MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang chiếm dần “sân sau” của Mỹ

14-05-2013 - 09:57 AM | Tài chính quốc tế

Châu Mỹ La tinh đang ngày càng trở thành “khu vực vệ tinh” của Trung Quốc.

Do Hoa Kỳ mải bận tâm với khu vực Trung Đông nên ảnh hưởng của nước này tới các khu vực khác như châu Mỹ La tinh bị suy giảm. Về mặt kinh tế, khi ảnh hưởng của nước Mỹ đối với nam bán cầu giảm đi thì ảnh hưởng của Trung Quốc lại tăng lên. Sự dịch chuyển này có thể nhận thấy qua các khoản cho vay, đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại.

Mỹ La tinh – Nguồn cung cấp nguyên liệu thô  

Do cần nguyên liệu thô “nuôi dưỡng” nền kinh tế phát triển tốc độ cao, nhu cầu về hàng hóa của Trung Quốc đã tạo ra sự bùng nổ ở các quốc gia đóng vai trò là nhà cung cấp cho nước này. Đậu tương từ Argentina, đồng từ Chile và Peru, thiếc từ Bolivia, dầu và quặng sắt từ Brazil đã giúp các nước này phát triển kinh tế trong thâp kỷ qua đặc biệt trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi các thị trường truyền thống thu hẹp và sa sút.

Ví dụ như vào năm 2009, Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) và Công ty dầu khí Trung Quốc Sinopec đã kí kết một hợp đồng với Petrobras, công ty dầu mỏ nhà nước Brazil, với tổng trị giá 10 tỷ USD để công ty này cung cấp 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong vòng 10 năm. Với việc Brazil phát hiện ra một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới, nước này chắc chắn sẽ trở thành một nhà cung cấp dầu quan trọng cho Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc nắm giữ cổ phần đối với các mỏ dầu ở Ecuador và là nhà đầu tư chính cho các dự án khai thác đồng ở Peru. Theo một số báo cáo, Trung Quốc đã đóng góp khoảng trên 11 tỷ USD trong tổng số 41 tỷ USD được đầu tư cho năng lượng và khoáng sản của Peru.

Trung Quốc cũng cho Venezuela vay 40 tỷ USD để đối lấy dầu mỏ phục vụ cho nền kinh tế nước này. Theo cuốn sách “Siêu ngân hàng của Trung Quốc” của 2 tác giả Michael Forsythe và Henry Sanderson, Chen Yuan, Chủ tịch của CDB đã đưa cho cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez một cuốn sách dày 600 trang về các dự án xây dựng, quản lý đường xá, cầu cảng và đường ray.

Hai tác giả cho rằng chính sách chi tiền phóng khoáng của Trung Quốc để đổi lấy nguyên liệu thô đã đem đến một khái niệm hoàn toàn mới là “khi qui mô đủ lớn thì sẽ không sợ đổ vỡ”.

Trung Quốc cũng đang nhanh chóng trở thành một nguồn tài trợ vốn phát triển mới. Với khả năng cho vay các khoản tiền lớn và dài hạn, Trung Quốc đã trở thành một nước “chịu chơi” quan trọng và mới mẻ trong lĩnh vực này.

Xét về mặt phát triển cơ sở hạ tầng, Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã “tung” ra các khoản vay lớn để xây dựng đường sá, cầu cảng, đường ray và các loại hình cơ sở hạ tầng khác tại các quốc gia Mỹ La tinh nhằm giúp nước này duy trì nguồn cung nguyên liệu thô. Theo một nghiên cứu của tờ Financial Times, Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã thay thế Ngân hàng thế giới trở thành ngân hàng phát triển lớn nhất thế giới, cho vay hàng tỷ USD ở khắp nơi trên thế giới để phục vụ cho những lợi ích của Trung Quốc.

Thương mại

Trong thập kỷ qua, thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ La tinh cũng tăng lên nhanh chóng. Một ví dụ là Trung Quốc hiện đang nắm giữ 19% trong tổng kim ngạch ngoại thương của Brazil trong khi con số này vào năm 2001 mới chỉ là 2,8%. Tương tự, hiện Trung Quốc đang chiếm gần 20%  tổng kim ngạch ngoại thương của Chile trong khi cách đây 1 thập kỷ con số này mới là 5,6%. Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận tự do thương mại với cả Chile và Peru để các thị trường này mở cửa với các sản phẩm của Trung Quốc.

Đến năm 2014, Trung Quốc sẽ vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực Mỹ La tinh sau Mỹ. Mặc dù vẫn còn lâu nữa Trung Quốc mới thay thế Mỹ thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này nhưng điều đó không phải là không thể.

Gần đây nhất, Brazil và Trung Quốc đã kí một thỏa thuận thương mại trị giá 30 tỷ USD sử dụng đồng tiền của hai quốc gia và khi đó đồng USD sẽ mất giá. Ngoài ra, có dự đoán rằng đồng nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền dùng cho các hoạt động giao thương và dù cho đồng tiền này không thay thế đồng USD hay euro thì cũng sẽ trở thành một ngoại tệ quan trọng được đảm bảo bằng một khối lượng hàng hóa và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Một số nhà quan sát còn nói tới khối thương mại sử dụng đồng nhân dân tệ.

Tất cả những điều trên cho thấy sức mạnh từ “cái ví dày” của Trung Quốc mà Hoa Kỳ ngày càng không có khả năng theo kịp. Tốc độ và qui mô tăng trưởng của Trung Quốc ở châu Mỹ La tinh cũng làm dấy lên lo ngại về các mục tiêu của nước này về mặt quân sự và chính trị. Nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty viễn thông có mối quan hệ lâu dài với Quân đội giải phóng nhân dân.

Theo Tùng Lâm

huongnt

Infonet

Trở lên trên