MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc sẽ rơi vào "thập kỷ mất mát" giống Nhật Bản?

16-07-2015 - 00:00 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc ngày nay rất giống với Nhật Bản trong năm 1990, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên hết sức cảnh giác để tránh lặp lại những chính sách sai lầm mà Nhật Bản đã áp dụng.

Đó là câu chuyện về hai nền kinh tế.

Cùng ngày Trung Quốc công bố số liệu GDP tốt hơn dự báo và khiến thị trường ngạc nhiên, NHTW Nhật Bản buộc phải hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, mặc dù kinh tế Trung Quốc đang phát ra những tín hiệu hồi phục, nước này vẫn đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng giống như cuộc khủng hoảng đã kéo Nhật Bản vào nhiều thập kỷ giảm phát và trì trệ. Đó là kết luận được đưa ra trong bản nghiên cứu được HSBC và Oxford Economics thực hiện.

Dù hai bên đưa ra những kết luận khác nhau, cả hai tổ chức này đều đồng ý rằng giữa Trung Quốc hiện nay và Nhật Bản trong quá khứ có đủ điểm tương đồng để cảnh báo Trung Quốc có thể bước vào “vết xe đổ” của Nhật Bản.

Nhật Bản đã tận hưởng tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong thời kỳ những năm 1980, cho tới khi bong bóng bất động sản và cổ phiếu vỡ tung năm 1990. Trung Quốc cũng vậy. Nước này đã có mấy thập kỷ tăng trưởng như vũ bão, kéo theo giá bất động sản và cổ phiếu tăng nóng. Oxford Economics tìm thấy rằng các nhà dự báo đã quá chậm chạp để nhận ra kinh tế Nhật Bản sẽ giảm tốc nhanh như thế nào và những hậu quả sẽ ra sao khi nền kinh tế sụp đổ. Họ cũng bỏ qua yếu tố dân số già hóa. Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra ở Trung Quốc. Dù các dự báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong trung hạn đều bị hạ xuống trong vài năm gần đây, chúng vẫn đậm vẻ lạc quan nếu như tính đến cả yếu tố dân số.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc và Nhật Bản

“Cách đây một phần tư thế kỷ, đáng ngạc nhiên là kinh tế Nhật Bản có rất nhiều điểm chung với Trung Quốc ngày nay”, chuyên gia kinh tế Adam Slater nói. “Đây nên là một dấu hiệu cảnh báo đối với các nhà quan sát cũng như giới đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là khi một vài dấu hiệu đáng lo ngại đang xuất hiện như đầu tư không hiệu quả, tỷ lệ nợ của khu vực tư nhân ở mức cao, thị trường tài sản “sủi bọt” và cơ cấu dân số không thuận lợi”.

Dưới đây là một số điểm tương đồng giữa hai bên:

Trong giai đoạn từ năm 1985 đến 1990, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Nhật Bản chiếm 8% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu trên toàn thế giới, 12% GDP toàn cầu và tới 57% GDP của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ngày nay, Trung Quốc chiếm 10% hàng hóa nhập khẩu, 11,5% GDP toàn cầu và 38% GDP châu Á Thái Bình Dương.

Một điểm nữa là đà tăng nóng của TTCK. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 150% trong 1 năm kết thúc vào ngày 12/6 vừa qua, trước khi bước vào đợt điều chỉnh khiến giá trị vốn hóa của thị trường giảm tới 4.000 tỷ USD.

Chắc chắn là kinh tế Trung Quốc ở năm 2015 rất khác so với kinh tế Nhật Bản năm 1990. Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng và khởi đầu từ mức phát triển và thu nhập thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Hơn nữa. NHTW Trung Quốc và Chính phủ nước này còn nhiều “vũ khí” khá mạnh.

Dẫu vậy, cả HSBC và Oxford đều cảnh báo Trung Quốc có thể lặp lại sai lầm về chính sách giống như Nhật Bản. HSBC nhận định Tung Quốc đã rút ra được một số bài học từ Nhật Bản, nhưng các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ cần phải hành động quyết liệt hơn để ngăn nguy cơ giảm phát.

“Với lực cầu trên toàn cầu sẽ không mạnh mẽ như thời kỳ trước năm 2008 hoặc thậm chí là trong những năm 1980, Trung Quốc nên nới lỏng chính sách mạnh mẽ hơn và sớm hơn. Còn rất nhiều việc phải làm”, chuyên gia kinh tế Qu Hongbin nhận định.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên