MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc quản lý tín dụng đen như thế nào?

03-12-2012 - 11:52 AM | Tài chính quốc tế

Thống đốc NHTW Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên cho rằng phần lớn hoạt động của các định chế phi tài chính vẫn đang được kiểm soát. Có vẻ như Trung Quốc đang để mặc cho tín dụng đen phát triển. Tại sao lại như vậy?

Bạn chỉ mất vài phút lái xe vào Langfang để có thể cảm nhận bong bóng bất động sản ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ đến mức nào. Khi dừng xe chờ đèn đỏ, người lái xe sẽ nhận được tờ rơi quảng cáo cho Lion City – dự án nhà ở mới được xây dựng. Khu biệt thự phức hợp City States hay Happy City cũng được quảng cáo theo cách này. 

Thị trường bất động sản bùng nổ mạnh mẽ là điều không có gì đáng ngạc nhiên ở Trung Quốc – nơi chứng kiến giá bất động sản tăng cao trong suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở Langfang – địa danh cách Bắc Kinh 1h xe chạy – cũng như ở các thành phố khác là điều nguy hiểm. Kể từ năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng làm nguội bớt thị trường bất động sản bằng cách hạn chế hoạt động của các công ty xây dựng. Họ không còn được phép đi vay ồ ạt như trước.
 
Mặc dù vậy, giống như những gì đang xảy ra ở Langfang, các công ty này lại tìm kiếm được nguồn vốn khác. Tiền không đến từ các ngân hàng mà thay vào đó là từ bộ phận tín dụng đen – hệ thống phức tạp với nhiều kênh vay vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thức. 

Tín dụng đen đang bùng nổ ở Trung Quốc với tốc độ mạnh mẽ chưa từng thấy. Các chuyên gia ngân hàng, tổ chức xếp hạng tín dụng và cả IMF đều đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà “cơn sóng ngầm” này mang lại. Một số người còn cảnh báo hiện trạng ở Trung Quốc giống với tình trạng của các nước phát triển trước khủng hoảng. 

Tuy nhiên,  chính phủ Trung Quốc lại có 1 cách nhìn khác và có những lý lẽ biện hộ của riêng họ, giống như những gì Thống đốc NHTW Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên đã nói: phần lớn các hoạt động tài chính tiến hành bởi  các định chế phi tài chính vẫn đang được kiểm soát. Hệ thống tín dụng đen ở Trung Quốc không giống như ở các nước khác, nơi hoàn toàn không có bất cứ luật lệ nào quản lý các hoạt động này. 

Liệu các biện pháp quản lý này có thể hoạt động hiệu quả và kiểm soát mọi rủi ro hay không vẫn còn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, trước tiên hãy tìm hiểu xem hệ thống ấy hoạt động như thế nào. 

Lách luật bằng tài khoản quản lý tài sản

Hoạt động tín dụng đen ở Trung Quốc bao gồm khá nhiều hình thức. Trong đó, hình thức cơ bản nhất là các khoản vay từ những người cho vay với giá cắt cổ hoạt động chủ yếu ở các vùng duyên hải giàu có. Họ cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ vốn bị hệ thống ngân hàng chính thống chối bỏ. 
Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động tín dụng đen lại là hợp pháp. 

Các định chế phi tài chính lớn nhất là các quỹ tín thác. Họ huy động tiền từ các nhà đầu tư với mức lợi suất hấp dẫn và sau đó lại cho vay các khách hàng rủi ro vay lại, đặc biệt là các công ty bất động sản. Rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, từ các công ty đóng tàu cho đến khai thác dầu khí, đều tham gia vào loại hình này. 

Cho đến nay, vẫn có khá nhiều con số ước tính khác nhau về qui mô của hệ thống tín dụng đen ở Trung Quốc bởi có nhiều định nghĩa khác nhau. Theo Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại UBS, qui mô của hệ thống này không thể nhỏ hơn 13,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.000 tỷ USD), bằng 1/4 GDP Trung Quốc. Thậm chí, qui mô có thể lên đến 24,4 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 50% GDP.

Tốc độ phát triển của hệ thống này là vấn đề đáng lo ngại hơn. Tính đến cuối quý III, các quỹ tín thác – xương sống của hệ thống này – đã quản lý lượng tài sản lên đến 6.300 tỷ nhân dân tệ, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái và lớn hơn gấp 5 lần so với năm 2009. KPMG dự đoán quỹ tín thác có thể vượt qua cả bảo hiểm và trở thành mảng lớn thứ 2 trong hệ thống tài chính Trung Quốc, chỉ đứng sau ngân hàng. 

Hệ thống này cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn. Một chuyên gia cao cấp đang làm việc tại 1 ngân hàng thương mại nhận định tình hình đang giống với cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước phương Tây. Sản phẩm được tạo ra theo cách mà các nhà quản lý không thể nắm bắt hết. Cả các ngân hàng và khách hàng cũng không thực sự hiểu rõ. 

Các sản phẩm quản lý tài sản - WMP – chính là ví dụ điển hình. Để tuân theo các quy tắc cho vay, ngân hàng hiện đang bán các WMP có kỳ hạn thanh toán vào những ngày cuối quý, một hai ngày sau đó, khoản này tự động chuyển sang tiền mặt và gửi vào tài khoản thường xuyên của giới đầu tư. 

Năm 2007, giá trị các tài khoản WMP được phát hành chỉ là 800 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, con số được ước tính sẽ lên đến 20 nghìn tỷ trong năm nay. Như vậy, nếu như có 3 đồng được gửi vào ngân hàng chính thống thì cũng có 1 đồng được các hộ gia đình và công ty gửi vào hệ thống tín dụng đen. 

Để phục vụ bài viết này, tờ Financial Times đã kiểm tra hơn 50 tài khoản WMP tại các ngân hàng Trung Quốc. Hầu hết các tài khoản này đều chỉ có những thông tin rất mù mờ về mục đích sử dụng. Ví dụ, theo ngân hàng Bank of Communications, 30% trong tổng số tiền huy động được thông qua WMP sẽ được đầu tư vào trái phiếu, các công cụ trên thị trường tiền tệ hoặc thị trường liên ngân hàng. 70% còn lại được đổ vào các sản phẩm tín thác. Ngân hàng này không công bố thêm bất kỳ chi tiết nào. 

Financial Times chỉ tìm được duy nhất 1 ngân hàng cung cấp chi tiết khoản đầu tư. Khi bán sản phẩm WMP kỳ hạn 1 năm có lãi suất 5,5% hồi tháng 10, ngân hàng Hồ Bắc cho biết sẽ dùng số tiền để tài trợ cho khoản vay tín thác dành cho RiseSun Holding Company, tập đoàn mẹ của công ty bất động sản RiseSun. Đây là 1 trong những công ty bất động sản lớn nhất ở Langfang. 

Sự thật là, các khách hàng mua sản phẩm WMP của ngân hàng Hồ Bắc (vốn là ngân hàng có tiếng là an toàn) thực chất đã tài trợ cho các khoản tín dụng đen tài trợ cho các công ty bất động sản đang ngập trong nợ nần. 

Khi được hỏi về WMP, RiseSun Real Estate từ chối cung cấp thông tin về việc quỹ tín thác sẽ được sử dụng như thế nào. Công ty này cũng bổ sung thêm rằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của họ là 78%. Đây là tỷ lệ an toàn và phù hợp với mức trung bình ngành. 

Rủi ro 

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất ở đây là vỡ nợ. China Credit Trust, quỹ tín thác lớn thứ 3 Trung Quốc, hồi tháng 6 vừa qua cho biết họ đang gặp nhiều khó khăn khi thu hồi lại tiền vay nợ của công ty than Zhenfu Energy. 1 tháng sau, Huarong International Trust mới thu hồi được số tiền sau khi chính quyền địa phương viện trợ cho LDK Solar – công ty khách hàng của Zhenfu.

Ngoài ra, tín dụng đen cũng đang hủy hoại hệ thống ngân hàng chính thống bằng cách cạnh tranh với lợi suất cao hơn hẳn. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng chính thống lại bị giới hạn bởi chính sách quản lý của chính phủ. 

Tính ổn định của nguồn vốn dành cho tín dụng đen cũng là điều gây nhiều lo ngại. Thông thường, các WMP có kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, nguồn vốn tài trợ có kỳ hạn dài hơn rất nhiều, thông thường là nhiều năm. Nếu nguồn vốn gặp trục trặc, chắc chắn các tài khoản WMP sẽ gặp rắc rối lớn. 
Tất cả các câu hỏi về hệ thống tín dụng đen đem đến 1 câu hỏi lớn: tại sao Trung Quốc lại để mặc cho hệ thống này phát triển như vậy? 

Wang, chuyên gia đến từ ngân hàng UBS, tin rằng nguyên nhân sâu xa nằm ở chính sự mâu thuẫn trong chính sách của chính phủ. Một mặt, các nhà quản lý muốn các ngân hàng an toàn bằng cách hạn chế cho vay. Mặc khác, họ vẫn muốn duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc và mong muốn này tất nhiên sẽ đến nhu cầu tín dụng khổng lồ. Do đó, kênh tín dụng đen vẫn được thả lỏng. 

Tuy nhiên, đã đến lúc Trung Quốc cần hạn chế sự phát triển của hệ thống tín dụng đen để có thể tránh những hậu quả khôn lường. Shi Dawei, 59 tuổi và là một giáo viên mỹ thuật ở Thượng Hải, cho biết ông đã bắt đầu chuyển hết tiền tiết kiệm vào các sản phẩm quản lý tài sản. “Tôi không đủ thông minh để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tôi không quan tâm tiền của tôi sẽ được đầu tư đi đâu bởi các WMP được xếp hạng rủi ro ở mức thấp”, ông nói. 

Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên