MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc bành trướng ra thế giới (Phần 2)

26-11-2010 - 10:26 AM | Tài chính quốc tế

Các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc (hiện đã mở rộng ra nước ngoài) thường được mô tả như là những nhà cấp vốn bừa bãi cho sự bành trướng ra nước ngoài của Trung Quốc.

Buông rèm nhiếp chính

Sự mù mờ về quyền lực cũng được thể hiện bởi vai trò của những người đứng đầu trên danh nghĩa tại các công ty Trung Quốc. Có giám đốc thì thấy rằng đối tác của ông ta là một người rất quyền lực, bao quanh bởi các kẻ bợ đỡ.

"Bạn có thể cảm thấy sự tôn kính đối với người này. Khi ông ta nói không hề có bất kỳ ai xen vào". Tuy nhiên hầu hết những vị khách đến Trung Quốc đều nói về những người "bù nhìn", ví dụ như ở Sinopec:

"Có 2 chiếc ghế ở giữa cho bạn và ông ta ngồi .. Bạn nói những điều đã được chuẩn bị từ trước và rồi mọi người vỗ tay .. Các cô gái phục vụ trà .. Người cấp cao nhất không đàm phán. Ông ta chỉ chúc cho thương vụ may mắn."

Một giám đốc khác thì lại nói rằng chủ tịch của Huawei, một hãng thiết bị viễn thông, là một "quý ông tuyệt vời", người mà "chỉ biết dựa vào trợ lí của mình đề biết về các thông tin". Một ông chủ trong ngành tài nguyên thiên nhiên thì cho rằng chủ tịch của Minmetals, một hãng khai khoáng lớn của Trung Quốc, chỉ ở đó để "giữ nghi lễ".

Vậy thì ai mới là người đưa ra các quyết định? Một trợ lí sống ngoài Trung Quốc có thể là người đứng đầu cuộc hội đàm với các giám đốc cấp cao của phía đối tác.

Một GĐ phương Tây nói rằng Chinalco đã sử dụng một người khéo ứng xử có khả năng nói song ngữ tầm tuổi 40 trong vài ngày: và anh ta quả là "rất, rất giỏi". Nhưng tất cả các giám đốc được phỏng vấn (chỉ trừ một người) đều nghĩ rằng nhà nước nắm quyền kiểm soát tối cao.

Một giám đốc nói rằng "Bạn có thể cảm thấy được điều đó. Ở Trung Quốc bạn đang đàm phán với chính phủ, ở Ấn Độ bạn mới đàm phán với các công ty."

Tuy nhiên chính phủ không phải là một thể chế có thể lường trước được. Thông thường sẽ có vài hãng Trung Quốc cùng nhắm tới một mục tiêu.

Họ cạnh tranh để giành được sự hữu hảo của công ty phương Tây và trở thành "nhà thầu ưa thích" đối với các quan chức chính phủ nước nhà. Quá trình này có thể rất hỗn loạn.

Chủ tịch một công ty nói rằng ông ta đã đàm phán hàng tháng trời với một hãng khai mỏ Trung Quốc, bao gồm cả các chuyến thăm thực địa với hàng trăm nhân viên bên họ nhưng rồi thương vụ thất bại vì thiếu sự đồng thuận chính trị.

Cũng như vậy, các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc (hiện đã mở rộng ra nước ngoài) thường được mô tả như là những nhà cấp vốn bừa bãi cho sự bành trướng ra nước ngoài của Trung Quốc.

Tuy nhiên ông chủ tịch trên nhớ lại về chuyến đi Cuba để gặp một giám đốc cấp cao của ngân hàng China Development Bank (cha người này dường như có mối quan hệ với gia đình Fidel Castro) và nhận được một thông điệp rõ ràng rằng thương vụ đang được cân nhắc.

Một giám đốc khác nói trong thương vụ với ZTE, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông, ngân hàng nhà nước phải vật lộn mới được chính thức phê chuẩn. Ông ta nói các lãnh đạo ZTE đã phải có một vài “tác động” lên chính phủ trung ương.

Khi mà "nhà thầu ưa thích" đã được chọn thì có thể sẽ có thừa nguồn tín dụng rẻ. Một người liên quan tới thương vụ Rio nhớ lại cuộc họp với một ngân hàng ở Trung Quốc và đã bị choáng bởi sự bừa bãi của họ. "Họ nói rằng 'Phía các vị cần bao nhiêu tiền: 10 tỷ $ hay 20 tỷ $?'. Thật là không thể tin nổi."

Các nhà đàm phán của công ty được chọn thường có một vài quyền hạn để thay đổi các điều khoản của thỏa thuận nhưng các quyết định quan trọng phải chuyển tới Bắc Kinh.

Giám đốc một công ty được mua lại nói rằng trong buổi đấu giá một công ty dầu mỏ phương Tây, một tập đoàn nhà nước về năng lượng của Trung Quốc "đã phải hỏi ý kiến cấp bộ để đặt giá thầu".

Dù vậy tại những thời điểm quan trọng thì hệ thống phân cấp phiền phức này có thể lại mang tính quyết định.

Giám đốc một công ty dầu mỏ điều hành phiên đấu giá công ty của mình và 2 ứng viên còn lại là một công ty Ấn Độ và một công ty Trung Quốc (cả 2 đều là công ty nhà nước).

Ông kể lại rằng bên Ấn Độ "không có khái niệm về thứ trọng yếu" và bị vướng vào các tiểu tiết. Và cuối cùng họ đã đưa lại dự thảo hợp đồng với rất nhiều chỗ sửa đổi. Còn bên Trung Quốc thì không hề có bất cứ thay đổi nào và đã thắng thầu.

Mặc dù để tổ chức một cuộc đấu giá quốc tế thì một công ty Trung Quốc phải thông qua rất nhiều thủ tục nhưng khi thành công thì những ưu thế được hưởng là rất lớn.

Công ty sẽ được tiếp cận với nguồn tài chính giá rẻ và có thể không cần quan tâm tới giá cổ phiếu của họ nữa bởi cổ đông chính của họ là chính phủ. Các chính trị gia cũng có thể làm cho mọi thứ thuận lợi hơn nhiều.

PetroKazakhstan, một công ty Canada có các tài sản tại Trung Á, là mục tiêu của một công ty Nga. Vụ mua lại PetroKazakhstan của hãng CNPC (Trung Quốc) suôn sẻ là nhờ có chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Astana, thủ đô của Kazakhstan.

Hệ thống nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc cũng có những điểm bất lợi. Một trong số đó là các chính phủ nước ngoài đang ngày càng thận trọng về những vụ mua lại của các công ty Trung Quốc.

Trong đó có Canada và Úc, từng là 2 thị trường cởi mở nhất trên thế giới trong việc kiểm soát doanh nghiệp. Một điểm bất lợi khác khó thấy hơn: đó là phương thức ra quyết định có thể dẫn tới việc các công ty Trung Quốc trả giá quá cao và sẽ phải vật lộn để hợp nhất với công ty mà họ mua.

Một vài giám đốc cảm thấy rằng những người mua Trung Quốc mặc cả rất khôn ngoan. Một người đã từng bán 4 công ty khai khoáng nói rằng những người mua Trung Quốc chẳng thua kém gì phương Tây.

Những người khác không ca tụng đến vậy. Để đạt được mục đích của việc thực hiện thương vụ mua lại thì một công ty Trung Quốc phải xây dựng được một đầu tầu khổng lồ.

Một vài người cho rằng những công ty TQ phải vật lộn để kiềm chế những ngân hàng đầu tư của họ. Một CEO châu Âu nói rằng "Họ đã không còn kiểm soát được tình hình". Trong tương lai, "tôi mong họ sẽ đàm phán tốt hơn vì chính lợi ích của họ"

Các hãng Trung Quốc cũng có nguy cơ đối mặt với các hậu quả về chính trị nếu họ thất bại. Một giám đốc châu Âu, dựa vào kinh nghiệm đã bán công ty của mình, nói rằng ý thức về sứ mệnh khiến họ trở nên "rất rõ ràng".

"Họ không thể chấp nhận việc mất hợp đồng". Một vị giám đốc châu Âu khác nói rằng đối tác Trung Quốc (bên mua) của họ phải vật lộn với thị trường chứng khoán phương Tây.

Nguyên tắc công bố thông tin ở đây là các sai lầm sẽ được đưa ra công khai và những tổ chức đầu tư khác nhau thì rất khó đoán trước.

Vì vậy mà những người mua Trung Quốc quan tâm hơn đến các công ty có một cổ đông lớn mà họ có thể đàm phán song phương. Dù vậy thì mua lại những công ty như thế này sẽ tốn kém hơn bởi họ đòi giá cao hơn.

Mức giá mà Trung Quốc chi trả thường được xem là không quan trọng: Vài tỷ đô la thì có ý nghĩa gì trong cả một kế hoạch lớn?

Nhưng thậm chí với cả các nước giàu có thì việc trả giá quá cao cho những tài sản nước ngoài một cách hệ thống là một ý tưởng tồi. Điển hình là các công ty Nhật Bản đã phải giảm bớt chi tiêu sau thời kỳ phung phí quá độ vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90.

Anh yêu em, mà em tên gì ấy nhỉ?

Hợp nhất sau mua lại cũng quan trọng như mức giá chi trả. Ngay khi thương vụ hoàn thành có thể sẽ có lễ ký kết hợp đồng tại quốc gia của công ty được mua lại và sau đó là một bữa tiệc lớn tại Trung Quốc với khách tham dự là những quan chức trong ngân hàng trung ương và các bộ trưởng.

Uống nhiều rượu mạnh là điều khó tránh. Một người "sống sót" nói rằng "Bạn sẽ rời bữa tiệc trong tình trạng say xỉn hoàn toàn".

Các lãnh đạo của công ty được mua lại có thể được đề nghị ở lại công ty và tiếp tục nhận lương nhưng phần lớn chỉ có vai trò tượng trưng.

Những người tham gia phỏng vấn mà đã từng chứng kiến nỗ lực sát nhập của các công ty Trung Quốc hầu hết cho rằng họ khởi đầu khá tốt. Một người nói rằng "Họ đã nghiên cứu kỹ từ trước".

Người khác thì cho rằng lúc đầu sự tiếp cận của họ là "rất khôn khéo". Ông ta nói rằng: thông điệp của bên bán về việc giữ lại toàn bộ nhân viên công ty là "rất đơn giản và dễ hiểu". Thông thường công ty được mua lại sẽ giữ lại một số sự độc lập về tên riêng và địa vị pháp lý.

Chỉ duy nhất một giám đốc tại một hãng ở Bắc Mỹ cảm thấy rằng sự hứa hẹn ban đầu này là giả dối: phía Trung Quốc tiếp quản "ngay ngày mà tôi rời khỏi công ty … Các vị trí chủ chốt đều được thay thế ngay lập tức."

Một vị đồng nghiệp (giám đốc) khác lại phản đối và cho rằng phía Trung Quốc chỉ nắm lấy quyền kiểm soát công ty.

Dù vậy theo thời gian thì kế hoạch kinh doanh cũng thay đổi. Những công ty về tài nguyên thiên nhiên sẽ trở thành nhà cung cấp bất đắc dĩ của Trung Quốc, chứ không bán ra ngoài thị trường.

Giám đốc một công ty khai thác mỏ tại Mỹ Latinh nhớ lại về một cuộc tranh cãi lớn giữa 2 nhóm địa chất mà sau đó được giải quyết khi mà phương Tây nhận ra rằng mục tiêu mới của họ là tối đa hóa sản lượng chứ không phải lợi nhuận.

Trong dài hạn thì bản chất của các tập đoàn Trung Quốc - đó là ý thức về nhiệm vụ, sự nhất trí, danh dự và sự không rõ ràng - có thể tạo ra rất nhiều khó khăn.

Đó là do thiếu các nhà quản lý có khả năng nói tiếng Anh và quen làm việc bên ngoài Trung Quốc. Kiến trúc sư của một thương vụ đổ vỡ nói rằng "Có thể sẽ có một số cơ hội lớn - và một số vấn đề lớn"

Giám đốc cũ của một công ty châu Âu (mà nay do một "người khổng lồ" Trung Quốc làm chủ) nói rằng ông ta thích các đồng nghiệp mới nhưng thêm vào rằng việc ít thảo luận cùng nhau có thể dẫn tới xích mích.

"Không ai phản đối những gì mà cấp trên trực tiếp của họ nói, không bao giờ .. Quyết định được ra ở một nơi khác." Các kỹ sư của công ty cũng trở nên "nản chí" khi mà các kế hoạch đều được gửi tới Trung Quốc để sửa đổi.

Rất khó để các công ty Trung Quốc điều hành các công ty nước ngoài, ông ta nói rằng: "Đây là một xã hội rất phân tầng."

Một thành viên lâu năm trong công ty đùa về "hiệu ứng Bắc Kinh" và nói rằng "tôi đã bán công ty cho họ và làm việc cho họ trong 1 năm nhưng tôi thật sự không hiểu cách thức mà họ làm việc"

Ông ta cho biết thêm: "Hầu như tất cả các quản lý cấp cao đã rời công ty và nhân viên cấp dưới thì đang tìm kiếm việc làm mới"

Không phải trường hợp nào cũng thế, nhưng đây cũng không phải chuyện cá biệt. Lãnh đạo cũ của một công ty châu Âu được mua lại nói về kế hoạch sát nhập: "Trên giấy tờ thì kế hoạch khá ổn nhưng nó lại thất bại hoàn toàn."

Phải mất hàng tháng trời để đưa ra các quyết định "về cả những thứ đơn giản nhất". Ông ta nói rằng "hầu như những nhân vật chủ chốt đều rời công ty" và "không còn công ty nào" tại trụ sở cả, chỉ còn cái vỏ bên ngoài.

Màu sắc Trung Quốc

Liệu những điều ở trên có vấn đề gì không? Dù gì thì các vụ mua lại của những người mua phương Tây cũng có thể trắc trở như vậy vả lại bên mua có quyền được làm những gì họ muốn.

Một vài vị lãnh đạo của các công ty khai khoáng và dầu mỏ cũng cho rằng một chu trình ổn định đang diễn ra, trong đó Trung Quốc mua lại các công ty còn nguồn vốn và nhân lực bị giải tỏa thì được chu chuyển tới các công ty mới xây dựng.

Tuy nhiên từ quan điểm của các hãng Trung Quốc thì việc không giữ chân được đội ngũ nhân viên cũ là một vấn đề lớn. Sự thông thạo về chuyên môn và địa phương chiếm một phần không nhỏ trong giá trị của một công ty.

Và bởi Trung Quốc đang dần đi xa hơn là đào bới các thứ từ trong lòng đất để tiến vào các ngành công nghiệp tiêu dùng phức tạp hơn, chưa kể các ngành sáng tạo, thì họ cần phải có sự quản lý tốt hơn.

Trong vấn đề này thì các công ty từ những thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil, lại có lợi thế hơn nhờ sự năng động của khu vực tư nhân và nền văn hóa đa dạng hơn. Những tập đoàn đa quốc gia lâu năm nhất như Nestlé và Unilever, thường vượt ra ngoài sự kiểm soát của một quốc gia.

Có ý kiến bi quan cho rằng Trung Quốc sẽ phải tìm những cách khác để "tiến ra bên ngoài". Họ có thể đầu tư gián tiếp vào các tài sản thông qua Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corporation).

GĐ từ hai công ty xác nhận rằng đại diện của họ phải ngồi ghế sau (không có vị trí quan trọng) trong các phiên họp HĐQT. Liên doanh là một sự lựa chọn khác.

Lãnh đạo một công ty dầu mỏ có đối tác Trung Quốc nói rằng "động cơ của họ không phải là để nắm quyền kiểm soát" và mối quan hệ này là hài hòa.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có thể tăng trưởng mà không cần mua lại các công ty khác.

Trước khi có làn sóng mua bán công ty xuyên biên giới vào những năm 80, thì hầu hết các hãng đều hội nhập toàn cầu bằng cách xây dựng các hoạt động kinh doanh từ con số 0. Các công ty Trung Quốc cũng đang ngày càng khá hơn trong lĩnh vực này.

Một trong số đó là COSCO, công ty đã được nhượng quyền để điều hành một phần việc tại cảng lớn nhất của Hy Lạp. Các công ty xây dựng TQ đã giành được rất nhiều hợp đồng tại châu Phi và Đông Âu. Công ty Huawei đã được phát triển lên mà không cần mua lại một công ty lớn nào.

Vì thế mà thật khó để tin rằng các công ty và các chính trị gia của Trung Quốc muốn hoạt động kinh doanh phải chịu bó buộc.

Và mặc dù rất nhiều hãng lớn của nước này có thể không bao giờ giống được với các công ty lớn ở phương Tây về số cổ đông tư nhân đông đảo và độc lập với chính phủ, nhưng họ có thể sẽ phải dần tiến tới mô hình tương tự để có thể thành công với các thương vụ lớn xuyên quốc gia.

Một quan chức cấp cao của Trung Quốc trong bài phát biểu tháng này đã nhấn mạnh vài trò của các hãng "tư nhân" Trung Quốc (những công ty này thường có ít các chỉ đạo công khai từ nhà nước).

Để giải quyết những thắc mắc của các nước khác về sự kiểm soát chính trị, Trung Quốc có thể sẽ phải nới lỏng sự kiểm soát đối với các tập đoàn nhà nước khổng lồ và bảo đảm rằng kết cấu quyền lực của họ sẽ minh bạch, rõ ràng hơn.

Hầu hết các giám đốc mà The Economist đã phỏng vấn đều cảm thấy rằng thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc, hiện đang trong tầm tuổi 30 tới 40, với nhiều kinh nghiệm và kiến thức quốc tế hơn, sẽ tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với đội ngũ điều hành hiện tại.

Trong vòng hai thập kỷ qua, "thế hệ cũ" đã biến một nền tảng công nghiệp cũ nát thành những công ty khổng lồ tỏa sáng.

Tuy nhiên nếu những công ty này muốn phát huy hết tiềm năng tại nước ngoài thì những người sáng lập ra chúng có lẽ nên nới lỏng hơn bàn tay kiểm soát.

Hoàng Sơn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên