MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc 2010 và Nhật Bản 1968

22-08-2010 - 10:33 AM | Tài chính quốc tế

Cả hai nước cùng đợi ngày lật đổ ngai vàng của người Mỹ. Nhật Bản đã thất bại. Liệu Trung Quốc có thể thành công?

Dù có tính theo đồng đôla, Trung Quốc nay cũng đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trừ khi có tai họa nào ập đến, họ sẽ giữ vững vị trí đó cho đến khi đoạt ngôi số một của Hoa Kỳ.

So sánh theo đồng đôla cũng có phần hơi tùy tiện vì nó không những chịu tác động của hoạt động kinh tế mà còn cả biến động tỷ giá nữa.

Họ cũng không tính tới chuyện mua một ngôi nhà, một bữa ăn hay một buổi mát xa chân ở Bắc Kinh rẻ hơn nhiều so với Tokyo. Tính theo sức mua tương đương, kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản từ gần một thập kỷ trước.

Sự nổi lên của Trung Quốc thực sự đã tạo lập nên một trật tự mới. Lần đầu tiên kể từ năm 1968 khi Nhật Bản vượt Tây Đức trở thành nền kinh tế tư bản lớn thứ hai mới lại có một quốc gia thách thức ngai vàng của nước Mỹ.

Có những điểm tương đồng giữa Nhật Bản 1968 và Trung Quốc 2010.

Khi ấy, thành tựu của nước Nhật đã phá tan tư duy phân biệt chủng tộc còn rơi rớt lại rằng không phải người da trắng thì không đủ khả năng hiện đại hóa.

Năm 1958, nhà kinh tế học có tư tưởng tự do John Kenneth Galbraith mở đầu cuốn “The Affluent Society” (Xã hội giàu có) với định nghĩa các nước giàu là các nước “ở một góc tương đối nhỏ của thế giới nơi có người Âu sinh sống”.

Với nhiều người Châu Á, sự nổi lên của Trung Quốc là biểu trưng cho sự trở lại của toàn khu vực.

Trung Quốc, với hệ thống văn tự cổ và nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 18 trên 20 thế kỷ của mình, chỉ đơn giản là đưa mọi chuyện trở về trạng thái “tự nhiên” mà thôi.

Cũng giống Trung Quốc ngày nay, Nhật Bản của năm 1968 vừa mới có một năm tăng trưởng tới 12%, và họ cũng theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá.

Đó cũng là năm chính phủ Nhật Bản thừa nhận thảm kịch ở Minamata. Công ty Chisso đã thải chì ra vịnh biển này hàng chục năm và gây tác hại khủng khiếp tới sức khỏe con người.

Mãi cho đến “Nghị viện ô nhiễm” năm 1970, một chương trình dọn dẹp triệt để mới được thông qua và Tokyo mới bắt đầu đề cập tới việc mình đã hủy hoại môi trường thế nào.

Nhưng đến nay, hàng trăm ngàn người Trung Quốc mất sớm vì bệnh hô hấp, các con sông tiếp tục bị đầu độc còn thức ăn bị pha tạp đủ các chất độc hại.

Tiền tệ là một điểm tương đồng nữa. Đồng Yên khi ấy cũng như NDT bây giờ đều bị coi là dưới giá trị. Tỷ giá đã được cố định ở mức 360JPY/USD kể từ sau chiến tranh.

Năm 1985, khi Bộ trưởng Tài chính của 5 nước đồng thuận phá giá đồng đôla theo Hiệp định Plaza đồng Yên mới tăng từ trung bình 240 lên 128 JPY/USD.

Nếu NDT cũng tăng tương tự, nền kinh tế Trung Quốc vốn hiện chỉ bằng 1/3 Hoa Kỳ sẽ san bằng khoảng cách chỉ sau một đêm.

Dù vậy điều thú vị lại là sự khác nhau giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Cho đến năm 1968, Nhật Bản đã có nhiều công ty tầm cỡ thế giới hơn cả Trung Quốc ngày nay. Họ cũng đang trên đà trở thành một nước giàu.

Ngày nay, mức thu nhập trên đầu người danh nghĩa 3867 đôla của Trung Quốc chỉ gần bằng El Salvador.

Lần đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại, một quốc gia tương đối nghèo lại có tầm ảnh hưởng to lớn tới toàn cầu và thể hiện sức mạnh ấy thông qua việc đầu tư vào Châu Phi vào bỏ phiếu tại các hội nghị biến đổi khí hậu.

Đôi khi Trung Quốc thấy thoải mái khi náu mình dưới danh nghĩa “nước nghèo”. Nhưng họ hung hăng hơn Nhật Bản nhiều. Sự nổi lên kỳ diệu của người Nhật còn kỳ lạ ở chỗ nó không kéo theo tầm ảnh hưởng về mặt ngoại giao.

Trung Quốc không rụt rè như thế.

Một quân đội đang hiện đại hóa nhanh chóng, một mạng lưới mậu dịch và kênh đầu tư cùng tinh thần dân tộc vị kỷ, bất kể ở biển Đông Việt Nam hay ở Sudan, khiến họ khác hẳn với một Nhật Bản vẫn náu mình dưới chiếc ô của người Mỹ.

Hai nước cũng mở rộng “quyền lực mềm” của mình theo những cách khác nhau.

Hệ thống chính quyền của Trung Quốc ít có điểm hấp dẫn đối với các nước tiên tiến dù với các nước nghèo vốn chỉ ưu tiên hiện đại hóa, đây cũng là một mô hình cho họ học tập.

Ngược lại, có nhiều người từng một thời rất nghiêm túc khi cho rằng Nhật Bản là một mô hình tư bản chủ nghĩa vượt trội.

Dù vậy, Trung Quốc lại có nhiều khả năng tạo lập ảnh hưởng trên toàn cầu hơn. Có lẽ Martin Jacques đã nói quá trong cuốn sách “When China Rules the World” (Khi Trung Quốc thống trị thế giới) khi nhấn mạnh tới tâm lý tự cao về mặt văn hóa của nước này.

Nhưng ít nhất lời quả quyết của ông cũng có phần đúng khi cho rằng rút cục sự nổi lên của Trung Quốc sẽ tái định hình lại bộ mặt của thế giới.

Điểm khác biệt quan trọng nhất lại là điểm dễ nhận thấy nhất. Dân số 1,34 tỷ người của Trung Quốc lớn gấp 10 lần dân só Nhật Bản.

Để kiếm đủ đầu vào cho công nghiệp, để theo kịp mức sống ở Mỹ hay để xuất khẩu mà không gây tác động lớn tới các nguồn nguyên nhiên liệu, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn gấp 10 lần.

Minh Tuấn
Theo FT

ngocdiep

Trở lên trên