MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc gồng mình vì kế hoạch Made in China 2025

26-05-2015 - 16:09 PM | Tài chính quốc tế

Tiền lương tăng và tình trạng thiếu hụt lao động đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Nước này đang phải cố chịu đựng việc sụt giảm các lợi thế về giá cả, tuy nhiên đây là điều bắt buộc cho một tham vọng lớn, Want China Times hôm 24/5 dẫn các thống kê từ ngân hàng Standard Chartered cho biết.

Nhiều khó khăn trong khâu sản xuất

Trung Quốc trước đây vẫn là nước có nhân công rẻ và đông, góp phần mang lại lợi thế về chi phí cho các nhà sản xuất, từ đó có thể kinh doanh với mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên việc sản xuất trong nước phình to theo chiến dịch đẩy mạnh sản xuất “Made in China 2025” của Chính phủ nước này đã dẫn tới nhiều hệ lụy.

Theo một báo cáo mới đây của Standard Chartered, khu vực đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ tình trạng lương tăng và thiếu hụt lao động.

Là nơi có những cơ sở sản xuất chiếm 27% thương mại nước ngoài của cả nước, đồng bằng Châu Giang dự kiến lương sẽ tăng thêm 8,4% trong năm nay, theo khảo sát của Standard Chartered trên 300 nhà sản xuất hồi tháng 2/2015. Theo đó, 85% số này cho biết việc thiếu hụt lao động không có tín hiệu tích cực so với trước đó.

Việc thu hẹp biên độ lợi nhuận, khó khăn tài chính, những bất ổn từ đơn đặt hàng trong tương lai đang đe dọa sự sống còn của các công ty Trung Quốc, Standard Chartered nhận định. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nói rằng chính khó khăn ấy là chất xúc tác cho việc tăng năng suất của các công ty nội địa.

Kế hoạch “Made in China 2025” đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải đầu tư công nghệ, máy móc để đáp ứng năng suất dự kiến. Mặc dù vậy, trong thời điểm chưa thể đưa công nghệ bắt kịp nhu cầu sản xuất, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công và rất có thể phải chịu “cơn đau ngắn hạn”, theo Want China Times.

Giải pháp gỡ rối

Trong khó khăn vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered cho biết đã xuất hiện thêm nhiều công ty giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động bằng cách mở rộng nhánh sản xuất sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam hay Campuchia.

Trong khi nhận xét Việt Nam và Campuchia có nguồn cung lao động dồi dào và chi phí thấp, Standard Chartered nói rằng lao động tại đây chỉ “đảm nhiệm chủ yếu hàng dệt may, nhà máy quần áo ở công đoạn cấp thấp trong chuỗi sản xuất”. Họ không đề cập đến vấn đề mức lương hay khả năng điều chỉnh chuỗi sản xuất để đáp ứng kế hoạch “Made in China 2025” mà không phụ thuộc vào thị trường lao động ngoài nước.

Hướng đi lâu dài của Trung Quốc là tập trung hiện đại hóa các cơ sở, nhà máy, với tỷ lệ robot thực hiện các công đoạn thay con người ngày càng cao hơn, theo Tân Hoa xã.

Hồi đầu tháng 5, Tân Hoa xã cho biết một vài trung tâm sản xuất như tỉnh Quảng Đông đã đầu tư 943 tỷ nhân dân tệ (152 tỷ USD) cho việc dùng robot thay thế lao động con người trong 3 năm. Ở Đông Quan, quỹ 600 triệu nhân dân tệ cũng được chính quyền hỗ trợ nhằm khuyến khích sử dụng robot trong thời gian tương ứng.

Kế hoạch tổng thể Trung Quốc hướng tới là trở thành một trong những ngành công nghiệp robot mạnh nhất thế giới vào năm 2030.

Trong 2 năm liên tiếp gần đây, Trung Quốc dẫn đầu thị trường thu mua robot, vượt qua Nhật Bản, Đức, Mỹ...

Việc đưa robot vào sản xuất cũng là một hướng giải quyết bất ổn xã hội của Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết.

Hàng chục ngàn nhân viên từ một nhà máy sản xuất giày cho Nike và Adidas đã đình công hồi tháng Tư năm ngoái, đòi bảo hiểm xã hội và quỹ nhà ở được thanh toán đầy đủ.

Với việc lao động rẻ và dồi dào không còn là lựa chọn ổn định, các công ty đang chuyển sang robot để giữ chi phí hoạt động thấp.

"Mặc dù đầu tư ban đầu trong quá trình tự động hóa là rất lớn, chúng tôi tin tưởng sẽ trả hết trong những năm tới", Qu Suoling - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đài Loan ở Đông Quan nói.

Theo Giang Lang

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên