MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong 10 năm qua ?

10-11-2012 - 17:33 PM | Tài chính quốc tế

CNBC vừa có bài báo liệt kê 6 thay đổi lớn ở Trung Quốc kể từ lần chuyển giao quyền lực gần đây nhất (năm 2002).

Tháng 11 này, mọi con mắt đều đổ dồn về Trung Quốc với cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới có 1 lần của Đảng Cộng sản nước này.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã trải qua những chuyển biến to lớn. Từ quá trình đô thị hóa và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt đến sự phát triển vượt bậc về chính trị xã hội, Trung Quốc đã đạt điều nhiều dấu mốc quan trọng trong thập kỷ vừa qua. Trung Quốc đã trở thành đất nước có vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

CNBC vừa có bài báo liệt kê 6 thay đổi lớn ở Trung Quốc kể từ lần chuyển giao quyền lực gần đây nhất (năm 2002). 

Tăng trưởng kinh tế vượt bậc

GDP Trung Quốc so với các nước giai đoạn 2002 - 2011

Nắm lấy “con sóng” tăng trưởng kinh tế, sức mạnh của cỗ máy tăng trưởng luôn được giữ vững trong suốt thập kỷ qua. Trung Quốc đã vươn lên từ vị trí số 5 lên số 2 chỉ trong vòng 8 năm, từ 2002 đến 2010.

Kể từ tháng 11 năm 2002 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế là 10,6%. Từ năm 2003 đến 2007, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn giữ ở mức 2 con số và đạt đỉnh 14,2% vào năm 2007. Đây là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1990.

Tuy nhiên, cũng giống như phần còn lại của thế giới, Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và phải chứng kiến tốc độ giảm xuống còn 9,6% vào năm 2008. Kể từ đó đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình là trên 9%.

Tăng trưởng bị đe dọa bởi nguy cơ hạ cánh cứng và trong quý II vừa qua, GDP chỉ tăng 7,6% - thấp nhất trong vòng 3 năm.

Rất nhiều chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 8% trong năm nay. Thậm chí, Bắc Kinh còn đặt ra mục tiêu khiêm tốn 7,5%.

Thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ làm cách nào để đối phó với tốc độ tăng trưởng suy giảm vẫn còn là điều chưa rõ ràng. Một số chuyên gia phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang ngừng mọi động thái can thiệp vào nền kinh tế để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới.

Thu nhập tăng lên

Tốc độ tăng trưởng

Tăng trưởng giúp thu nhập của người dân tăng lên. Các công nhân Trung Quốc yêu cầu mức lương cao hơn để họ có thể đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao ở các thành phố lớn.

Trong 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của người dân thành thị đã tăng từ 827 USD của năm 2001 lên 3,711 USD trong năm ngoái. Như vậy, tốc độ tăng là gần 350%. Từ năm 2006 đến 2010, mức lương tối thiểu tăng trung bình 12,5%. Hồi đầu năm, chính phủ Trung Quốc dự báo mức lương trung bình sẽ tăng ít nhất là 13% trong giai đoạn 2010 – 2015.

Lương tăng cũng trở thành mối lo ngại lớn cho các nhà sản xuất quốc tế vốn đang tận dụng lợi thế lao động giá rẻ của Trung Quốc. Rất nhiều công ty đã chuyển vùng sản xuất vào vùng nội địa để cắt giảm chi phí trong khi 1 số khác tìm đến các nước như Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Thị trường chứng khoán xuất sắc

So sánh 2 chỉ số chủ chốt trên TTCK Trung Quốc và Mỹ

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 20% trong năm 2011 và 6% kể từ đầu năm đến nay. Do đó, các số liệu thống kê cho thấy đây là thị trường diễn biến tồi tệ nhất châu Á. Đây là sự tương phản lớn so với câu chuyện tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bức tranh về TTCK Trung Quốc trong 10 năm qua lại khá sáng sủa. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 35% kể từ năm 2002 đến 2011, vượt xa so với mức 9% của chỉ số S&P 500. Nhưng, đó không phải là 1 chặng đường hoàn toàn bằng phẳng. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm khoảng 65% trong tháng 10/2008. Trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu lấy lại đà tăng kể từ tháng 8/2009, thị trường này vẫn suy giảm rõ rệt.

Mặc dù vậy. một số chuyên gia phân tích vẫn khá lạc quan về TTCK Trung Quốc với dự đoán chính phủ sẽ nới lỏng chính sách để kích thích tăng trưởng.

Nomura dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng 20% trong quý I của năm 2013 sau khi chạm đáy hồi tháng 6 vừa qua. Trong khi đó, hồi tháng 9, Jim  O’Neill nhận định đây vẫn là thị trường hấp dẫn nhất trong khối BRIC.

Bùng nổ Internet

Lượng người dùng Internet

Không giống như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ. Số người sử dụng internet đã vượt qua con số 500 triệu người trong năm 2011 – biến Trung Quốc thành thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới. Chưa hết, con số tăng trưởng là 362% kể từ năm 2005 đến nay và tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết.

Khoảng 4 trong số 10 người Trung Quốc sử dụng internet.  Theo số báo, số người sử dụng sẽ lên đến 700 triệu người vào năm 2015, hơn gấp đôi dân số của toàn nước Mỹ.

Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Theo hãng nghiên cứu BCG, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc sẽ tăng gấp 3, lên hơn 360 tỷ vào năm 2015 và biến nước này thành thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

Các nhà sản xuất smartphone cũng tìm cách tăng cường sự hiện diện ở đây. Trong năm 2011, gần 70% người sử dụng internet ở Trung Quốc truy cập internet thông qua các thiết bị cầm tay.

Giới siêu giàu ngày càng giàu hơn


Số tỷ phú của Trung Quốc

Được thúc đẩy bởi tốc độ phát triển kinh tế vượt trội, số tỷ phú ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong thập kỷ vừa qua.

Năm 2001, Trung Quốc chỉ có 1 tỷ phú USD. Theo báo cáo Hurun, con số đã tăng lên 251 người trong năm nay và Trung Quốc hiện giờ chỉ đứng sau Mỹ về số lượng tỷ phú. Số người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên chỉ chiếm 1,3% số lượng các cá nhân giàu có nhưng lại có tổng tài sản lên tới 1,58 nghìn tỷ USD. Các tỷ phú Trung Quốc có tài sản trung bình 2,6 tỷ USD.

Tiêu dùng xây dựng bùng nổ là 2 yếu tố chính khiến tài sản của giới siêu giàu tăng lên bởi họ dựa khá nhiều vào bất động sản. Trong khi đó, các công ty niêm yết cổ phiếu cũng khiến các ông chủ trở thành tỷ phú chỉ sau 1 đêm. Tuy nhiên, sự sụt giảm gần đây của TTCK, tài sản của những người có 30.000 USD trở lên cũng sụt giảm tổng cộng 2,3% trong năm qua.

Tiêu dùng bùng nổ

Tăng trưởng doanh số bán lẻ

Trong thập kỷ vừa qua, tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Trung Quốc có thể trở thành  thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2015.

Tầng lớp tiêu dùng với số lượng lên tới 130 triệu người đã trở thành lực đẩy lớn cho thị trường, từ bán lẻ và nhà đất cho đến du lịch và các ngành hàng không thiết yếu khác.

Theo dự báo, doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ vượt qua mốc 5 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Thu nhập tăng lên trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng là những nguyên nhân chính khiến tiêu dùng bùng nổ. Thậm chí, theo World Bank, thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Quốc sẽ tăng gấp 3, lên 16.000 USD vào năm 2030. 

Các hãng sản xuất xe hơi, các mặt hàng xa xỉ và các công ty kinh doanh chuỗi khách sạn đang ồ ạt di chuyển về Trung Quốc với mục tiêu là người tiêu dùng nước này. Ví dụ, Prada, hãng thời trang đến từ nước Ý, đã coi Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hãng với 30% doanh số bán ra trên toàn cầu.  Trong tháng 9, hãng xe BMW cũng đã tăng thêm 55% số xe bán ra tại Trung Quốc trong tháng 9.

Tuy nhiên, không phải hãng bán lẻ nào cũng thành công ở Trung Quốc. Home Depot, chuỗi phát triển nhà ở lớn nhất nước Mỹ, đã gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng thích nghi với phong tục tự làm mọi thứ của người dân Trung Quốc. Hãng vừa thông báo sẽ đóng cửa tất cả 7 cửa hàng bán lẻ ở đây để có thể tập trung vào các cửa hàng chuyên biệt và trực tuyến.

Thu Hương

huongnt

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên