MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tăng sức ảnh hưởng tại World Bank

27-04-2010 - 11:45 AM | Tài chính quốc tế

"Con rồng châu Á" đã vượt lên các quốc gia hùng mạnh châu Âu để trở thành nước có tiếng nói thứ 3 tại Ngân hàng Thế giới.

Quyết định nâng tỷ lệ bỏ phiếu của Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới đưa ra vào hôm qua, cùng với một số điều chỉnh tỷ lệ của một số nước khác.

Trong lần điều chỉnh này, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế số một tại World Bank với tỷ lệ bỏ phiếu lớn nhất 15,85%. Còn Nhật Bản tự nguyện giảm tỷ lệ xuống còn 6,84%, duy trì vị trí thứ 2. Trung Quốc có mức tăng lớn nhất trong số các quốc gia đang phát triển, từ 2,78% lên 4,42%.

Trung Quốc đã vượt Đức, Anh, Pháp để trở thành quốc gia có tiếng nói thứ 3 trong tổ chức, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Quyết định này của World Bank phần nào ngầm khẳng định Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren hoan nghênh quyết định của WB, cho rằng thay đổi này thể hiện tính bình đẳng ngày càng rõ rệt giữa một bên là các nền kinh tế mới nổi và một bên là các quốc gia phát triển. Tổng cộng, một số nền kinh tế mới nổi và quốc gia đang phát triển trong WB được tăng thêm 3,13% tỷ lệ bỏ phiếu, lên 47%.

Trước đó, các quốc gia như Trung Quốc, Brazil, Nga đã nhiều lần phàn nàn về sự thống trị của Mỹ và các quốc gia châu Âu trong các quyết định của Ngân hàng Thế giới. Theo một quy luật bất thành văn có từ cuối Thế chiến 2, Ngân hàng Thế giới sẽ do một người Mỹ làm Chủ tịch và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải có Chủ tịch người châu Âu.

Để đi đến quyết định này, nhiều cuộc họp căng thẳng đã diễn ra hàng tháng trời vì nhiều thành viên không chịu giảm tỷ lệ bỏ phiếu theo đề nghị của WB, nhằm có chỗ tăng tỷ lệ cho một số nước khác. "Nga vẫn duy trì tỷ lệ bỏ phiếu ở 2,77% nhưng một số nước phải điều chỉnh giảm. Chúng tôi hiểu rằng điều này có thể khá khó khăn với họ, nhưng có một sự thật trong WB là các quốc gia đang phát triển cần có tiếng nói lớn hơn", Bộ trưởng Tài chính của Nga, ông Alexei Kudrin phát biểu với AP.

Chủ tịch Zoellick cho biết công thức tính toán tỷ lệ bỏ phiếu - sức mạnh tiếng nói của từng quốc gia trong tổ chức vẫn chưa hoàn thiện. "Tuy nhiên, một phần nhờ có công thức này, chúng tôi lâu nay đã duy trì tốt đẹp mối quan hệ vốn nhạy cảm của 186 quốc gia thành viên với nhau", ông nói.

Bên cạnh điều chỉnh tỷ lệ bỏ phiếu, 186 thành viên của WB cũng nhất trí tăng vốn lên 3,5 tỷ USD nhằm củng cố sức cho vay trong khủng hoảng kinh tế. Đây là lần điều chỉnh tăng đầu tiên của ngân hàng trong suốt hơn 20 năm qua.

Theo Thanh Bình
VnExpress

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên