MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Thừa điện, thiếu nước

29-08-2013 - 12:21 PM | Tài chính quốc tế

51% nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đề xuất xây dựng tại Trung Quốc sẽ được đặt tại những nơi cực kỳ khan hiếm nước. Hàng năm Trung Quốc sẽ mất thêm hàng tỉ m3 nguồn tài nguyên quý giá này.

Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cung ứng cho hơn 1,3 tỉ dân, Trung Quốc đang cần phải dung hòa hai nhân tố đang căng thẳng với nhau: nhu cầu năng lượng và khan hiếm tài nguyên mà ví dụ điển hình chính là lượng cung nước và việc sử dụng than trong công nghiệp.

Tháng 7 năm 2012, chính phủ nước này dự định xây dựng 363 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trên toàn quốc, công suất phát điện liên hợp tăng thêm 557 GW (cuối năm 2012 công suất phát điện là 758 GW, như vậy công suất tăng dự kiến tương ứng 75%). Hiện Trung Quốc đang là đất nước dùng nhiều than đá nhất thế giới, chiếm 50% toàn cầu.

Theo phân tích mới đây của Viện Tài Nguyên Quốc Tế (WRI), hơn 50% các nhà máy nhiệt điện đề xuất tại Trung Quốc sẽ được xây dựng ở những nơi khan hiếm nước trầm trọng. Nếu vậy, tình trạng thiếu nước sẽ ngày càng đáng báo động, đe dọa tới sinh hoạt của cư dân cũng như sản xuất nông nghiệp hay các ngành khác.


Bản đồ "Nguy cơ khan hiếm nước của WRI" cho thấy 51% nhà máy nhiệt điện đề xuất tại Trung Quốc sẽ được xây dựng tại những nơi thiếu thốn nguồn tài nguyên quý giá này.

Màu đỏ = các vùng khan hiếm cao.
Màu đỏ sẫm = các vùng cực kỳ khan hiếm.

Nhà máy nhiệt điện gây khan hiếm nước trầm trọng

Đây là điều rất đáng lo ngại vì các ngành công nghiệp liên quan đến than như khai mỏ, hóa chất, năng lượng... tiêu tốn cực kỳ nhiều nước. Quặng than cần nước để tách lọc, rửa và xử lý còn nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cần nước để tạo hơi và làm mát. Nếu nhà máy được xây dựng, đến năm 2015 các ngành nghề kể trên sẽ rút cạn 10 tỉ mét khối nước mỗi năm, bằng một phần tư lượng nước sẵn có từ sông Hoàng Hà.

Thuật ngữ "water stress" (khan hiếm nước, thiếu nước...) chỉ tỉ lệ lượng nước bị lấy đi trên tổng lượng nước cung cấp sẵn có, có thể lấy lại trên một vùng. Tại những vùng khan hiếm cao, trên 40% lượng nước bị rút đi mỗi năm; còn những nơi cực kỳ khan hiếm, con số này là 80% hoặc hơn. Tỉ lệ càng lớn, càng nhiều người phải cạnh tranh trên một nguồn cung hạn hẹp. 

Phân tích trên cho thấy:

- 60% tổng công suất phát điện đề xuất sẽ tập trung tại sáu tỉnh. Tuy nhiên các tỉnh này chỉ chứa 5% tài nguyên nước của Trung Quốc.

- Trong số sáu tỉnh đó, cạnh tranh giữa công nghiệp, nông nghiệp và hộ gia đình vốn đã khá cao.

Nước và năng lượng - Trung Quốc sẽ quản lý ra sao?

Chính phủ Trung Quốc vạch ra ba mục tiêu quốc gia cho tài nguyên nước, đặt tên là "Ba đường đỏ". Những "đường" này ám chỉ hạn mức sử dụng nước tối đa mỗi năm là 700 tỉ mét khối (tương đương 25% lượng nước sẵn có hàng năm), tăng hiệu quả thủy lợi lên tới 60% cho đến năm 2030, bảo vệ chất lượng nước để tối đa hóa phát triển bền vững.

Những mục tiêu số lượng, chất lượng và hiệu quả trên là bước quan trọng nhắm tới việc đánh đổi giữa nước và năng lượng trong trọng tâm phát triển ngành than tại Trung Quốc. Để đáp ứng mục tiêu giới hạn nước, Trung Quốc cần "giảm tốc" ngành công nghiệp than và đưa ra một chương trình sử dụng nước vừa tiết kiệm vừa hiệu quả cho các ngành.

Đứng trước câu hỏi hóc búa về than, mỗi phản ứng của Trung Quốc đều ảnh hưởng lên lượng cung nước toàn quốc gia, lẫn dân cư, nông nghiệp, hệ sinh thái và các ngành nghề khác. Liệu "công xưởng thé giới" sẽ xây dựng nhà máy mà không có sự nâng cấp kỹ thuật hay không vượt quá mục tiêu đường đỏ? Liệu đất nước này có quản lý nguồn tài nguyên một cách thận trọng? Trước khi ra bất cứ quyết định nào, việc đặt công tác quản lý nước làm trọng tâm sẽ giúp Trung Quốc cân bằng được tài nguyên và kinh tế vững vàng hơn.

Thùy An

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên