MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Khi nhà kinh tế học "chiến thắng" kỹ sư

22-04-2013 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn nhưng cân bằng hơn và đang hướng tới người tiêu dùng. Các nhà kinh tế học đang hướng nền kinh tế theo mô hình khác hẳn với truyền thống.

Các kỹ sư thường chiếm đa số trong bộ máy hoạch định chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong số 7 thành viên hiện nay của Ban thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc – lại có tới 3 nhà kinh tế học. Thủ tướng Lý Khắc Cường là một trong số đó. Hôm 14/4 vừa qua, ông có cuộc họp đầu tiên với các nhà kinh tế học kể từ khi nhậm chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế. Ông Lý đi đến kết luận, kinh tế Trung Quốc sẽ phải “trèo đèo lội suối” hay nói cách khác là gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới.

Ngay ngày sau đó, một trong những khó khăn đã lộ diện. Báo cáo cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 7,7% trong quý I, thấp hơn rất nhiều so với dự báo cũng như so với quý trước. Trong khi đó, tín dụng được nới lỏng đến mức khó tin: dòng vốn tài trợ cho nền kinh tế (từ các ngân hàng, công ty tín thác và các đợt bán trái phiếu công ty) ở mức cao kỷ lục trong tháng 1.
 
Mối quan hệ giữa tín dụng, tăng trưởng và thị trường việc làm không được nhìn thấy ngay lập tức. Phải mất một thời gian để tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng được phản ánh trên thị trường lao động, bởi các ông chủ thường lưỡng lự khi sa thải nhân viên. Tương tự, phải mất một thời gian (khoảng 9 tháng) để tăng trưởng tín dụng được chuyển hóa thành tăng trưởng kinh tế. Do độ trễ là khá lớn và biến động mạnh, các nhà kinh tế học có thể sử dụng chúng để liên kết các kết quả không mong muốn với bất kỳ nguyên nhân nào. 

Các số liệu mới đây cũng phản ánh một chu kỳ khác: vòng quay xung quanh mặt trời của trái đất. 2012 là một năm nhuận và do đó quý I năm nay sẽ ngắn hơn quý I năm ngoái. Theo Tao Wang, chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng UBS, nếu trừ những ngày nhuận, tốc độ tăng trưởng có thể gần hơn với con số 8%.

Sự chậm lại cũng có thể xuất phát từ công cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất trong vòng một thập kỷ. Chiến dịch thắt chặt chi tiêu của tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình ảnh hưởng đến tiêu dùng. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS), lần đầu tiên kể từ năm 1978, doanh thu của các nhà hàng lớn bị sụt giảm trong hai tháng đầu năm. Các biện pháp kiểm soát đầu cơ bất động sản (trong đó có việc khôi phục thuế đánh vào thặng dư vốn với mức thuế suất 20%) cũng khiến hoạt động xây dựng chững lại. 

Cân bằng hơn

Theo NBS, bộ máy mới của chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch “cải thiện chất lượng và hiệu quả tăng trưởng”. Nếu điều đó là đúng, các con số về tăng trưởng sẽ phải giảm xuống.

Hiệu quả tăng trưởng tăng lên có nghĩa là vốn đầu vào (cũng như chi phí năng lượng và lao động) trên mỗi đơn vị sản lượng tăng thêm sẽ phải giảm xuống. Đáng chú ý, trong quý I vừa qua, đầu tư chỉ đóng góp 30% tăng trưởng GDP. Đây là điều bất thường bởi bấy lâu nay Trung Quốc vẫn nổi tiếng với việc xây “những cây cầu không có đích đến”. Năm 2012, tỷ lệ vẫn là 50% và năm 2009 tỷ lệ còn ở mức hơn 87%. 

Thay vào đó, bất chấp những chính sách thắt lưng buộc bụng của ông Tập Cận Bình, tăng trưởng quý I được dẫn dắt chủ yếu bởi chi tiêu tiêu dùng (chiếm hơn 55%). Theo Mark Williams – chuyên gia đến từ công ty nghiên cứu Capital Economics, tiêu dùng thường gia tăng trong quý I. Tuy nhiên, những số liệu trước đó không bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Trong cả năm 2011 và 2012, tiêu dùng vẫn đóng góp nhiều hơn đầu tư. Đây là tín hiệu cho thấy cuối cùng thì nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế cũng cho ra kết quả.

Sự chuyển dịch được phản ánh vào khá nhiều yếu tố. Quý thứ ba liên tiếp, tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành dịch vụ lớn hơn của ngành công nghiệp. Ngành dịch vụ (bao gồm vận tải, bán buôn, bán lẻ, tài chính và bất động sản) vốn vẫn ở mức thấp so với trình độ phát triển của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm nay, rất có thể đây sẽ là ngành lớn nhất của nền kinh tế. 

Điều này có thể khiến các kỹ sư phải nuối tiếc. Họ đã tạo ra nền kinh tế mang dấu ấn của chính họ: tập trung vào các công trình hùng vĩ và lâu bền chứ không phải những thứ đồ tiêu dùng lặt vặt. Ngược lại, đối với một nhà kinh tế học, như Adam Smith đã từng nói, tiêu dùng là kết thúc duy nhất và là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động sản xuất. 

Nhìn từ khía cạnh này, tốc độ tăng trưởng quý I không hề đáng thất vọng. Kinh tế tăng trưởng chậm hơn nhưng cân bằng hơn và đang hướng tới người tiêu dùng.

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên