MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc cải cách: Dò đá qua sông

09-05-2014 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

Những biện pháp cải cách kinh tế hiện nay của Trung Quốc được giống như phiên bản thế kỷ 21 của chiến lược “dò đá qua sông” mà Đặng Tiểu Bình đã thực hiện trong những năm 1970 và 1980.

6 tháng sau khi công bố thực hiện cải cách kinh tế sâu rộng, Bắc Kinh vẫn đang chơi quân bài an toàn, chọn những bước đi từ từ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trung Quốc chưa thể thực hiện những cải cách rủi ro hơn như xóa bỏ mọi kiểm soát đối với lãi suất.

Reuters nhận định đây là phiên bản thế kỷ 21 của chiến lược “dò đá qua sông” mà Đặng Tiểu Bình đã thực hiện trong những năm 1970 và 1980. Tâm lý thận trọng vẫn còn đó, trong khi điểm khác biệt ngày nay là Trung Quốc đang qua sông với rất nhiều bến cảng cùng một lúc và dường như sông cũng đã sâu hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ không thể có thay đổi căn bản nếu như Trung Quốc không thành công trong cải cách thể chế và chuyển đổi từ “công xưởng ô nhiễm của thế giới” sang một nền kinh tế cân bằng hơn và theo định hướng thị trường. Trong khi đó, những cải cách như thả nổi lãi suất ngân hàng hoặc dỡ bỏ độc quyền nhà nước sẽ gây nên những “vết thương” trong ngắn hạn và chỉ mang lại hiệu quả trong dài hạn. 

“Cải cách dễ thực hiện hơn sẽ được triển khai trước, sau đó mới là những cải cách khó khăn”, Xu Hongcai – chuyên gia kinh tế đến từ một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh – nhận định. 

Tuy nhiên, Xu và giới phân tích vẫn cảm thấy lạc quan với những cải cách được thực hiện bởi hai lãnh đạo hiện tại là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. 

Kể từ tháng 11 năm ngoái, khi các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức thông báo về kế hoạch cải cách, không tuần nào trôi qua mà không có sáng kiến cải cách trên mọi lĩnh vực, từ môi trường, khoáng sản cho tới các biện pháp quản lý thị trường tài chính. 

Tự do hóa thị trường tài chính là một ví dụ tốt. Bỏ trần lãi suất cho vay (tháng 7 năm ngoái) và tăng gấp đôi biên độ dao động nhân dân tệ (tháng 3) là những động thái rõ nét nhất. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là nhiều bước khác nhằm đảm bảo dịch chuyển vốn trong nội bộ Trung Quốc và ra nước ngoài sẽ dễ dàng hơn. 

Chỉ trong 2 tháng qua, các nhà quản lý đã nới lỏng các biện pháp hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK Trung Quốc, cho phép đầu tư xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Hồng Kông, đẩy nhanh quá trình phê duyệt các vụ mua bán sáp nhập.

Tuy nhiên, điều được nhiều người mong đợi là cơ chế bảo hiểm tiền gửi hay thả nổi đồng nhân dân tệ và mở cửa cán cân vốn sẽ còn nhiều năm nữa mới được thực hiện.

Dẫu vậy, những thay đổi dù nhỏ cũng đang mang lợi ích kinh tế cho Trung Quốc. Ví dụ, quyết định nới lỏng kiểm soát đăng ký vốn được đưa ra hôm 1/3 đã giúp số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 3 tăng tới 46% so với 1 năm trước đó. 

Dần dần bãi bỏ việc bóp méo giá tài nguyên (như gas) hay các dịch vụ công cộng (như vận tải đường sắt và y tế) là một lĩnh vực khác mà Bắc Kinh đã có tiến bộ. Các địa phương cũng có động thái tương tự chính quyền trung ương. Vẫn còn quá sớm để nói về hiệu quả, tuy nhiên xu thế đang được vạch ra rõ ràng: hướng đến mở cửa nhiều hơn nữa, cạnh tranh nhiều hơn nữa, phát triển nhiều công nghệ thông minh và công nghệ sạch hơn nữa.

Những quyết định khó khăn nhất – như tước bỏ đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước hay mở cửa cạnh tranh cho khu vực ngân hàng – vẫn còn rất xa ở phía trước. Thực hiện những cải cách này là Trung Quốc sẽ bước vào “vùng nước sâu”.

Một điểm cần lưu ý khác là bất chấp kinh tế suy thoái và những dấu hiệu căng thẳng trên thị trường tiền tệ (nổi bật là vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa đầu tiên). Bắc Kinh vẫn không chệch hướng cải cách. 

Thu Hương

huongnt

Reuters

Trở lên trên