MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trốn thuế siêu như các đại gia “mới nổi”

08-04-2013 - 08:38 AM | Tài chính quốc tế

Đầu tư giả, xuất hóa đơn khống và sandwich Hà Lan.

Quốc gia nào trong nhóm BRIC (Braizl, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) cũng phải đau đầu vì nạn trốn thuế. Có lẽ tầng lớp nhà giàu mới nổi tại các nước này không sẵn sàng chia sẻ của cải với người nghèo cho lắm, dù cho chênh lệch giàu nghèo có ngày càng rộng ra.

Dấu hiệu rõ nhất của nạn trốn thuế ở các nước BRIC là việc phần lớn đầu tư nước ngoài tới từ các thiên đường thuế.

Ít ai ngờ đảo quốc bé xíu British Virgin Islands (BVI) ở biển Caribe lại là nước đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc (không tính vùng lãnh thổ Hong Kong Trung Quốc). Với Ấn Độ là Mauritius, với Nga là đảo Síp và với Brazil là Hà Lan.

Nguyên nhân của dòng chu chuyển vốn kỳ lạ này chính là do các đại gia bản địa chuyển thu nhập ra nước ngoài để né thuế, rồi tìm cách đưa tiền quay về cố quốc dưới dạng “đầu tư nước ngoài”. Cơ chế hoạt động như sau:

Trung Quốc - British Virgin Islands

BVI (GDP 1,1 tỷ USD) đầu tư vào Trung Quốc còn nhiều hơn cả Mỹ (GDP 15,6 nghìn tỷ USD).

Khi các tài phiệt Trung Quốc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hong Kong, họ thường thành lập một công ty đầu tư ở British Virgin Islands để thu tiền bán cổ phiếu.

Tiền sẽ được chuyển về cố quốc dưới dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào một trong các công ty tại Trung Quốc của mình.

Bằng cách đó, giới tài phiệt không phải nộp thuế thu nhập từ đầu tư vốn. Hơn nữa, họ còn hưởng lợi từ chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, thế là một mũi tên trúng hai con chim.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Minh bạch tài chính Quốc tế đóng tại Washington, còn một cách nữa để tạo ra luồng FDI giả, ấy là “xuất hóa đơn khống”.

Khi một nhà xuất khẩu Trung Quốc bán 100 triệu USD hàng hóa sang Mỹ, công ty này chỉ báo giá trị có 50 triệu USD cho cơ quan thuế thôi. Phần chênh nằm lại một công ty đầu tư ở BVI một thời gian rồi “hồi hương” dưới dạng FDI.

Ấn Độ - Mauritius

Nhà giàu Ấn Độ dùng Mauritius làm nơi giấu tài sản để tránh bị đánh thuế trước khi mang về nước dưới dạng FDI “giả”. Đầu tư từ Mauritius vào Ấn Độ cực lớn (xem bảng)

Không phải tiền chảy từ Mauritius sang Ấn Độ đều là tiền trốn thuế của giới đại gia.

Quỹ đầu cơ và các công ty đa quốc gia cũng dùng Mauritius làm ‘bàn đạp’ để đầu tư vào Ấn Độ, nhờ hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước giúp nhà đầu tư tiết kiệm được rất nhiều tiền thuế.

Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, FDI “giả” từ Mauritius làm Ấn Độ thiệt hại 600 triệu USD mỗi năm.

Nga - Síp

Giờ thì cả thế giới đều biết Síp là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga (dù có lẽ chẳng được bao lâu nữa, nếu các rào cản về vốn được dựng lên).

Tương tự như trò chơi của các tài phiệt Trung Quốc với British Virgin Islands, các nhà xuất khẩu Nga cũng dùng các công ty đầu tư ở Síp để thu lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài.

Thay vì phải trích ra mà nộp thuế, số tiền trên nằm im trong két ở Síp một thời gian rồi “hồi hương” dưới dạng FDI, không phải nộp xu thuế nào.

Brazil - Hà Lan

Thiên đường thuế lớn nhất thế giới Hà Lan đồng thời cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Brazil.

Có lẽ hầu hết số tiền trên là từ các công ty đa quốc gia muốn thông qua một công ty Hà Lan để thành lập doanh nghiệp ở Brazil. Nhờ có công ty này mà họ chỉ phải đóng thuế rất thấp cho Brazil.

Sử dụng một cơ cấu như thế có rất nhiều điểm lợi về thuế. Ví dụ như công ty tại Hà Lan sẽ không phải nộp thuế cổ tức thu được từ khoản đầu tư ở Brazil.

Trong giới kế toán, cơ cấu này còn có tên gọi là “Bánh sandwich Hà Lan”.

Nhà giàu Brazil không dám dùng cơ cấu FDI “giả” như ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Nga. Nguyên do họ sợ thuế vụ Brazil. Đây là cơ quan điều tra trốn thuế hàng đầu thế giới, nên đùa với lửa bằng những cách thức trốn thuế giản đơn chẳng phải chuyện khôn ngoan gì.

Trong thập kỷ qua, tham nhũng và trốn thuế khiến các nước đang phát triển tổn thất khoảng 6 nghìn tỷ USD.

Minh Tuấn

tuannm

BI

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên