MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc bành trướng ra thế giới (Phần 1)

25-11-2010 - 16:14 PM | Tài chính quốc tế

Vào thập kỷ trước, Trung Quốc thúc đẩy các công ty của họ mở rộng với khẩu hiệu "tiến ra bên ngoài". Đến nay điều đó đang thực sự diễn ra.

Vài năm trước, hai giám đốc của một công ty dầu mỏ quốc tế làm việc muộn tại một văn phòng vắng vẻ tại Anh. Và rồi một phụ nữ Trung Quốc trẻ đẹp xuất hiện tại khu lễ tân.

Một người kể lại: "Cô ấy mặc đồ Gucci, trông quyến rũ lắm". Cô trao một bức thư từ Sinopec, một trong những tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, đề suất mua lại công ty dầu mỏ đó với giá hàng tỷ đô la.

Vị giám đốc đó nói thêm có phần tiếc nuối rằng sau đó cô ta đi ngay trên 1 chiếc xe mang biển địa phương (Anh) và không còn gặp lại nữa.

Không lâu sau đó, công ty của ông đã bị một công ty Trung Quốc khác mua lại. Kể từ đó, các công ty Trung Quốc tiếp cận các ông chủ phương Tây tại các hội thảo ở Toronto và Cape Town hay trong các cuộc đi dạo tại Scandinavi.

Các công ty khắp châu Âu cố gắng thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Giới ngân hàng khắp thế giới thì đưa ra các công ty phương Tây sáng giá cho những hãng lớn của Trung Quốc mua lại.

Trong năm nay, 1/10 giá trị các thương vụ M&A quốc tế thuộc về các công ty tại Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm cả các khoản đầu tư vào dầu mỏ và các vụ mua lại lớn trong ngành công nghiệp, ví dụ như Geely mua lại hãng ô tô Volvo của Thụy Điển.

Vào thập kỷ trước, Trung Quốc thúc đẩy các công ty của họ mở rộng với khẩu hiệu "tiến ra bên ngoài". Đến nay điều đó đang thực sự diễn ra.

Những đợt mua sắm đầu tiên

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc thì ngày càng có nhiều thương vụ như vậy là điều đương nhiên. Tỷ lệ FDI của một nước đối với toàn thế giới, bao gồm các vụ mua lại doanh nghiệp và đầu tư mới của các công ty, thường sẽ phản ánh tiềm lực kinh tế của một quốc gia.

Năm 1914, Anh chiếm 45% FDI thế giới. Năm 1967, tỷ lệ đó của Hoa Kỳ chạm đỉnh ở mức 50%. Hiện nay tỷ lệ này của Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Macao) chỉ ở mức 6%.

Các công ty Trung Quốc đã niêm yết phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước và chúng nằm trong số những công ty lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 1/10 giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng hầu hết vẫn là những công ty thiên về nội địa.

Mức tiết kiệm cao của Trung Quốc sẽ càng thúc đẩy các vụ mua lại. Các công ty dư thừa tiền mặt còn ngân hàng dư thừa tiền gửi.

Hiện nay các khoản tiết kiệm này đang được tái chu chuyển sang các nước giàu qua các quỹ tài sản quốc gia (SWF) và ngân hàng trung ương bằng cách mua chủ yếu là trái phiếu như những nhà đầu tư gián tiếp.

Nhưng Trung Quốc có thể và có lẽ nên đa dạng hóa. Sự chuyển dịch đó sẽ được thúc đẩy bởi các mục đích chính trị của Trung Quốc: có được các đầu vào như nguyên liệu thô, lao động và đất đai; tăng cường chuyên môn kĩ thuật và thương mại; và xâm nhập vào các thị trường nước ngoài.

Thông báo chính thức về những thương vụ như vậy có gì đó thật khiên cưỡng. Các giám đốc người Trung Quốc vụng về khẳng định họ chỉ có mục đích thương mại. Các ông chủ phương Tây thì kêu gọi một kỷ nguyên mới của sự hợp tác.

Tuy nhiên những giao dịch này sẽ phần nào gặp khó khăn bởi sự khác biệt về văn hóa và phần nào bởi vai trò của nhà nước Trung Quốc. Đã có những thất bại xảy ra.

Vào năm 2005, Hãng dầu mỏ Trung Quốc CNOOC đã rút lại lời chào mua Công ty dầu mỏ Unocal tại California, sau khi có can thiệp từ giới chính trị Hoa Kỳ.

Năm 2009, Công ty khai khoáng Anh-Úc Rio Tinto đã rút khỏi một thương vụ bán cổ phần thiểu số cho Công ty kim loại Trung Quốc Chinalco. Những cổ đông của Rio đã phản đối vụ mua bán này và nhiều người cho rằng chính phủ Australia cũng vậy.

The Economist đã phỏng vấn một số giám đốc giấu tên của 11 công ty phương Tây mà đã bán cổ phần hay bán hẳn công ty cho các hãng Trung Quốc hoặc đã đàm phán (bàn bạc) để làm như vậy.

10 vụ trong số đó có trị giá hơn 1 tỷ đô la. Những điều mà họ nói sẽ cung cấp một cái nhìn thấu đáo về khả năng bành trướng ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc và những việc làm thiếu minh bạch của các công ty nhà nước.

Ấn tượng mà họ tạo ra là một sự pha trộn giữa lo ngại về tham vọng và chuyên môn kỹ thuật của Trung Quốc cùng với đánh giá chuẩn xác về khả năng điều hành các hoạt động kinh doanh quốc tế của các công ty Trung Quốc.

Quá trình đàm phán thường có 2 giai đoạn: giai đoạn marathon tại văn phòng của một ngân hàng đầu tư, thường là ở London, và giai đoạn sau là các chuyến thăm Trung Quốc đại lục hay Hồng Kông của giám đốc các hãng được mua lại.

Tại đó, họ sẽ được trông chờ đưa ra những bài thuyết trình tuyệt vời cho nhiều người nghe, dự tiệc chiêu đãi và nói chuyện thân mật, thường là ở những khách sạn mà do bên mua Trung Quốc làm chủ.

Hầu hết các vị khách đều ấn tượng với sự khéo léo của các công ty Trung Quốc. Cả 2 bên đều cố gắng để thiết lập mối quan hệ. Một GĐ người Anh nói rằng: "Cảm xúc và sự tin tưởng là rất quan trọng" bởi quyền lực trong các công ty Trung Quốc là rất độc đoán và không rõ ràng.

Các nhà đàm phán Trung Quốc thường dùng rượu để phá bỏ rào cản giữa 2 bên và cố gắng chiếm được lợi thế. Một GĐ người châu Âu cho đây là một chiến thuật phổ biến khi kể lại về những ngày say khướt ở một khách sạn khi bàn bạc về các điều khoản phụ trong hợp đồng. "Họ sẽ cho người cố chuốc bạn say… Tôi chắc họ sẽ gọi cả “các em” đến."

Hầu hết giám đốc các công ty mà Trung Quốc muốn mua lại đều cần một người phiên dịch. Đó là điều bạn nên lo lắng. Chủ tịch một công ty khai khoáng nói rằng ông ta đã thích cô phiên dịch viên của mình nhưng lại đùa rằng: "Cô ta rõ ràng là nội gián".

Hầu hết các giám đốc nói rằng họ tin tưởng chủ nhà. Nhưng không phải là tất cả. Một giám đốc người châu Âu nói rằng: "Họ biết mọi thứ về tôi" và "có 52 lượt truy cập vào máy tính nhà tôi từ Trung Quốc".

Một giám đốc khác đàm phán một thương vụ gây tranh cãi về tài nguyên thiên nhiên thì cảm thấy bầu không khí thật ngột ngạt. "Bạn phải tháo pin khỏi điện thoại di động bởi các căn phòng đều được cho là bị nghe trộm"

Cơ cấu quyền lực trong các công ty Trung Quốc khá bí ẩn đối với người ngoài, kể cả số ít những người phương Tây trong HĐQT của những công ty lớn do nhà nước hậu thuẫn.

Một giả thuyết phổ biến là các công ty này bị điều khiển bởi một thể chế song song của các cơ quan Đảng. Bí thư Đảng ủy trong một công ty không nhất thiết phải là Tổng giám đốc.

Mặc dù một giám đốc phương Tây nói rằng sự khác biệt này là rất rõ rệt ("Có những người trong đảng và những người làm một số chuyện khác"), hầu hết mọi giám đốc khác đều bị choáng ngợp trước số người mà họ gặp tại Trung Quốc.

Ông ta kể lại rằng một lần ông đến London 1 mình còn phía đối tác Trung Quốc thì có tới 30-40 người. "Tôi thật sự bị shock", ông cười nói.

Các cuộc họp tại Trung Quốc có thể có rất nhiều người tham dự, và mọi người thì ra vào liên tục. Một nhóm người chính đặt ra một số câu hỏi hay nhưng nhiều vị khách cho rằng họ thiếu quyền lực hoặc động lực để ra quyết định.

Hoàng Sơn
Theo Economist


ngocdiep

Trở lên trên