MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trung Quốc nghĩ gì] Vì sao ông Putin khó lòng tái đắc cử tổng thống lần 4?

07-10-2013 - 08:44 AM | Tài chính quốc tế

Vì thời thế đang thay đổi. Thêm nữa, chính sách kinh tế và đối ngoại của tổng thống Putin cũng lộ ra khá nhiều tồn tại.

Tổng thống Nga Putin hiện đang là một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới đồng thời là vị tổng thống được nhiều người ủng hộ nhất tại Nga lẫn Trung Quốc. Ông Putin đã trải qua ba nhiệm kỳ lãnh đạo, mười ba năm đưa đất nước đi lên con đường phục hồi. Do đó rất nhiều người đang quan tâm liệu ông có tiếp tục ứng cử lần thứ tư? Trong hội nghị Valdai gần đây, Tổng thống cho hay ông không loại trừ khả năng ứng cử nhiệm kỳ thứ tư đến năm 2024. 


Sở dĩ động thái này nhận được sự quan tâm sâu sắc vì hội nghị Valdai là nơi các nhà lãnh đạo cao cấp Nga bày tỏ quan điểm của mình với thế giới.

Dân ý không như xưa

Tổng thống Putin nắm quyền lâu như vậy là nhờ có nhân dân hết mực ủng hộ. Trước đợt ứng cử năm 2000, uy tín của ông được gây dựng từ tận hồi chiến tranh Chechnya lần hai. Từ đó trở đi, một loạt các thăm dò cho thấy Putin luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng các nhà chính trị được nhân dân tín nhiệm. Kể cả trong bốn năm làm thủ tướng, Putin vẫn nhận được sự ủng hộ cao hơn cả tổng thống Medvedev.

Nhưng thời thế đổi thay, ngay từ khi Putin tuyên bố ứng cử tổng thống lần ba, dư luận đã có chút lay chuyển. Cho dù là một người cứng cỏi nhưng đứng trước phản ứng dữ dội của cư dân mạng, Putin cũng không khỏi lúng túng. Bởi lẽ kỷ nguyên mạng xã hội đã thay đổi môi trường chính trị ở Nga. 

Các thế lực Đảng Tự Do trên mạng thi nhau đưa ra công kích, thậm chí trong số đó còn hình thành nên một số blogger nổi tiếng được một lượng lớn cư dân mạng ủng hộ. Đợt bầu cử thị trưởng thành phố Mátx-cơ-va đầu tháng 9 vừa rồi là minh chứng cho thấy ngay cả những ứng viên không chính thức cũng vẫn có thể nhận được sự ủng hộ lớn. Khi mức sống được cải thiện, người dân Nga bắt đầu đòi hỏi quyền tham gia chính trị.

Những thiệt hại gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính cũng để lộ những vấn đề tồn tại trong chính sách cải cách nước Nga. Các cuộc thăm dò trong thời gian đầu tuyển cử cho thấy sự hỗ trợ dành cho Putin không còn cao như trước.

Chiến lược tuyên truyền của đội ngũ Putin đã phát huy tác dụng tuyệt vời vào thời khắc quan trọng nhất. Họ hô hào quần chúng tưởng tượng rằng nếu không có Putin, nước Nga này sẽ như thế nào. Putin không phải nhà lãnh đạo duy nhất được cả nước đặt hy vọng, nhưng những đối thủ như chủ tịch Đảng Cộng Sản Nga Zyuganov, chính trị gia Đảng Tự Do Zhirinovsky, nhà tài phiệt Prokhorov... lại không có khả năng vận động để giành chiến thắng. Điều đó phản ánh sân chơi chính trị của Nga đang trong thời kỳ "neo người". Nếu có lớp người mới xuất hiện, chắc chắn cuộc tuyển cử của Putin sẽ có phần cam go hơn.

Còn 6 năm nữa mới đến cuộc tuyển cử tiếp theo, thời gian đủ dài để những người đang phản đối Putin trở thành xương sống của xã hội. Còn thế hệ "tàn dư Liên Xô" của Putin cũng sẽ rút lui khỏi vũ đài chính trị, cho dù bản thân Putin muốn ứng cử thì lúc đó chưa chắc được dư luận tán đồng.

Sự tiếc nuối của Putin

Nhiều người cho rằng ông Putin tiếp tục tham gia ứng cử,  phần nhiều là vì lời thề còn dang dở: "Hãy cho tôi 20 năm, tôi sẽ trả lại các bạn một nước Nga kỳ tích". Hãy xem lại những mục tiêu Putin chưa hoàn thành:

Nước Nga lên xuống bất chợt như tàu lượn

Trong tám năm đầu Putin nhậm chức, nước Nga đã trải qua sự hồi phục thần kỳ. Đáng tiếc, phương thức cải cách kinh tế chưa mang lại những thay đổi rõ rệt cho nước Nga, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng làm suy yếu ý chí cải cách. Vì vậy khi giá năng lượng liên tục giảm trong gần đây, kinh tế nước Nga rời vào khó khăn cực lớn, đặc biệt là vào hồi đầu năm 2013, khi tình hình không có gì khác mấy so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tình trạng "lên voi, xuống chó" này khiến nhân dân hoài nghi năng lực cải cách của Putin.

Nước Nga đơn thương độc mã

Xét về ngoại giao, Nga ngày càng bị cô lập. Mặc dù mối quan hệ Trung - Nga phát triển lành mạnh nhưng vẫn không bù đắp nổi những mặt tiêu cực. Nếu trong vụ Syria, Mỹ mà không trao cơ hội cho Putin thì tiếng nói của Nga trong các vấn đề quốc tế đã chìm nghỉm. Các nước láng giềng cũng chẳng buồn dùng "lá bài Nga" làm đối trọng trong xung đột nữa. Căng thẳng trong đối lập với phương Tây ảnh hưởng trực tiếp lên nhịp độ tham gia can thiệp quốc tế của nước này. Tuy Putin đã cố gắng thay đổi hình tượng "kẻ bắt nạt" của Nga từ thời Yeltsin nhưng hiệu quả không mấy rõ rệt.

Bộ sậu kỳ cựu khó lòng chen chân

Hiện nay những nhân vật bên cạnh Putin như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cựu tổng thống Dmitry Medvedev, cựu phó thủ tướng Ivanov... đều là các bậc kỳ cựu trong làng chính trị. Từ mười năm trước họ đã nắm giữ những quyền lực then chốt và đến nay vẫn vậy, người mới rất khó chen chân vào bộ sậu kể trên. Đây không phải di chứng sau cuộc chiến quyền lực mà là tình thế tiến thoái lưỡng nan của chế độ. Do đó, các kênh can thiệp của lực lượng hậu bị dành cho Putin đều bị chặn lại.

Hiện vẫn chưa rõ ai là người có khả năng kế nhiệm ông Putin. Cũng có thể chính trị gia lỗi lạc này đang đi tìm một ai đó giống mình năm xưa. Lời phát biểu "không loại trừ khả năng" chỉ là một quả bom khói che mắt. Nếu Putin nhắm được một ứng cử viên ưng ý, ông sẽ dành nhiều năm để tập huấn. Vì vậy vài năm tiếp theo chính là thời khắc quan trọng để thay đổi thời thế cho những nhân tài chính trị nước Nga.

Thùy An

huongnt

Báo chí Trung Quốc

Trở lên trên