MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trận động đất kinh hoàng qua lời kể của người sống sót

26-04-2015 - 18:06 PM | Tài chính quốc tế

Trận động đất đến với một cú sốc kinh hoàng. Cảnh tượng người dân hoảng loạn và sợ hãi đang bao trùm thủ đô Kathmandu của Nepal, hơn 1.900 người chết.

Câu chuyện của C.K. Lal, một người sống sót trong trận động đất kinh hoàng ngày 25-4 tại Kathmandu, Nepal trên báo Ấn Độ India Times.

Tôi đang ngồi làm việc với máy tính trong phòng. Bỗng nhiên cái bàn rung lắc mạnh vào lúc khoảng 11g55 sáng. Tôi không chắc lắm về thời gian lúc đó, đại khái là vào trước bữa trưa, lúc đó tôi đã thấy đói.

Điện tắt hết, vợ tôi la hét bên ngoài là có một trận động đất. Chúng tôi cùng chui xuống bàn ăn. Những chiếc bình trên bếp bắt đầu rơi xuống tới tấp. Cái lò vi sóng rơi xuống và vỡ tan. Tủ lạnh lắc lên đùng đùng. Một phút đó kéo dài như cả thế kỷ.

Tôi chạy ra nhìn bên ngoài. Thành phố đổ nát như phủ lớp bụi. Tất cả tường nhà hàng xóm tôi đều nứt ra, một số bức tường vỡ tan, các khối bê-tông rơi xuống đường. Mọi người tập hợp lại ở một chỗ trống gần một ngôi đền. Chúng tôi quyết định rằng ở dưới gầm bàn có lẽ là an toàn hơn.

Tôi cố gọi cho cha mẹ vợ tôi. Các mạng đều bận. Trong khi đó, hàng loạt dư chấn xảy ra, tiếng cầu nguyện vang lên khắp đường phố.

Rồi điện thoại của tôi bắt đầu reo. Thật nhẹ nhõm. Những âm thanh thường ngày giờ thật quý giá. Lại các đợt dư chấn nữa. Thùng nước trên nóc nhà của chúng tôi đã bị đứt lìa khỏi đường ống. Không có nước máy. Tôi đi xách về một xô nước để dùng. Tôi đói.

Chúng tôi ăn bánh quy. Ti-vi đã rơi xuống đất và vỡ tan. Tôi thử bật radio. Có một số thông tin nhưng chính quyền vẫn chưa lên tiếng. Tôi kiểm tra trên internet và phát hiện đó là một trận động đất rất lớn: 7,9 độ Richter.

Tôi chạy ra ngoài và cố gắng giúp mọi người ở gần nhà chúng tôi trấn tĩnh lại. Nhưng tôi không thể nói được họ. Một số người đang lục lọi các đống đổ nát bằng tay trần. Khu vực của tôi may mà ít bị ảnh hưởng.

Các cửa tiệm mở lại vào lúc 5 giờ chiều dù vẫn còn những đợt dư chấn. Một số người đếm được 15 đợt cả thảy.

Không hy vọng gì là sẽ có điện lại. Nước rất quý giá. Cả khu dân cư tụ tập lại với nhau. Chúng tôi chia sẻ nỗi sợ hãi và mất mát. Cùng cầu nguyện.

Sundar Sah, một người dân ở vùng động đất sợ hãi nói:  "Có ít nhất ba trận động đất lớn vào ban đêm và sáng sớm 26-4. Mọi người đều sợ hãi và lo lắng. Chúng tôi đã ngủ ngoài đường và hầu như không ngủ được, cứ chợp mắt một chút tôi lại tỉnh dậy và cảm thấy vui mừng khi biết mình vẫn còn sống".

Tường nhà tôi nứt toạc, nhưng căn nhà vẫn đứng vững. Một số người thân và cha mẹ vợ đến ở với chúng tôi. Họ không kiếm đâu ra nước ngọt.

Đã tới lúc kiểm tra gia đình và bạn bè ở những thị trấn khác tại Nepal. Rất khó kết nối, nhưng điện thoại vẫn hoạt động. Tin tức về thiệt hại ở khắp nơi. Nhưng những người thân yêu của chúng tôi đã an toàn.

Đài phát thanh nói tòa tháp chín tầng Dharhara, gần 200 năm tuổi và là biểu tượng của Kathmandu, đã sụp đổ.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục. Chúng tôi cần thức ăn. Cảnh sát vừa thông báo những ai bị thương nặng cần hỗ trợ phải báo ngay với nhà chức trách. Bộ máy của chính phủ đã bắt đầu vào cuộc.

Nhưng đây sẽ là một buổi tối dài đầy hoảng loạn.

Vì sao động đất ở Nepal có sức tàn phá khủng khiếp

Trận động đất ở Nepal gây thiệt hại lớn vì tâm chấn quá gần mặt đất - Ảnh: USToday

Một số nhân tố đã khiến trận động đất có sức hủy diệt rất lớn. Đầu tiên là sức mạnh của nó, 7,8 độ Richter, đây là trận động đất mạnh nhất ở vùng này trong 80 năm qua. Tâm chấn cũng nằm rất gần mặt đất, chỉ cách 11 km.

Điều này gây ra một số hậu quả, báo Anh The Guardian dẫn lời David Rothery, giáo sư về địa chất học hành tinh tại Đại học Mở London, Anh.

“Tâm chấn nằm gần mặt đất khiến mặt đất nứt và rung lắc dữ dội hơn so với những trận động đất có tâm chấn sâu”, ông Rothery giải thích. “Tôi đã nhìn thấy các bức ảnh những tòa nhà cũ kỹ được xây dựng quá sập xệ bị phá hủy tại Kathmandu, và tôi lo ngại lở đất có thể xảy ra ở vùng núi này và cô lập những ngôi làng hẻo lánh”.

Tuy nhiên, phần lớn khu vực trận động đất xảy ra là nền đá cứng, theo Rothery. Điều này giúp giảm bớt độ rung lắc của đất.

Về nguyên nhân cụ thể của động đất, các chuyên gia xác định là do sự dịch chuyển của khối địa tầng Ấn Độ, vốn mỗi năm lại lệch khoảng 5 cm về phía bắc, hướng Trung Á.

Sự dịch chuyển mạnh khối địa tầng này dẫn đến va đập ở các chỗ nứt gãy và làm chấn động vùng núi Himalaya.

Đó cũng là nguyên nhân chính của nhiều trận động đất lớn trong vùng, bao gồm trận năm 1934 ở Bihar, đo được 8,2 độ, hay ở Kangra năm 1905 (7,5 độ) và Kashmir năm 2005 (7,6 độ).

Hai trận động đất các năm 1905 và 2005 gây thiệt hại lớn nhất về người trong lịch sử động đất ở Himalaya, với hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác mất nhà cửa.

Theo Hải Minh

PV

Tuổi Trẻ

Trở lên trên