MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc có cứu được thế giới?

11-04-2009 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

Trong nhóm cường quốc kinh tế thế giới, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế đầu tiên thoát ra khỏi khủng hoảng. Điều này sẽ gây tác động khác nhau đến thế giới.

Tốc độ tăng trưởng có thể không lên đến mức 2 con số như trong những năm gần đây, tuy nhiên kinh tế Trung Quốc năm 2010 sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào tại châu Âu hay phương Tây.

Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc hồi phục, ảnh hưởng đến các đối tác thương mại cũng sẽ không giống nhau. Kinh tế nước này sẽ hồi phục chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng lên.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu hàng hóa thế giới sụt giảm. Doanh số bán lẻ tại Mỹ và châu Âu giảm đồng nghĩa với số lượng đơn đặt hàng đối với hàng hóa Trung Quốc đi xuống.

Và trong khi năm vừa qua, đồng nhân dân tệ không thay đổi nhiều về tỷ giá so với USD, việc USD tăng giá mạnh so với euro và nhiều loại tiền tệ khác khiến giá trị gia quyền thuơng mại nói chung của đồng nhân dân tệ tăng. Điều này tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Làn sóng thất nghiệp tại các nhà máy Trung Quốc tăng cao khiến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nội địa tiếp tục giảm bởi các hộ gia đình Trung Quốc giảm chi tiêu. Các công ty nhỏ với hoạt động 100% xuất khẩu buộc phải đóng cửa.

Hàng triệu công nhân tay nghề kém, những người đã rời nông trại ở Trung Quốc để làm việc tại các nhà máy vùng ven biển, nay đang buộc phải trở về quê. Gia đình họ từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào tiền gửi của họ nay phải hạn chế chi tiêu.

Chính phủ Trung Quốc quyết tâm ngăn đà suy giảm của nền kinh tế để tái tuyển dụng những người đã mất việc và tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mới gia nhập lực lượng lao động hàng năm. Nếu mục tiêu trên không trở thành hiện thực, hàng triệu người thất nghiệp sẽ tiếp tục chìm trong khó khăn, chính trị xã hội sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Chính sách ban đầu của chính phủ có mục tiêu kích cầu tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, đường sá và giao thông công cộng. Tuy nhiên chiến lược quan trọng hơn là thay đổi chính sách của chính phủ theo hướng kích thích người Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn. Chính phủ dành nhiều tiền hơn vào một số lĩnh vực như y tế, điều này mang lại lợi ích trực tiếp cho hộ gia đình của Trung Quốc.

Mức độ chi tiêu của người Trung Quốc đã thấp hơn mức độ tăng trưởng kinh tế chung suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân của điều này là mức lương tính trên tổng GDP giảm và tỷ lệ tiết kiệm tăng. Để có thể kích cầu tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc cần phải đảo ngược được cả hai xu thế này.

Dù những doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng mạnh nhất trong nền kinh tế Trung Quốc, những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hay một phần là sở hữu nhà nước vẫn là đối trọng chính trên thị trường. Chính phủ có thể tạo tác động đối với mức lương tại những công ty này và vì thế gây ảnh hưởng lên mức lương chung của nền kinh tế.

Tỷ lệ tiết kiệm của người Trung Quốc cao phản ánh tỷ lệ tiết kiệm danh nghĩa của thế hệ trẻ Trung Quốc cao và sự thật rằng thế hệ lớn tuổi tại Trung Quốc không có hoặc có ít tiền để tiết kiệm lúc còn trẻ. Tỷ lệ tiết kiệm trong nhóm người trẻ Trung Quốc ngày một tăng. 

Người Trung Quốc trẻ tuổi có nhiều lý do để tiết kiệm. Hệ thống tiền lương hưu và chăm sóc sức khỏe y tế còn một số điểm bất cập. Bậc cha mẹ muốn cho con được khám bệnh theo chương trình chăm sóc sức khỏe của phương Tây phải trả rất nhiều tiền. Cha mẹ phải đóng tiền học phí cho con, người tiêu dùng nếu muốn mua hàng tiêu dùng bền không có nhiều điều kiện tiếp cận với tín dụng.

Dù sao, các chuyên gia hết sức tin tưởng vào khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện được những mục tiêu tăng trưởng mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây mới đưa ra.

Ngọc Diệp

Theo ProjectSyndicate


ngocdiep

Trở lên trên