MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc – Nhật Bản: Nguy cơ chiến tranh kinh tế đang cận kề

19-09-2012 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công vào thị trường trái phiếu của Nhật Bản và đẩy nước này vào khủng hoảng tài khóa.

Một chuyên gia tư vấn cao cấp cho chính phủ Trung Quốc vừa kêu gọi tấn công vào thị trường trái phiếu của Nhật Bản nhằm dồn đất nước “mặt trời mọc” vào 1 cuộc khủng hoảng mới. Điều này sẽ xảy ra trừ khi Tokyo rút lại quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư. 

Jin Baisong, chuyên gia đến từ Cơ quan quản lý thương mại quốc tế – cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc – cho rằng Trung Quốc nên sử dụng sức mạnh là chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản.

Hiện nay, Trung Quốc đang nắm giữ số lượng trái phiếu trị giá 230 tỷ USD và do đó có thể áp đặt các lệnh cấm vận lên và khiến Tokyo phải đương đầu với 1 cuộc khủng hoảng tài khóa trầm trọng. Nếu bị Trung Quốc tấn công trên thị trường trái phiếu, NHTW Nhật chỉ có thể mua vào để đối phó và như vậy đồng yên sẽ yếu đi nhanh chóng. 

Trong bài viết được đăng tải trên tờ China Daily, Jin kêu gọi Trung Quốc áp dụng các điều khoản ngoại lệ liên quan đến vấn đề an ninh được qui định bởi WTO để trừng phạt Nhật Bản. Lời kêu gọi vẫn được đưa ra bất chấp có nhiều lập luận cho rằng chiến tranh thương mại có nguy cơ phá hủy cả 2 “gã khổng lồ”. 

Trong khi đó, tờ Hong Kong Economic Journal cũng đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung đất hiếm xuất sang thị trường Nhật Bản. Đất hiếm vốn là vật liệu hết sức cần thiết cho các ngành công nghệ cao và đây lại là ngành mà Nhật Bản chú trọng phát triển.  

Các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan rộng trên 85 thành phố của Trung Quốc, buộc các công ty Nhật Bản phải đóng cửa nhà máy và tạm ngừng hoạt động. 

Trước tình hình này, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo sẽ hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nhiều nhà xuất khẩu của Nhật Bản nếu như tình hình tiếp tục diễn biến xấu. Fitch cảnh báo doanh số xe hơi bán ra của Nissan sẽ sụt giảm 26% trong khi của Honda là 20%. 

Theo Jin, Trung Quốc có thể hy sinh lượng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản trong khi chỉ phải gánh chi phí tương đối nhỏ bởi các hàng hóa xuất sang Nhật đều là mặt hàng có ít giá trị gia tăng. Ngược lại, Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu từ Trung Quốc để có thể giữ vững nền kinh tế và bù đắp sự suy giảm nghiêm trọng trong lực cầu. 

Trung Quốc và Nhật Bản cũng có những động thái chuẩn bị ráo riết về mặt quân sự. Trung Quốc đã chuyển sang tự sản xuất vũ khí. Cách đây 4 năm, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, nước này đã tụt xuống vị trí thứ 4 vào năm ngoái. Trong khi đó, Nhật đang nỗ lực củng cố lại lực lượng quốc phòng sau nhiều năm xao lãng. 

Công cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc hàng đầu châu Á đang ngày càng căng thẳng. Nếu xung đột lên đến đỉnh điểm, tác động dễ nhìn thấy nhất là khối lượng tiết kiệm khổng lồ của toàn châu Á sẽ sụt giảm nghiêm trọng và kéo theo đó là thế giới lại bị đẩy vào 1 cuộc khủng hoảng mới. 

Thu Hương

huongnt

Telegraph

Trở lên trên