MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc không dễ bỏ chính sách một con

23-07-2014 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Nới lỏng chính sách một con được Trung Quốc coi là nhân tố giúp thúc đẩy lực cầu cũng như phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.

Khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con vào cuối năm ngoái, các nhà đầu tư đều đặt cược rằng lượng cầu sẽ tăng lên nhanh chóng đối với tất cả mọi thứ, từ đàn piano cho tới tã giấy. Các quan chức chính phủ cũng có suy nghĩ tương tự.

Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, khó có thể kết luận rằng mọi thứ bùng nổ. Tính đến cuối tháng 5, khoảng 270.000 cặp vợ chồng nộp đơn xin phép có đứa con thứ hai. Theo Ủy ban kế hoạch hóa gia đình, mới có khoảng 240.000 người nhận được giấy phép. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu số trẻ mới sinh tăng thêm 1 – 2 triệu trẻ. 

Một phần nguyên nhân là do thủ tục. Trung Quốc thông báo nới lỏng chính sách một con vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó, nếu có ít nhất 1 người trong cặp vợ chồng đó là con một, họ có thể có 2 đứa con. Tuy nhiên, các tỉnh thành chỉ bắt đầu áp dụng luật mới kể từ tháng 1/2014. 

Có lẽ do lo ngại dân số bùng nổ sẽ dẫn đến các bệnh viện và cuối cùng là trường học bị quá tải, các thủ tục hành chính được đưa ra khá cồng kềnh, rườm rà. Ví dụ, ở thành phố miền Đông Tế Nam, các cặp vợ chồng phải cung cấp tới 7 loại giấy tờ khác nhau, trong đó có giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân từ nơi làm việc. 

Với 11 triệu cặp vợ chồng đột nhiên được cho phép sinh con thứ hai, sự thận trọng trong việc nới lỏng chính sách là điều dễ hiểu bởi thủ tục càng đơn giản thì càng có nhiều người muốn sinh con thứ hai. Giới phân tích dự đoán số trẻ mới sinh sẽ tăng thêm 1 triệu trẻ mỗi năm trong thập kỷ tới.  

Chính phủ Trung Quốc và nhà đầu tư cũng đã đánh giá quá cao nhu cầu bị dồn nén (pent – up demand) về việc sinh con thứ hai. Giống như ở các nước phát triển, người dân Trung Quốc đang chuyển sang ưa chuộng mô hình gia đình nhỏ hơn. Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đã tăng lên nhanh chóng ở thành thị. Ngân hàng Credit Suisse từng công bố kết quả khảo sát cho thấy sẽ mất khoảng 25.000 nhân dân tệ (tương đương 4.030 USD) mỗi năm để nuôi dạy một đứa trẻ - gần bằng thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc.

Đã được áp dụng suốt 3 thập kỷ, chính sách một con đã in sâu vào tiềm thức mỗi người dân Trung Quốc. Trong các gia đình, ông bà thường được mặc định là người giúp nuôi dạy con trẻ. Tuy nhiên, vì các cặp vợ chồng muốn có con muộn hơn, một số thấy rằng họ phải chăm sốc bố mẹ già yếu và chăm sóc con nhỏ cùng một lúc. Là con một, đứa trẻ cũng không có anh chị lớn để học tập.

Liu Gang năm nay 31 tuổi và là một người tổ chức sự kiện sống ở Bắc Kinh. Anh thích có thêm con nhưng vợ anh hiện giờ đang phải ở Thanh Đảo để chăm sóc người cha già yếu. Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư nhiều hơn vào các viện dưỡng lão và trung tâm y tế, nhưng dường như chưa đủ.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 1,5 trẻ/cặp vợ chồng, bằng với mức trung bình của châu Âu nhưng thấp hơn nhiều so với mức 2,1 trẻ để duy trì quy mô dân số như hiện tại. 2,1 cũng là mức thường thấy đối với một nước có trình độ phát triển kinh tế như Trung Quốc hiện nay. 

Với một xã hội đang già hóa nhanh chóng, Trung Quốc cần tỷ lệ sinh cao hơn để duy trì ổn định kinh tế xã hội. Trong quá khứ, chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp khắc nghiệt để ngăn chặn các cặp vợ chồng có thêm con. Trong tương lại, họ sẽ phải tìm ra một cách thông minh để khuyến khích người dân sinh con. Nhiều nước khác (mà điển hình là nước láng giềng Nhật Bản) đã phải đấu tranh với điều này. 


Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên