MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc dốc sức xây dựng thương hiệu toàn cầu

18-11-2010 - 17:06 PM | Tài chính quốc tế

Để nói đến khả năng Trung Quốc thành công, có thể tưởng tượng sau 90 năm nữa, người tiêu dùng thế giới biết đến thương hiệu Trung Quốc như hiện nay họ biết đến Cokes, Google và Toyota.

Thời gian qua, truyền thông thế giới không ngừng đưa tin về căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thế nhưng cả 2 nước đều đồng ý về một điểm: cả người Trung Quốc và Mỹ đều muốn người Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa. Tuy nhiên họ bất đồng về việc người Trung Quốc nên mua cái gì.

Lãnh đạo kinh tế Mỹ cho rằng Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ. Nếu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc để đồng nhân dân tệ tăng giá, sức mua của đồng nhân dân tệ tăng cao hơn, người Trung Quốc sẽ có thể mua nhiều hàng nhập khẩu.

Phía Mỹ cho rằng đồng nhân dân tệ cần tăng giá thêm 20%. Người tiêu dùng Trung Quốc ở mức độ nào đó đóng góp để cứu kinh tế toàn cầu vốn đang khó khăn nếu lãnh đạo hàng đầu của họ đồng ý.

Quan điểm trên xuất phát từ giả thuyết sai lầm rằng Trung Quốc, hiện đang là siêu cường quốc xuất khẩu, mãi mãi chỉ muốn đứng ở vị thế đó và tiếp tục nhập khẩu hàng hóa giá trị gia tăng cao cũng như dịch vụ từ nước ngoài, từ phim hoạt hình Disney cho đến dịch vụ của các quỹ đầu tư Mỹ.

Tham vọng của người Trung Quốc thực tế lớn hơn thế. Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược giống như chính phủ nhiều nước lớn thời kỳ hậu công nghiệp như Mỹ và châu Âu trước đây, cố gắng nâng cao chuỗi giá trị bằng việc đẩy mạnh sở hữu và quản lý thương hiệu của Trung Quốc, hơn thế nữa là phát triển theo định hướng dịch vụ chứ không phải định hướng sản xuất.

Trung Quốc đặt mục tiêu nắm siêu quyền lực thương hiệu. Để hiện thực hóa mong muốn, chính phủ Trung Quốc đang đẩy nhanh sự phát triển của thương hiệu mang tầm cạnh tranh nội địa cũng như quốc tế.

Trung Quốc rất nỗ lực trong việc bảo vệ thương hiệu nước này. Tại Trung Quốc, hoạt động làm thương hiệu đóng vai trò chủ nghĩa dân tộc về kinh tế hơn so với những nước như Mỹ.

Phần lớn người Mỹ coi công việc làm thương hiệu thuộc trách nhiệm của các công ty và thị trường chứ không phải quan chức chính phủ và nhà nước. Đối với người Mỹ việc đưa cái tên iPod thành nhãn hàng tiêu dùng thuộc phận sự của Apple chứ không phải chính phủ Mỹ.

Tại Trung Quốc, cái người tiêu dùng mong muốn và mua không đơn thuần là hậu quả của thị trường tự do và lựa chọn của từng cá nhân.

Thay vào đó, sự lựa chọn của người tiêu dùng Trung Quốc bắt nguồn từ chính sách của các nhà lãnh đạo kinh tế Trung Quốc, đặc biệt quyết định khuyến khích các thương hiệu Trung Quốc cố gắng cạnh tranh tại quốc tế trong khi đó vẫn cho phép các công ty đa quốc gia tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc không muốn nâng giá đồng nhân dân tệ. Việc hạn chế nhập khẩu khó khăn hơn so với trước đây.

Trong thời kỳ hậu WTO, chính phủ Trung Quốc không thể đảm bảo sự trung thành của người tiêu dùng theo cách trước đây: cấm nhập khẩu, hạn chế người dân tiếp cận với ngoại tệ để họ không mua được hàng nhập khẩu hay đưa ra hàng rào thuế quan cao đến mức hàng từ nước ngoài quá đắt đỏ, ngoài khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc lo ngại khi người Trung Quốc tiếp cận tốt hơn với các thương hiệu nước ngoài, họ sẽ chuộng các thương hiệu đó và rời bỏ hàng sản xuất trong nước.

Trung Quốc bị bỏ lại ở mức thấp của chuỗi giá trị, người lao động Trung Quốc thuần làm công việc nặng nhọc, nhận mức lương thấp, sở hữu rất ít giá trị giá tăng của sản phẩm, phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất sản phẩm và giá trị tăng thêm thông qua tiếp thị, phân phối và bán lẻ. Trung Quốc vì thế buộc phải chi tiêu nhiều tiền vào xây dựng thương hiệu.

Lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc không thể sốt sắng hơn nữa trong việc nâng cao tính cạnh tranh của thương hiệu hàng hóa Trung Quốc. Họ tin rằng họ cần nâng tầm thương hiệu hoặc sở hữu thương hiệu quốc tế trước khi mọi chuyện quá muộn, người Trung Quốc chỉ mua hàng nước ngoài.

Vấn đề xây dựng hoặc mua thương hiệu được coi như thuộc phạm vi an ninh quốc gia và tất nhiên thuộc về tự hào dân tộc. Trung Quốc muốn chính thương hiệu nước này phản ánh thành công về thương mại và vị thế hàng đầu của Trung Quốc.

Tham vọng của những người đứng đầu Trung Quốc đã được chuyển hóa thành hành động. Bộ Thương mại Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển 100 thương hiệu nhà hàng, 50 thương hiệu khách sạn và thương hiệu nổi danh trong lĩnh vực làm đẹp, dịch vụ nhà ở.

Để hiện thực hóa mục tiêu, chính sách của nhà nước đã khuyến khích việc tạo ra các tập đoàn quy mô lớn phát triển theo chiều rộng để cạnh tranh với tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài.

Người tiêu dùng Trung Quốc băn khoăn giữa lòng yêu nước với sự thích thú thật sự của họ đối với hàng ngoại nhập, họ yêu cầu chính phủ bảo vệ thương hiệu của Trung Quốc dù vẫn mua hàng ngoại.

Liệu thương hiệu do người Trung Quốc sở hữu có thể thống trị thế giới trong thế kỷ 21? Liệu trong tương lai gần bạn có lái chiếc xe hiệu Chery hay tìm kiếm trực tuyến thông qua Baidu.com hoặc mua sắm tại Gome? Chưa thể chắc chắn về điều đó.

Thế nhưng dễ thấy lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đưa nhiều thương hiệu thống trị trước tiên tại Trung Quốc, sau đó đến thế giới. Và dù người tiêu dùng trên thế giới có thể chào đón thành công trong xây dựng thương hiệu của Trung Quốc, chính những người tiêu dùng đó cũng sẽ nhớ rằng sản phẩm không được sản xuất tại một thị trường hoàn toàn tự do.

Kết quả ban đầu về nỗ lực xây dựng thương hiệu của Trung Quốc hiện chưa rõ ràng, mọi chuyện mới chỉ khởi đầu. Có thể tưởng tượng đến năm 2100, người tiêu dùng thế giới sẽ biết đến thương hiệu Trung Quốc như hiện nay họ biết đến Cokes, Google và Toyota.

Tác giả bài viết là giáo sư Karl Gerth, chuyên dậy môn lịch sử tại đại học Oxford.

Ngọc Diệp
Theo CNNMoney


ngocdiep

Trở lên trên