MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc là trụ cột của kinh tế châu Á

17-04-2008 - 07:15 AM | Tài chính quốc tế

Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng lớn của Pháp - Societe General nhận định kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đều đặn có lợi cho toàn châu Á cũng như kinh tế thế giới.

Theo dự đoán của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), năm nay kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 9,3% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất tại Mỹ tính từ sau cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929.

Kinh tế Trung Quốc năm nay nhiều khả năng sẽ vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 10% và quy mô nền kinh tế đã phát triển gấp 68 lần kể từ khi cải cách trong thị trường tự do bắt đầu năm 1978. Nhu cầu hàng hóa nhập khẩu lớn của Trung Quốc sẽ giúp các nền kinh tế châu Á duy trì xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế năm 2008 khi kinh tế Mỹ suy yếu làm giảm nhu cầu hàng hóa.

Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Societe Generale của Pháp ở Hồng Kông, nhận định việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đều đặn sẽ có lợi cho toàn châu Á và góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm bớt độ nóng. Đây chính là thành công bước đầu của chính phủ Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục Thống Kê Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng nước này tăng 8,3% trong tháng 3, tỷ lệ đó trong tháng 2 năm 2008 là 8,7%, gần chạm mức cao nhất trong 12 năm.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2008 (tháng 1 cho đến hết tháng 3) là 10,6%. Tăng trưởng kinh tế quý trước đó là 11,2%. Năm 2007, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 11,9%, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế dự đoán năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, ước tính khoảng hơn 9%.

Trung Quốc hiện nay đang cố gắng làm giảm độ nóng của nền kinh tế sau 9 năm tăng trưởng hơn 10%, đồng thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lên 16%. Những biện pháp chặn đứng sự tăng giá cả nhằm ngăn chặn bất ổn xã hội sẽ khiến nền kinh tế đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải chững lại đôi chút.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng 17,8% so với một năm trước đó sau khi tăng 15,4% trong hai tháng đầu năm.

Ngân hàng Thế giới công bố giá thực phẩm tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 300 triệu người Trung Quốc và đưa họ vào tình trạng đói nghèo. Khoảng 49% hộ gia đình Trung Quốc hiện nay cho rằng tình hình lạm phát nước này đã quá mức chịu đựng.

Ngọc Diệp
Tổng hợp từ Bloomberg, IHT

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên