MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K1): Lưỡng đầu thọ địch

12-03-2015 - 16:16 PM | Tài chính quốc tế

Hội nghị thường niên của 2 cơ quan quan trọng nhất trong ngành lập pháp Trung Quốc là Quốc hội và Hiệp thương Chính trị (Chính Hiệp - có vai trò cố vấn) đang diễn ra trong bối cảnh nước này phải đối mặt với nhiều thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Liệu Bắc Kinh có tìm được một con đường để thay đổi tình thế?

Ở trong nước, Trung Quốc đối mặt với những vấn đề như tăng trưởng chậm lại, nợ công phình to, bất bình đẳng và bất ổn xã hội ngày càng lớn, tham nhũng tràn lan... Trong khi đó, thái độ bài Trung Quốc ngày càng lan rộng trên thế giới càng khiến Bắc Kinh khó khăn bội phần.

Yếu kém nội tại

Một bài viết trên tạp chí Economist đặt vấn đề liệu Trung Quốc có nguy cơ quay lại tình cảnh năm 1929. Tờ báo này cho rằng cùng với tăng trưởng chậm lại, quả bóng tín dụng ngày một lớn của Trung Quốc đang gây ra nhiều mối lo ngại. Những con số đã ở mức lịch sử: tổng nợ tăng từ 153% GDP năm 2008 lên 282% GDP hiện nay. Điều này cho thấy hoạt động vay mượn ở Trung Quốc cao hơn 96% so với các nơi khác.

Vấn đề là trong khi nợ ngày càng tăng nhanh, tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại và lợi nhuận giảm, khiến các công ty càng khó trả nợ. Tương tự, lạm phát đã giảm xuống chỉ còn 0,8%. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa nới chính sách lần thứ 3 trong vài tháng qua, hạ lãi suất thêm 0,25% để ngăn chặn bẫy giảm tăng trưởng, lạm phát, nhưng dường như quá trễ.

Trước đây, Trung Quốc làm giàu bằng cách sản xuất đủ thứ với chi phí thấp rồi bán sang các nước giàu. Nhưng nay điều này khó làm, bởi lực lượng lao động của nước này đã ngừng tăng trưởng (do chính sách 1 con) và tiền lương ngày một cao. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm tê liệt sức mua của các đối tác thương mại.

Vì vậy, Trung Quốc quay sang kích thích tăng trưởng bằng cách vung tiền đổ vào lĩnh vực đầu tư. Nhà mới, đường tàu điện ngầm, đường bộ... được xây dựng hiện đại, lung linh nhưng đều trả bằng tiền vay mượn. Phần lớn số tiền vay từ các ngân hàng ngầm nằm ngoài tầm kiểm soát của giới chức.

Theo làn sóng đầu tư ồ ạt, giá nhà ở nhanh chóng bị thổi phồng. Nguy cơ vỡ bong bóng hiển hiện khiến năm 2011 Bắc Kinh phải can thiệp để hãm đà cho vay bất động sản. Tuy nhiên, các biện pháp đưa ra hầu như không có tác dụng vì hệ thống ngân hàng ngầm ở nước này quá lớn. Sau khi đã tăng quá mức, nay giá nhà đất có dấu hiệu đi xuống, với mức giảm 5,1% trong tháng 1-2015. Lần này, Bắc Kinh lại tìm cách cứu giá, bằng việc nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay. Tuy nhiên, một lần nữa Bắc Kinh lại thất bại vì thị trường đã quá dư cung, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Để ứng cứu, Trung Quốc buộc phải sa vào cái gọi là “thập niên mất mát”. Ước tính lĩnh vực tư ở Trung Quốc phải trả lãi suất hàng năm khoản tiền tương đương 13% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng Trung Quốc chỉ được phép trả lãi suất thấp để các nhà xuất khẩu có thể vay mượn với chi phí thấp. Điều đó khiến người dân không muốn gửi tiền vào ngân hàng, một luồng vốn đã đổ vào những kênh khác, đặc biệt là bất động sản, càng làm quả bong bóng bất động sản trương phình thêm.

Hay họ có thể đổ tiền vào các ngân hàng ngầm, vốn hứa hẹn lãi suất cao hơn. Một vụ điển hình là khi người ta đổ tiền mua sản phẩm “Voi vàng số 38” của một ngân hàng ngầm, với lời hứa sẽ nhận được mức lãi 7,2%. Tuy nhiên, sau này báo giới phanh phui Voi vàng số 38 chỉ được bảo đảm bằng một dự án nhà ở đã bị bỏ rơi.

Mối e ngại toàn cầu

Không chỉ đối mặt với những yếu kém nội tại, Trung Quốc còn hứng chịu làn sóng chỉ trích ở khắp nơi trên thế giới do phát tán hàng hóa chất lượng kém và độc hại. Ở tầm vĩ mô, Trung Quốc bị các nước phát triển e sợ vì cho rằng họ là thế lực đứng sau các hoạt động gián điệp kinh tế và tin tặc quy mô lớn. Chi phí nhân công ngày càng đắt đỏ đã buộc các nhà sản xuất Trung Quốc tìm mọi cách để nâng biên lợi nhuận hòng lấy lại thế cạnh tranh. Một trong những cách phổ biến đó là giảm chất lượng hàng hóa, bỏ qua các quy định về an toàn đối với người sử dụng.

Thành phố “ma” Ordos ở Trung Quốc, hậu quả của đầu tư bất động sản ồ ạt.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động xây dựng ở các đảo tranh chấp trên biển Đông. Hành vi này càng gia tăng làn sóng bài xích, chỉ trích Trung Quốc ở khắp nơi. Ngày 3-3, Philippines đã công bố nội dung lời tố cáo của bà Irene Natividad Susan, Phó Đại diện thường trực của Philippines tại Liên hiệp quốc trong một cuộc họp mở của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 23-2-2015 tại New York.

Theo đại diện của Manila, các công trình bồi đắp đảo nhân tạo Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành tại vùng Trường Sa trực tiếp đe dọa an ninh trong khu vực. “Việc Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo trên các bãi đá tại vùng quần đảo Trường Sa là một mối đe dọa trực tiếp đến Philippines và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và cần được coi là một mối quan ngại lớn cho tất cả các nước vì đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực” - bà Susan tố cáo.

Không chỉ là một nguy cơ đối với lĩnh vực an ninh, các hành động nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh còn bị Manila tố cáo là tàn hại môi trường, phá hủy trên bình diện rộng tính chất đa dạng sinh học của khu vực, làm mất thế cân bằng sinh thái ở biển Đông.

Theo Văn Cường

PV

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên