MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc thực hiện "cải cách 2.0"?

18-11-2013 - 09:03 AM | Tài chính quốc tế

Một số chuyên gia phân tích bắt đầu tự hỏi liệu có phải các đề nghị cải cách mạnh mẽ trong kế hoạch 383 thiếu vắng là dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang e ngại điều gì đó.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi nghị quyết được đưa ra sau hội nghị trung ương 3 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là những kế hoạch mới cho cải cách, thậm chí là “cải cách 2.0”. Lời miêu tả này có vẻ hơi quá đà, nhưng trên thực tế Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra những đề nghị cải cách kinh tế và xã hội trên phạm vi rộng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Được công bố ngày 15/11, nghị quyết được cho là sẽ thúc đẩy cải cách ở mọi lĩnh vực, từ mua bán đất nông nghiệp cho tới nới lỏng kiểm soát lãi suất. Các rào cản nhập cư cũng được giảm bớt và chính sách 1 con được nới lỏng. Chính sách cải tạo lao động gây nhiều tranh cãi cũng bị loại bỏ.


Dường như lãnh đạo Trung Quốc đã rất hào hứng với nghị quyết này và phá vỡ thông lệ khi công bố nghị quyết 3 ngày sau khi được thông qua thay vì một tuần hoặc lâu hơn (công chúng sẽ nhận được bản thông báo rất vắn tắt). Mục đích của sự chậm trễ này là để đảm bảo chắc chắn rằng hơn 80 triệu đảng viên sẽ tiếp cận và hiểu rõ nghị quyết trước tiên. 

Trong trường hợp này, có thể thừa nhận rằng những đồn đoán và kỳ vọng về nội dung của nghị quyết quá cao so với thực tế. Một số chuyên gia phân tích bắt đầu tự hỏi liệu có phải các đề nghị cải cách mạnh mẽ trong kế hoạch 383 thiếu vắng là dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang e ngại điều gì đó. 

Trong quá khứ, các bài phát biểu của lãnh đạo tại hội nghị trung ương 3 không bao giờ được công bố. Tuy nhiên, lần này, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình về vai trò của nghị quyết đã được công bố rộng rãi và thậm chí là có văn bản đi kèm. Như thông tin đăng tải trên tờ Beijing Youth News, tại các kỳ họp trước, những bài phát biểu tương tự sẽ được thực hiện bởi những lãnh đạo cấp thấp hơn thay vì Chủ tịch nước. 

Rõ ràng là ông Tập đang phát tín hiệu ông sẽ có trách nhiệm cá nhân đối với quá trình cải cách (ông là người dẫn đầu nhóm soạn thảo nghị quyết – nhiệm vụ bắt đầu cách đây 7 tháng). Giới phân tích còn dự đoán có thể ông sẽ dẫn đầu một nhóm nhỏ hơn chịu trách nhiệm triển khai cải cách (có lời đồn cho rằng bí thư Thượng Hải Han Zheng sẽ tới Bắc Kinh để giúp đỡ). 

Bài phát biểu của ông Tập cũng được bổ sung những từ ngữ của một nhà cải cách. Ông trích dẫn lời cảnh báo của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về “đường cùng” nếu như Trung Quốc thất bại trong cải cách và cải thiện đời sống của người dân. Ông không hề nhắc đến Mao Trạch Đông, mặc dù đây là hình ảnh thường xuyên được nhắc tới trong các bài phát biểu khác. 

Chủ tịch nước Trung Quốc cũng rất thẳng thắn khi nói về những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt: mô hình phát triển “mất cân bằng, không đồng nhất và không bền vững”; tương phản xã hội ngày càng gia tăng; nhiều khó khăn khi trừng trị tham nhũng. 

Những chi tiết cụ thể hơn sẽ được công bố trong một vài tuần tới. Các lãnh đạo Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khác vào tháng 12 để quyết định đường lối phát triển kinh tế trong năm 2014. Sau đó là cuộc họp bàn về các vấn đề ở nông thôn. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên