là dấu hiệu tích cực thể hiện nền kinh tế Nhật Bản đang quay trở lại quỹ đạo. “Cuối cùng thì chính sách chống giảm phát sẽ phát huy tác dụng và chúng ta sẽ có một nền kinh tế Nhật Bản khỏe mạnh hơn”.

Thiên Bình

huongnt

CNBC

Trở lên trên