MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc sẽ giải quyết núi nợ ở các địa phương ra sao?

12-02-2015 - 09:38 AM | Tài chính quốc tế

Cơ quan kiểm toán quốc gia tính rằng 18 tháng qua, nợ của các địa phương – bao gồm cả các nguồn vay gián tiếp – đã lên đến 17,9 nghìn tỉ nhân dân tệ.

Nội dung nổi bật:

- Trung Quốc đang thực hiện chương trình cải cách tài chính công nhằm chấm dứt việc chính quyền địa phương dựa quá nhiều vào các khoản vay không chính thức từ các ngân hàng trong bóng tối.

- Nguồn vốn đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng hay chương trình hưu trí sẽ được huy động trên thị trường trái phiếu địa phương mới được hợp pháp hóa.

- Giới phân tích nghi ngờ về hiệu quả của đợt cải cách này vì nhu cầu trái phiếu sẽ giảm xuống và kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt


“Đóng cửa sau, mở cửa trước.” Đó là slogan chính thức được dùng để mô tả chương trình cải cách những tài chính công tham vọng nhất trong hai thập kỉ của Trung Quốc. Theo dự định chương trình sẽ được tiến hành vào cuối năm nay. Mục đích của đợt cải cách này là nhằm từ từ chấm dứt tình trạng lệ thuộc nguy hiểm của các địa phương “nợ như chúa chổm” vào các ngân hàng cũng như các nguồn vay “cửa hậu” khác của họ – hiện con số này đã lên đến hàng ngàn thành phố và quận huyện. Các nguồn vốn để hỗ trợ quá trình đô thị hóa như vũ bão của Trung Quốc – như xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì các chương trình hưu trí, và nhiều thứ khác - sẽ đến từ thị trường trái phiếu mở rộng và mới được hợp pháp hóa của địa phương đó.

Debra Roane, chuyên gia tín dụng cao cấp tại Moody’s Investors Service, cho rằng: “Sự phát triển của thị trường tín dụng địa phương là một cột mốc thật sự. Một khi các chính quyền địa phương bắt đầu phải tự mình gánh nợ thì rõ ràng họ sẽ có trách nhiệm, và như thế họ sẽ có những quyết định thận trọng hơn. Họ sẽ tránh xa các dự án rủi ro hơn.”

Kể từ lần cải cách ngân quỹ gần đây nhất (vào giữa thập niên 90 thế kỉ trước), khi phó thủ tướng Chu Dung Cơ cho khôi phục việc kiểm soát các hoạt động tài chính công dành cho chính phủ, các chính quyền địa phương đã lâm vào cảnh khó khăn. Họ chỉ nhận được khoảng 1/2 tổng doanh thu từ thuế, trong khi họ phải chịu trách nhiệm chi trả 80% các loại chi phí, kể cả trường học, đường sá, và chăm sóc y tế. Các chính quyền địa phương lại bị cấm vay trực tiếp từ ngân hàng và cũng không được phát hành trái phiếu.

Kết quả là một ngành công nghiệp khổng lồ nhưng không hề được kiểm soát đã phát triển nhanh chóng, theo cách mà nhiều người vẫn gọi là “các cỗ xe tài chính của chính quyền địa phương”. Khoảng 10.000 công ty tài chính hoạt động vì lợi nhuận giúp các địa phương huy động vốn nhưng cũng khiến cho các quan chức địa phương có những hành động thiếu cân nhắc. Các công ty tài chính này, với sự ủng hộ ngầm của chính quyền địa phương, đã cung cấp vốn cho các "thành phố ma" trống rỗng. Debra Roane nói rằng: “Điều này dẫn đến một tình huống mập mờ và đầy rủi ro, trách nhiệm thuộc về ai thì lại không rõ ràng.”

Thâm hụt ngân sách của Trung Quốc được công bố chính thức là khoảng 2% GDP của nước này. Chen Long, một nhà kinh tế tại công ty GavekalDragonomics ở Bắc Kinh, nói: “Đó là chuyện… tưởng tượng, bởi vì con số đó không bao gồm bất kì vụ vay nợ gián tiếp nào của các địa phương.” Chen ước tính rằng nếu như tính đủ thì con số đó phải là khoảng 5%. Cơ quan kiểm toán quốc gia tính rằng 18 tháng qua, nợ của các địa phương – bao gồm cả các nguồn vay gián tiếp – đã lên đến 17,9 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,86 nghìn tỉ USD), tăng 63% kể từ cuối năm 2010, cao hơn nhiều so với mức tăng 40% của nền kinh tế quốc gia này.

Với tất cả dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai, các chính quyền địa phương sẽ phải phân chia trách nhiệm pháp lý thành những nhóm riêng biệt. Nhóm thứ nhất sẽ gồm các dự án an sinh công cộng, quan trọng nhưng không có khả năng tự lo nguồn vốn được, như là trường học, cầu cống, sẽ được cấp vốn từ nguồn trái phiếu mới, như lời của Louis Kuijs, kinh tế gia tại ngân hàng Royal Bank of Scotland ở HongKong.

Nguồn vốn vay để xây các cơ sở thương mại - như khách sạn, cao ốc văn phòng hoặc các chung cư hạng sang – sẽ được tách riêng và phân loại như nợ doanh nghiệp. Các nhà làm chính sách cũng tìm cách thu hút đầu tư tư nhân vào nhóm việc công tạo ra doanh thu thứ 3 – như hệ thống cấp nước của thành phố chẳng hạn. Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông báo rằng việc thăng tiến của quan chức địa phương và ngân hàng sẽ gắn liền với nỗ lực kiểm soát nợ của họ.

Vào năm 2009, Bộ tài chính Trung Quốc đã bắt đầu một chương trình thử nghiệm nhỏ để xem thử thị trường trái phiếu địa phương có thành công không. Sự phát triển của nó được kiểm soát chặt chẽ và cổ tức không do thị trường quyết định. Người mua các trái phiếu này (có giá trị 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ) hầu hết là các ngân hàng do nhà nước sở hữu độc quyền và hiện đang nắm giữ các trái phiếu trên đến khi đáo hạn. Chen nói: “Các ngân hàng địa phương là do chính quyền địa phương sở hữu, do vậy họ có thể bảo các ngân hàng này mua. Vì số lượng trái phiếu rất nhỏ nên các ngân hàng đã sẵn lòng mua. Nhưng như thế là không bền vững.” Ông cũng ước tính thị trường này phải tăng kích thước gấp 10 lần hiện tại để đáp ứng được nhu cầu của các địa phương. Ông cho biết: “Trong tương lai, khi họ bán nhiều trái phiếu hơn thì sẽ khó kiếm người mua hơn nhiều.”

Kế hoạch nhằm chấm dứt sự lệ thuộc vào các nguồn vay mượn gián tiếp trên diễn ra khi các thành phố và quận huyện đang ngày càng “khát” tiền mặt. Giữa lúc bất động sản đang hồi xuống giá, doanh thu từ việc bán đất - nguồn thu chính của ngân sách địa phương - đã giảm 21,5% trong quý 4 vừa qua. So với mức tăng 40,3% trong ba tháng đầu năm 2014 thì đây quả là một “sự đảo chiều”. Nếu các nhà điều hành “siết chặt” các công ty cung cấp vốn cho các địa phương thì các thành phố và quận huyện sẽ phải đối mặt với sự thiếu ngân sách nghiêm trọng, và dĩ nhiên sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế vốn đã “nguội” của Trung Quốc.

Andrew Polk, nhà kinh tế cao cấp tại Conference Board, một tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới tại New York, dự báo: “Cuối năm nay, khi cuộc suy thoái đạt đến đỉnh điểm, những gì họ không mong muốn chắc chắn sẽ tái diễn. Họ nói rằng họ muốn đóng “cửa hậu”. Có lẽ cánh cửa đó chỉ đóng lại trong thời gian rất ngắn và được mở ra ngay sau đó”.

Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

Bloomberg

Trở lên trên