MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trợ giúp Nga, Trung Quốc thách thức IMF

23-12-2014 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang tiến tới vai trò là người cho vay cuối cùng đối với Nga – quốc gia có hệ thống tài chính đang gặp nhiều rắc rối nhất trên thế giới.

Hôm thứ 7 tuần trước (20/12), các quan chức Trung Quốc thông báo Trung Quốc sẵn sàng mở rộng chương trình hoán đổi tiền tệ trị giá 24 tỷ USD để giúp Nga đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất kể từ khi Nga vỡ nợ năm 1998. 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có động thái tương tự. Kể từ tháng 10, nước này đã cung cấp 2,3 tỷ USD cho Argentina thông qua chương trình hoán đổi tiền tệ. Tháng trước, Trung Quốc cũng cho Venezuela vay 4 tỷ USD để trả nợ.

Giới phân tích nhận định bằng cách cho các nước không thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế vay tiền, Chủ tịch Tập Cận Bình đang củng cố vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế đồng thời khiến vai trò là người cho vay cuối cùng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) bị lu mờ. Trong khi IMF thường yêu cầu các nước phải cải cách nền kinh tế để đổi lấy khoản vay, điều kiện cho vay của Trung Quốc tập trung hơn vào đảm bảo lợi ích của Trung Quốc ở các quốc gia giàu tài nguyên.
 
Theo Morten Bugge, chuyên gia đến từ Global Evolution A/S, những nước này đều có quan hệ “bạn bè” với Trung Quốc. Đảm bảo nguồn năng lượng trong dài hạn có thể là một trong những động lực đằng sau hiện tượng này. 

Đồng ruble đã tăng 4,8%, lên 55,8470 ruble/USD tính đến 3h chiều ngày 22/12 theo giờ New York, sau khi kênh truyền hình Phoenix TV của Hồng Kông dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng cho biết mở rộng chương trình hoán đổi tiền tệ giữa hai nước sẽ giúp ích cho Nga. 

Đồng tiền này đã tăng 10% trong 2 ngày qua, thu hẹp đà bán tháo đã khiến ruble trở thành đồng tiền có diễn biến tồi tệ nhất trên thế giới trong 6 tháng qua. 

Không giống như Ukraine, nơi chính phủ thân phương Tây đã nhận được khoản cứu trợ 17 tỷ USD của IMF, Nga, Argentina và Venezuela không có mối quan hệ tốt đẹp với định chế có trụ sở ở Washington. Với 3.890 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc có đủ khả năng để lấp đầy chỗ trống. 

Hồi tháng 10, Trung Quốc và Nga đã có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ kéo dài 3 năm trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 24 tỷ USD). Theo đó Nga có thể vay nhân dân tệ và cho vay bằng ruble. Mặc dù không thể xóa bỏ hoàn toàn áp lực khiến đồng ruble giảm (do giá dầu và lệnh trừng phạt), chương trình này sẽ gia tăng niềm tin của nhà đầu tư và ngăn dòng vốn tháo chạy. 

Trợ giúp của Trung Quốc cũng giúp Argentina nâng dự trữ ngoại hối lên 30,9 tỷ USD – cao nhất 13 tháng – trong bối cảnh nước này mất khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế vì vỡ nợ.
 
Ở Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro tháng trước đã bổ sung 4 tỷ USD đi vay từ Trung Quốc vào dự trữ ngoại hối sau khi chỉ số này thấp nhất 11 năm. 

NHTW Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 28 ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới, trong đó có Anh và Australia. 2 tháng sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, Trung Quốc ký thỏa thuận khí đốt 400 tỷ USD với Nga. Nhập khẩu dầu từ Nga cũng chạm mốc cao kỷ lục trong tháng 11. 

Kể từ 2007, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 47 tỷ USD, biến Venezuela thành chủ nợ lớn nhất. Venezuela, quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, trả nợ bằng cách chuyển dầu mỏ tới Trung Quốc. 

Trong khi đó hợp đồng với Argentina giúp Trung Quốc củng cố quan hệ với nước sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới. 


Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên